Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa hoàn thành nhưng VEC đã kiến nghị thu phí hoàn vốn
Sau khi Bộ GTVT chấp thuận chủ trương thông xe và khai thác tạm thời đoạn Km 210 đến Km 230+700 thuộc dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (từ ngày 1-10), Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ GTVT kiến nghị phê duyệt phương án thu phí tạm thời đoạn đường này.
Phí 800 đồng/km cho ô tô con
Theo phương án được VEC đưa ra, trạm thu phí tạm thời sẽ nằm tại nút giao Liêm Tuyền (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) - một trong 8 nút liên thông của dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và sẽ triển khai hình thức thu phí thủ công cho trạm thu phí tạm thời.
Sau khi tính toán, VEC kiến nghị cho phép duyệt mức phí cơ bản cho dự án là 800 đồng/km và với chiều dài 20,7 km, mức phí từ nút Liêm Tuyền đến Cầu Giẽ là 16.560 đồng (làm tròn số tính mức thu phí cơ bản cho ô tô con là 15.000 đồng/lượt, 1,2 triệu đồng/quý). Xe từ 12-30 ghế ngồi, xe tải có trọng tải từ 2-4 tấn, vé lượt là 20.000 đồng và 1,6 triệu đồng/quý; xe từ 31 ghế trở lên, xe tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 30.000 đồng/lượt và 2,4 triệu đồng/quý…
VEC cho rằng mức thu này sát với phương án tài chính của dự án đã được phê duyệt, bảo đảm nguồn thu bù đắp chi phí và một phần bù đắp chi phí đầu tư.
Thu sớm để giảm áp lực vốn
Trong quá trình thực hiện dự án, VEC đã phải huy động lượng vốn lớn nên áp lực trả nợ gốc và lãi cho các khoản vốn đã huy động là rất lớn. Bên cạnh đó cần chuẩn bị nguồn vốn để giải ngân cho các hạng mục đã và sẽ hoàn thành nên VEC đang rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng.
Việc tổ chức thu phí hoàn vốn đoạn Km 210 đến Km 230+700 sẽ giúp bảo đảm năng lực tài chính cho VEC và giảm bớt gánh nặng, áp lực trong việc huy động vốn cho các dự án đang thực hiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 15-9, ông Phùng Minh Mỡ, Trưởng Ban Kế hoạch Đầu tư của VEC, cho biết dự án được đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ và lập trạm thu phí để hoàn vốn.
Ông Mỡ cho biết việc lập trạm thu phí tạm thời và sau này khi hoàn thành sẽ được tính theo số km phương tiện lưu thông trên đường để bảo đảm công bằng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay chưa có quy định nào cho phép lập trạm thu phí trên các con đường chưa hoàn thành.
“Hơn nữa, hiện nay, Bộ GTVT đang trình Chính phủ dự thảo đề án quỹ bảo trì đường bộ nên việc lập trạm thu phí như thế nào cần được tính toán, tránh làm đi làm lại nhiều lần, gây lãng phí” - ông Hùng nói.
Tận thu?
Trước câu hỏi về chuyện đường chưa xong đã thu phí có phải là một hình thức gặt lúa non, tận thu của VEC, ông Phùng Minh Mỡ cho rằng VEC là doanh nghiệp, thực hiện theo chủ trương của Nhà nước và việc thu phí hoàn vốn cho dự án theo từng đoạn là hoàn toàn hợp lý.
“Quốc lộ 1A và đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình song song với nhau nên nếu không thu phí thì phương tiện vận tải sẽ tập trung đi qua đường cao tốc để lách trạm thu phí trên Quốc lộ 1. Như vậy sẽ gây thất thu cho doanh nghiệp đang thu phí trên Quốc lộ 1 và không hạn chế được ùn tắc giao thông trên tuyến”, ông Mỡ nói và cho biết VEC đang chờ ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ GTVT để có thể triển khai trong tháng 10. |
Bình luận (0)