Đường Hồ Chí Minh Đông, đoạn từ Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đến Túy Loan (TP Đà Nẵng) dài 186 km đã được khởi công giai đoạn 1 ở phân tuyến từ ngã ba La Sơn (xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đến Túy Loan với chiều dài 83 km, nền đường rộng 24 m, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, ở giai đoạn 2, tuyến đường này sẽ là cao tốc với 4 làn xe.
Đi vào vùng lõi
Sau đúng 2 năm khởi công phân tuyến La Sơn - Túy Loan, hiện các đơn vị thi công đang tiến hành đào núi, đắp đường ở những điểm đầu tiên đi qua Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã. Mặc dù tuyến đường mới thi công dựa trên nền đường cũ của Tỉnh lộ 14 nhưng đây là tuyến đường khá nhỏ, 10 năm qua không có xe cơ giới lưu thông, rừng phục hồi khá tốt.
Tại vị trí ở xã Hương Lộc (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế), những ngày qua, đơn vị thi công đang khẩn trương làm nền đường. Tiếng xe cộ đào núi, đắp đường vang cả một khu rừng. Xung quanh khu vực có nhiều tầng cây rừng khá cao và rậm rạp.
Ông Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc VQG Bạch Mã, khẳng định tuyến đường này mở đi vào vùng lõi của vườn với chiều dài 9 km, 49 ha rừng bị ảnh hưởng và có những tác động đến hệ sinh thái.
Nhiều loài động vật quý sẽ biến mất
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - Túy Loan của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), tuyến đường này đi qua chiếm dụng trên 26 ha thuộc phân khu dịch vụ hành chính VQG Bạch Mã (vùng lõi). Còn ở phía Bắc, đường sẽ đi qua phân khu phục hồi sinh thái thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Phong Điền với chiều dài 3,2 km, diện tích rừng bị chiếm dụng trên 7,6 ha.
Báo cáo ĐTM tại đoạn qua VQG Bạch Mã từ Trạm kiểm lâm số 8 đến Trạm kiểm lâm đèo Đê Bay cho thấy thảm thực vật ở đây thuộc dạng rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới ở độ cao thấp (từ 100-150 m). Khu vực tuyến đường đi qua xác định có khoảng 100 loài thực vật có công dụng làm thuốc, số lượng cây cho gỗ có đường kính từ 20 cm trở lên có thể lên tới 50 loài.
Các chuyên gia thực hiện ĐTM đã quan sát dọc tuyến dự án đi qua được hơn 90 loài chim, 18 loài thú, 12 loài ếch và 16 loài bò sát. Đây là khu vực rừng đang phục hồi ở bờ sông Tả Trạch, nhiều nơi là khu vực kiếm ăn và đi lại của động vật rừng, có thể coi là khu vực nhạy cảm của vườn. Đối với đoạn đi qua KBTTN Phong Điền, dù đây là 2 phân khu phục hồi sinh thái nhưng có vai trò quan trọng đối với toàn khu bảo tồn, một phần có vai trò quan trọng về đa dạng sinh học, nguồn gien.
Theo nghiên cứu, trong quá trình thi công, việc xây dựng lán trại công nhân, xe cộ, chặt cây sẽ làm mất đi một số loài động vật quý hiếm. Việc mở đường sẽ chia cắt sinh cảnh sống của sinh vật giữa khu Nam và khu Bắc VQG Bạch Mã, giữa khu Đông với khu Tây thuộc KBTTN Phong Điền. Quá trình thi công, tiếng động cơ sẽ làm thay đổi môi trường sống nên động thực vật suy giảm, một số loài phải đi nơi khác, cây trên đường bị chặt hạ 25 ha với trên 550 m3 gỗ sẽ làm mất cân bằng sinh thái ở VQG Bạch Mã. Từ đó, rừng nguyên sinh bị ảnh hưởng.
Nghiên cứu cũng cảnh báo rằng việc mở đường sẽ làm mất nơi kiếm ăn của các loài thú ăn thực vật như nai, hoẵng; mất nơi sinh sống và hoạt động của nhiều loài thuộc họ trĩ; tạo dải ngăn cách giao lưu của các loài chim, nhất là các loài trong bộ gà có ít khả năng bay xa, các loài thú móng guốc và linh trưởng.
Không còn lựa chọn khác!
Theo Bộ TN-MT và chủ đầu tư, việc quy hoạch mở tuyến đường này gặp khó khăn trong việc bố trí tuyến bởi phải tránh mở về phía Đông vì giáp Quốc lộ 1, các con sông lớn và các khu du lịch, cảnh biển; tránh mở về phía Tây tuyến vì là nơi có núi cao và đã có tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Hướng tuyến lựa chọn của dự án đã đạt được tiêu chí hiệu quả kinh tế, kỹ thuật do hạn chế được những nhược điểm và điều kiện mặt cắt ngang hẹp của miền Trung.
Theo lý giải, việc mở đường đi qua KBTTN Phong Điền như vậy là phương án bất khả kháng vì nếu dịch tuyến đường về phía Đông sẽ gặp địa hình thấp, lũng sông Mỹ Chánh và rất gần Quốc lộ 1; nếu bố trí dịch chuyển lên phía Tây, sẽ đi sâu vào giữa khu bảo tồn.
