Hải quân Việt Nam sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Tư liệu
Trong suốt thời gian qua, song hành với các hoạt động trên thực địa, Trung Quốc luôn tuyên bố và yêu cầu Việt Nam dừng ngay các hoạt động tại “khu vực có tranh chấp” ở ngay chính vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Điều này là có mục đích sâu xa bởi nếu vụ việc xảy ra tại vùng biển chồng lấn, các quốc gia liên quan sẽ có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết. Vị trí tàu Bình Minh 02 và Viking II hoạt động nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc nên không thể tồn tại vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hai quốc gia chỉ phải giải quyết vấn đề chồng lấn trong Vịnh Bắc Bộ và chưa hề đặt ra vấn đề phân định các vùng biển ngoài khu vực này.
Một lập luận mà Trung Quốc đã và sẽ có thể viện dẫn là yêu sách “đường lưỡi bò” được Trung Quốc chính thức đề cập trong Công hàm số CML/17/2009 gửi Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 7-5-2009.
Với yêu sách “đường lưỡi bò” nêu trên, 80% biển Đông sẽ trở thành “vùng biển của Trung Quốc”, bao gồm cả khu vực tàu Bình Minh 02 hoạt động.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Trung Quốc không đưa ra bất kỳ giải thích nào về ý nghĩa của “đường lưỡi bò”. Bản thân giới học giả Trung Quốc cũng mơ hồ và tranh cãi về ý nghĩa pháp lý của “đường lưỡi bò” này. Còn các học giả ngoài Trung Quốc đều thống nhất khẳng định rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở trong luật quốc tế.
Trung Quốc là thành viên của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 nên chỉ có quyền xác định các vùng biển phù hợp với quy định của công ước, bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Mỗi vùng biển sẽ có chiều rộng và quy chế pháp lý khác nhau.
Vì vậy, việc Trung Quốc xác định một “đường lưỡi bò” gộp vào trong đó tất cả các vùng biển, coi đó là “vùng biển thuộc quyền quản lý” của mình là hành vi không có cơ sở pháp lý và vi phạm nghiêm trọng các quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.
Mặt khác, Trung Quốc đồng thời khẳng định “đường lưỡi bò” đã được biết đến rộng rãi trong cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, không thể có sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế khi đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai đưa ra yêu sách về “đường lưỡi bò”, cũng là lần đầu tiên các quốc gia chính thức biết đến sự tồn tại của yêu sách này và thậm chí còn chưa biết tọa độ địa lý cũng như chưa hiểu rõ Trung Quốc yêu sách gì trong “đường lưỡi bò” đó.
Hơn nữa, tuyên bố của Trung Quốc ngay từ đầu đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực, có quyền và lợi ích liên quan tại biển Đông.
Bình luận (0)