Lần đầu xuất hiện vào Tết Giáp Thân 2004, Đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành nét văn hóa của Tết TP HCM và là hoạt động không thể thiếu đối với người dân TP mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Kết nối tâm tư
Đường hoa Tết Bính Thân 2016 với chủ đề “TP HCM: Sáng tạo, hội nhập và phát triển” đã chính thức khai mạc vào tối 5-2 (tức 27 tháng chạp) tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1.
Đến dự lễ khai mạc có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu khẳng định Đường hoa Tết Bính Thân 2016 là một sự kiện văn hóa đặc trưng của TP. “Mỗi công dân của TP được vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu có quyền tự hào về nét đẹp văn hóa, sự hòa quyện đầy tính nhân văn, sự kết nối tinh thần cộng đồng, đoàn kết, chung sức xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình mà đường hoa muốn truyền tải thông điệp” - bà Thu nhấn mạnh.
Bà Thu cho rằng Đường hoa Tết Bính Thân 2016 đã tạo thành đường dẫn vào trái tim, vào lòng người vì không chỉ là nơi trưng bày hàng ngàn chậu hoa tươi thắm mà đã trở thành con đường kết nối tâm tư, hoài niệm, niềm tự hào, tình yêu, khát vọng của đồng bào TP; thể hiện sự vững tin vào tương lai tươi sáng của TP, của đất nước.
Bà Thu mong mỗi người dân, du khách chung tay giữ gìn, bảo vệ đường hoa. Mỗi hành động đẹp giữ gìn đường hoa, giữ gìn vệ sinh môi trường, tôn trọng trật tự của mỗi người đến thưởng lãm là một đóa hoa thật đẹp, tạo nên sự thắm tươi của đường hoa, làm nên vườn hoa văn hóa của TP, của xã hội.
Nhằm tạo điều kiện cho du khách có thể hòa mình vào khung cảnh của đường hoa, ban tổ chức đã bố trí những chiếc ghế ngồi. Tại đây, du khách vừa có thể tạm nghỉ chân trong hành trình khám phá đường hoa, vừa có thể lưu lại những hình ảnh đẹp khi chính mình trở thành tâm điểm của tiểu cảnh.
Lưu giữ ký ức Xuân
Sau một năm tạm dời đến đường Hàm Nghi vào năm 2015, đường hoa năm 2016 đã quay trở lại đường Nguyễn Huệ, nay là phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đường hoa Nguyễn Huệ đã có một quá trình lịch sử văn hóa Tết từ trước năm 1975, sau khi hòa bình thống nhất đất nước cho đến hôm nay.
Tuy Đường hoa Nguyễn Huệ lần đầu tiên ra mắt vào Tết Giáp Thân 2004 nhưng với mỗi người dân TP HCM, nó đã gắn với tâm thức của họ về một ký ức Xuân không bao giờ quên, dù ở bất cứ nơi đâu, đó là chợ hoa Tết Nguyễn Huệ.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Sài Gòn, bà Nguyễn Thanh Ngọc Phi Oanh (ngụ quận Bình Thạnh) không quên không khí những ngày giáp Tết khi được cha mẹ chở đi chợ hoa Nguyễn Huệ. “Những tiếng cười nói, tiếng rao hàng, rồi cả tiếng leng keng của những thùng kem dạo đã trở thành âm thanh quen thuộc gắn bó với người dân Sài Gòn” - bà Oanh hồi tưởng và chia sẻ thêm: “Tôi được cha mẹ mua cho một que kem, vừa ăn vừa tung tăng trong chợ hoa. Đi chợ hoa Nguyễn Huệ đã trở thành nét văn hóa Tết của người Sài Gòn. Nét văn hóa này ngày càng được nhân lên, không còn những cảnh bán buôn nhếch nhác khi nó được tổ chức thành đường hoa.
“Tuy không còn chợ hoa ngày xưa nhưng đường hoa là nơi để người dân TP gặp gỡ, nhắc nhau nhớ lại những nét Tết cổ truyền để cùng nhau trân trọng, giữ gìn bản sắc trong tiến trình hội nhập. Sự gắn kết đó là những nét văn hóa không thể mất đi của đường hoa” - bà Oanh tâm sự.
Còn đối với những người ở tỉnh không có điều kiện về quê thì Đường hoa Tết Bính Thân 2016 như một món quà ngọt ngào của TP mang tên Bác để vơi đi nỗi nhớ nhà.
Chị Nguyễn Thị Linh (quê Bình Định) tâm sự: “Biết hôm nay khai mạc đường hoa nên từ hôm qua, cả nhà đã chuẩn bị sẵn để cùng nhau thưởng ngoạn. Đến đây, người lớn vơi đi nỗi nhớ nhà thông qua các tiểu cảnh được sắp đặt chẳng khác ở quê, còn các con tôi cũng vô cùng háo hức mỗi khi đến đây”. Chị Linh mong mỗi năm đường hoa sẽ lại khoác trên mình diện mạo mới, ngày càng đẹp hơn, có nhiều ý tưởng mới để du khách trong và ngoài nước khi nhắc đến TP HCM là nhớ đến đường hoa.
8 điểm giữ xe cho khách tham quan
Để phục vụ khách tham quan Đường hoa Tết Bính Thân 2016, Lực lượng Thanh niên Xung phong TP HCM đã tổ chức 8 điểm giữ xe tại quận 1. Giá giữ xe từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/lượt dành cho xe hai bánh. Thời gian từ 7 giờ đến 23 giờ, ngày 5-2 đến 12-2 (nhằm ngày 27 tháng chạp đến mùng 5 Tết).
8 điểm giữ xe gồm lề đường Pasteur vách Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, phường Bến Nghé; lề đường Pasteur vách Bảo tàng TP, phường Bến Nghé; lề đường Pasteur vách chùa Ấn Giáo, phường Bến Nghé; lề đường Huỳnh Thúc Kháng vách Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, phường Bến Nghé; lề đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé; Công viên Cảng Bạch Đằng gần đường hoa. Hai điểm còn lại là lề đường Hàm Nghi và Công trường Quách Thị Trang vách Tổng Công ty Đường sắt Sài Gòn, phường Bến Thành chỉ giữ xe từ 7 giờ đến 23 giờ, ngày 7-2.
Bình luận (0)