Theo ước tính của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn đường cát Thái Lan nhập lậu qua biên giới. Trong đó, khu vực biên giới ở tỉnh An Giang được xem là điểm nóng.
Buôn lậu... công khai
Đến phường Vĩnh Nguơn, TP Châu Đốc và các xã biên giới của huyện An Phú, tỉnh An Giang những ngày này, chúng tôi chứng kiến cảnh vận chuyển đường cát Thái Lan nhập lậu hết sức sôi động.
Sau khi tập kết về kho, đường cát lậu được “thay áo” bằng các bao bì của các công ty đường trong nước rồi lên xe máy hoặc xe tải xuôi tỉnh lộ 956 tỏa đi các nơi. Được biết, tiền công vận chuyển và sang bao của 1 bao đường cát Thái Lan 50 kg là 6.000 đồng.
Còn ở TP Châu Đốc, các tay buôn lậu đường chọn rạch Cây Gáo làm tuyến vận chuyển huyết mạch. Chúng hoạt động về đêm, mỗi đêm có khoảng 20 chiếc vỏ lãi cỡ lớn đi “ăn hàng”. Sau đó, hàng được tập kết về khu dân cư khóm 3, phường Vĩnh Nguơn để thay vỏ bao rồi tiếp tục đưa lên xe tải, rải khắp ĐBSCL và TP HCM.
Lãnh địa của những “ông trùm”
Thời gian gần đây, khi lực lượng liên ngành về phòng, chống buôn lậu lập các chốt kiểm soát tại các xã, phường của TP Châu Đốc và huyện An Phú, cánh buôn lậu đã chuyển bớt địa bàn hoạt động sang nơi khác. Trong đó, khu vực thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên đã xuất hiện thêm nhiều ông, bà trùm về đường cát lậu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ông H., bà M.H và bà T. là những trùm buôn lậu đường cát với 2 kho chứa có khoảng 700 - 800 tấn đường. Riêng bà T. trang bị hơn chục chiếc vỏ lãi cho dân đai thuê lại để vận chuyển đường cát cùng với các mặt hàng nhập lậu khác. Còn tại các kho chứa của ông H. và bà M.H lúc nào cũng có các xe tải hạng nặng chờ “ăn hàng”.
Trong vai người làm nghề đánh bắt cá mùa lũ, chúng tôi tiếp cận dãy vỏ lãi khoảng 30 chiếc nối đuôi nhau tại khu vực trạm Ông An, gần cống Cây Dương. Mỗi chiếc chứa từ 60-100 bao đường cát, sẵn sàng đợi lệnh của chủ đầu nậu. Khoảng 11 giờ, những chiếc vỏ lãi bắt đầu phóng vút trên cánh đồng mênh mông nước. Một người từng làm cửu vạn tiết lộ: “Mỗi bao đường được vận chuyển trót lọt về đến điểm tập kết an toàn thì dân đai được 15.000 đồng. Trung bình mỗi đêm, các ghe ở đây vận chuyển hơn 7.000 bao đường lậu với khoảng 350 tấn. Những lúc hút hàng, chúng tôi phải vận chuyển 400-500 tấn”.
Chống không được vì bị giám sát ngược
Ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh An Giang, cho biết mặc dù lực lượng phòng chống buôn lậu trực chiến 24/24 giờ để ngăn chặn nhưng bằng mọi cách, dân buôn lậu vẫn vận chuyển hàng hóa qua biên giới đưa về nội địa tiêu thụ.
“Cái khó hiện nay của anh em (lực lượng chống buôn lậu - PV) ở các chốt chặn là đã bị dân buôn lậu cử người với số lượng đông để theo dõi, giám sát rất chặt chẽ. Do đó, khi anh em ra quân đi hướng nào hay làm gì thì các chủ đầu nậu biết hết cả” - ông Lợi giãi bày.
Theo Ban Chỉ đạo 127 tỉnh An Giang, tính từ đầu tháng 6 đến nay, các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý rất nhiều vụ vận chuyển đường cát Thái Lan qua biên giới cũng như trong nội địa. Do nhu cầu tiêu thụ thời gian cận Tết Nguyên đán tăng cao nên các đối tượng đã thay đổi phương thức hoạt động để tiếp tục đưa hàng qua biên giới rồi tập kết ở các kho chứa mới.
Kiểu gì cũng… chết! Đó là nhận định của ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, về tương lai của ngành mía đường. “Đường nhập lậu tràn vào từ biên giới Tây Nam trên 500.000 tấn/năm. Thị trường trong nước thì đường Thái Lan nhập lậu chiếm lĩnh từ lâu rồi!”» - ông Long than thở. Theo ông Long, tình trạng nhập lậu đường từ lâu đã không được kiểm soát chặt chẽ và xử lý đến nơi đến chốn khiến thị trường đường trong nước bị bóp méo tệ hại. “Mức thuế suất nhập đường là 5% nhưng đây là “hàng rào” vô nghĩa trước bọn buôn lậu. Giống như cái sân bóng đá, cứ để khán giả tràn vào khán đài một cách tự do thì việc định ra giá vé cũng không ích gì và dĩ nhiên là chủ sân bóng trắng tay” - ông Long chua chát. Ông Long cho biết năm 2013, lực lượng chức năng bắt được khoảng 1.000 tấn đường nhập lậu, tức chỉ bằng khối lượng đường lậu tuồn vào biên giới Tây Nam trong... 1 ngày. Mỗi ngày có khoảng 20 xe tải, loại 40 tấn, lũ lượt chở đường từ An Giang về TP HCM. Lực lượng chức năng biết là đường lậu nhưng không làm gì được vì tài xế xuất được hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Vì sao cánh buôn đường lậu có được các loại hóa đơn, chứng từ, ông Long lý giải: “Do nhà nước vô tư cấp phép cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh đường. Có hàng loạt cơ sở ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ... được cấp phép dù không hề có nhà máy sản xuất đường. Nguồn đường lậu đi qua họ, được đóng bao bì, nhãn mác và nghiễm nhiên bán ra thị trường”...
Q.Lâm ghi |
Bình luận (0)