Đối với đoạn đi qua VQG Bạch Mã, việc bố trí tuyến như vậy là hợp lý do đoạn này đi trong thung lũng sông Tả Trạch, phía bên trái thung lũng này theo hướng từ Bắc vào Nam là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, bên phải là phân khu phục hồi sinh thái. Nếu bố trí tuyến đường về phía Tây (ngoài phạm vi VQG), sẽ gặp địa hình núi cao và cũng nằm trong ranh giới của VQG, thuộc phân khu phục hồi sinh thái; nếu đi ngoài VQG Bạch Mã và về phía Đông thì trùng với Quốc lộ 1.
Ông Huỳnh Văn Kéo khẳng định: “Mọi việc đều có ảnh hưởng đến môi trường nhưng vì điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì phải chấp nhận”. Theo ông Kéo, VQG Bạch Mã đã tổ chức tham vấn cộng đồng, trong đó có ĐTM cũng như các giải pháp giảm thiểu việc mất đa dạng sinh học. Những ý kiến đóng góp của VQG Bạch Mã cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được Bộ TN-MT ghi nhận, tôn trọng để yêu cầu dự án làm các công trình như hầm chui, cầu cạn cho động vật qua lại.
Hiện 2 đầu tuyến đường, đoạn mở qua VQG Bạch Mã, đã được bố trí 2 trạm kiểm lâm. Theo ông Kéo, thông qua những trạm này, sẽ tiến hành các nghiên cứu tác động của dự án lên môi trường, quan sát đa dạng sinh học để xem xét mức độ tác động trong thi công và khi khai thác. “Những tác động này, chúng tôi đã có nhiều bài toán đặt ra kèm theo lời giải nhưng về môi trường thì không thể đánh giá một sớm một chiều, cần quá trình vận hành vài năm sau. Mức độ ảnh hưởng như thế nào thì có chương trình sau này của các chuyên gia đầu ngành ở từng lĩnh vực, như về tiếng ồn xe cộ, khí thải... Chúng tôi cũng yêu cầu chủ đầu tư cấp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý, bảo vệ vùng này” - ông Kéo nói.
Trong ĐTM, Bộ TN-MT yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền địa phương phải có những biện pháp trong thi công và vận hành đường để giảm thiểu tác động môi trường. Trong đó, quan trọng nhất là tuyên truyền những người tham gia thi công, nhân dân trong khu vực tuân thủ quy định bảo vệ rừng; quy hoạch, thiết kế giảm thiểu tác động. Những nơi động vật thường qua lại, nhất là ven các suối, phải có giải pháp thiết kế kỹ thuật xây cầu, cống, các bậc thang chống xói lở đất phải đặt lên hàng đầu nhằm bảo đảm thoát nước ra suối, không làm biến đổi dòng chảy, các lòng sông, suối không bị vùi lấp để bảo vệ nguồn lợi cá và thủy sinh vật. Thiết kế cầu cống rộng, khẩu độ cao có bậc thang 2 bên để động vật đi lại. Làm cầu vượt dạng cây đổ, dây leo hoặc cống chui để các loài linh trưởng hoạt động bình thường. Thời gian nổ mìn phải là lúc lặng gió, thời điểm động vật ít hoạt động vào buổi trưa, dùng thuốc nổ có tốc độ nổ nhỏ, giảm thiểu lượng thuốc. Các đơn vị thi công phải bố trí phương tiện hiện đại, thi công nhanh gọn, hạn chế đến mức tối thiểu phải nổ mìn phá đá.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết địa phương cũng thường xuyên giám sát việc bảo vệ môi trường của các đơn vị thi công đi qua VQG Bạch Mã theo quy định của Bộ TN-MT.
PGS-TS Lê Văn Thăng, Viện trưởng Viện TN-MT (Đại học Huế):
Khó mà phục hồi
Vùng lõi của VQG luôn là nơi khu trú của nhiều loài động - thực vật quý hiếm, giá trị đa dạng sinh học cao vì ít bị tác động. Khu vực lõi VQG Bạch Mã chủ yếu là gỗ quý hiếm và nhiều loài động vật quý hiếm. Việc mở đường sẽ làm mất đi diện tích rừng đáng kể, cũng là mất đi sinh cảnh sống của nhiều loại động - thực vật quý hiếm, làm suy giảm tính đa dạng sinh học nhưng không thể phục hồi được. Các loài động - thực vật còn lại cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng trong quá trình thi công.
Việc nghiên cứu thực hiện một dự án tác động đến lõi VQG không chỉ tuân thủ theo luật pháp của Việt Nam mà còn phải tuân theo quy định của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) hay Công ước về buôn bán quốc tế các loài động - thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)… Chắc chắn không chỉ riêng tôi mà bất cứ nhà khoa học nào cũng khó chấp nhận tuyến đường cao tốc chạy qua vùng lõi VQG Bạch Mã vì tác động quá lớn.
Thạc sĩ Mai Văn Phô, cựu giảng viên Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế:
Thú quý sẽ bỏ đi hết
Là người có nhiều đề tài nghiên cứu về hệ động - thực vật ở VQG Bạch Mã, theo tôi, khi mở đường sẽ có nhiều phương tiện giao thông qua lại, các loài thú quý hiếm như sao la, nai, mang… khi nghe tiếng động là bỏ đi hết.
Việc tiến hành các giải pháp kỹ thuật như xây nhiều cầu cống có khẩu độ lớn, các cầu vượt để cho thú rừng qua lại cũng khó có hiệu quả. Không bao giờ các loài thú rừng đi lại ở khu vực khi có xe cộ chạy bên dưới. Nếu VQG có diện tích lớn thì tác động đến hệ động - thực vật ít nhưng đối với Bạch Mã thì ảnh hưởng khá lớn vì VQG này có diện tích nhỏ hơn các vườn khác. T.Sương - Q.Nhật
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!