Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình Chính phủ xin cấp 7.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trung hạn trái phiếu Chính phủ giai đoạn năm 2017-2020 để đầu tư nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM.
Đề xuất triển khai 4 dự án
Giải thích lý do xin đầu tư nâng cấp, ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR, cho biết đường sắt Thống Nhất có tổng chiều dài chính tuyến 1.726 km, khổ đường 1.000 mm, được xây dựng đã lâu với tiêu chuẩn kỹ thuật và tốc độ thấp nên năng lực hạ tầng rất hạn chế.
Toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam có tới 1.047 đường ngang, gần 3.000 đường dân sinh
Bên cạnh đó, nhiều đoạn đi qua vùng đèo quanh co, dốc lớn (như khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện, đèo Khe Nét, đèo Hải Vân...) nhưng đường cong bán kính nhỏ hơn 300 m cùng với ray, tà vẹt, tà vẹt ghi xuống cấp. Tải trọng cầu đường trên tuyến cũng không đồng đều, như khu đoạn Hà Nội - Đà Nẵng, tải trọng cầu đường cho phép 4,2 tấn/m nhưng khu đoạn Đà Nẵng - TP HCM còn nhiều đoạn chỉ 3,6 tấn/m.
Theo ông Tùng, những năm qua, chiều dài đoạn có dải tốc độ cho phép 70-80 km/giờ chỉ chiếm gần 90% chiều dài toàn tuyến. Dải tốc độ này nằm xen giữa các đoạn có tốc độ cho phép thấp nên thực tế khi khai thác, tàu gia tốc chưa đạt đến tốc độ cho phép đã phải giảm tốc. Vì vậy, tốc độ trung bình đối với tàu khách chỉ đạt 50 km/giờ và tàu hàng là 35 km/giờ.
Ngoài ra, hiện toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam có 1.452 cầu, trong đó có đến 697 cầu đã xuống cấp; có 27 hầm nhưng phần lớn bị phong hóa và khổ tĩnh không vi phạm khổ giới hạn hiện hành, làm hạn chế tốc độ qua hầm. Các ga cũng phân bố không đồng đều, hiện còn 23 ga chỉ có 2 đường đón gửi. Chiều dài dùng được đường đón gửi ngắn, phần lớn 350-400 m. Đặc biệt, toàn tuyến còn tới 1.047 đường ngang, gần 3.000 đường dân sinh cần đầu tư nâng cấp.
Từ thực trạng trên, với 7.000 tỉ đồng xin cấp, VNR đề xuất triển khai 4 dự án gồm: cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh với tổng mức đầu tư dự kiến 1.600 tỉ đồng; cải tạo, nâng cấp hạ tầng đoạn Nha Trang - TP HCM (1.800 tỉ đồng); cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô (1.800 tỉ đồng); gia cố hầm yếu kết hợp mở mới 3 ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang (1.800 tỉ đồng).
Chỉ giải quyết trước mắt
Ông Trần Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ GTVT, cho rằng với thực trạng kết cấu hạ tầng đường sắt yếu kém như hiện nay, nhu cầu vốn đầu tư đáp ứng mục tiêu định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT đường sắt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là rất lớn, dự kiến khoảng 156.361 tỉ đồng. Trong đó, tuyến Hà Nội - TP HCM dự kiến khoảng 110.824 tỉ đồng.
Theo dự kiến, Bộ GTVT sẽ bố trí 7.000 tỉ đồng/75.000 tỉ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 để thực hiện 4 dự án nêu trên nhằm từng bước cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM hiện có.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR, cho biết việc sửa chữa, cải tạo những hư hỏng, xuống cấp trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam là khối lượng công việc rất lớn. Vì thế, số vốn 7.000 tỉ đồng sẽ chỉ sử dụng tập trung để giải quyết những khó khăn trước mắt. "Chúng ta chỉ kỳ vọng giải quyết được những "điểm nghẽn" mà thôi. Nếu có số tiền nhiều hơn thì mới có thể giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng" - ông Minh nói.
Theo ông Vũ Tá Tùng, thời gian qua, do dải tốc độ không đồng đều của đường sắt nên không tận dụng được công suất đầu máy vì vừa tăng tốc đã phải giảm tốc. Nếu đường ga kéo dài 500 m (hiện nay tối đa chỉ 400 m), đoàn tàu có thể tăng số lượng toa xe, tận dụng được sức chở, sức kéo và giảm chi phí vận chuyển.
"Nếu nâng cấp được hạ tầng, đồng nhất được tải trọng toàn tuyến Thống Nhất, khi lập tàu hàng Giáp Bát - Sóng Thần sẽ xếp thêm được 7 tấn/toa xe, tận dụng được hết tải trọng cho phép. Khi đó, có thể nâng doanh thu vận tải hàng hóa trên toàn tuyến thêm 1 tỉ đồng/ngày, đồng thời sẽ hạ được giá vận chuyển vì chi phí sức kéo, công đón gửi tàu vẫn vậy" - ông Tùng kỳ vọng.
Ông Vũ Tá Tùng khẳng định: "Với khoảng 7.000 tỉ đồng dự kiến dành cho đường sắt, chúng tôi tập trung giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng nhằm bảo đảm an toàn giao thông và xóa bỏ hàng trăm điểm giao cắt trái phép giữa đường bộ - đường sắt.
Bình luận (0)