“Ϲó những con đường nghe tên như huуền thoại/ Thắp sáng lung linh trên mặt hải đồ/ Rẽ sóng trong đêm những con tàu không số/ Đường mòn Hồ Chí Minh ta chi viện cho miền Nam…/ Đường mòn Hồ Ϲhí Minh trên đại dương/ Một con đường vàng đã viết lên trang sử vẻ vang”. Trong những ngày giữa tháng 10-2016, đến Hải Phòng, thăm Bến tàu Không số lừng danh ở Đồ Sơn, chúng tôi có dịp nghe lại những lời ca hào hùng về con đường lịch sử được thành lập 55 năm trước.
Chuyến tàu đầu tiên từ cột mốc số 0
Chúng tôi tìm gặp ông Ngô Văn Tân - Anh hùng Lực lượng Vũ trang, một trong những người tham gia chuyến tàu không số đầu tiên chở vũ khí từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam năm xưa.
Dấu tích Bến tàu Không số K15 ở Đồ Sơn, Hải Phòng hiện nay
Ông Tân vốn ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau ngày nay. Năm 1961, khi mới 20 tuổi, đang là bộ đội địa phương thì ông được Trung ương Cục miền Nam lựa chọn vào tổ công tác đặc biệt gồm 7 người đi thuyền từ Cà Mau ra bến sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình, sau đó trở vào Nam. Trong chuyến đi ấy, ông và đồng đội có nhiệm vụ trinh sát, lựa theo con nước để tìm luồng lạch bí mật, tối ưu cho những chuyến tàu chi viện vũ khí sau này.
“Sau chuyến đi mở đường đó, tôi và đồng đội ra Bắc để chuyển chuyến vũ khí đầu tiên vào Nam bằng đường biển. Tôi và 12 đồng đội bước chân xuống tàu với một khí thế hừng hực, quyết vượt qua bão tố hiểm nguy” - ông Tân nhớ lại.
Vào lúc 22 giờ 10 phút ngày 11-10-1962, chuyến tàu đầu tiên chở 30 tấn vũ khí xuất phát từ Bến K15 ở Đồ Sơn để vào Cà Mau. Đây là chiếc tàu vỏ gỗ do Xưởng Đóng tàu 1 Hải Phòng đóng, được mang tên Phương Đông 1. Suốt hành trình, tàu gặp sóng to gió lớn và sự đeo bám, kiểm soát gắt gao của tàu địch.
Ông Tân hồi tưởng: “Khi đến gần Côn Đảo, tàu chúng tôi bất ngờ bị hỏng chân vịt. Phương án cho nổ tàu và hy sinh đã được đưa ra. Trong lúc hiểm nguy, chúng tôi vẫn bình tĩnh xử trí. Cuối cùng, ý chí và sự sáng tạo đã thắng, tàu được sửa chữa. Mọi người mừng vui đến rơi nước mắt”.
Vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm, sau hơn 7 ngày 8 đêm, đến hôm 19-10-1962, tàu Phương Đông 1 đã cập bến Vàm Lũng ở Cà Mau. Với thành công này, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức được mở và Bến K15 chính là Km số 0.
“Ngày ấy, tôi cùng 12 đồng đội trên tàu đều khắc cốt ghi tâm khẩu hiệu “tàu còn thì người còn, tàu mất thì người mất”. Chuyến tàu cập bến thành công, đánh dấu cho việc mở đường thắng lợi, khai thông tuyến đường vận chuyển chiến lược - một con đường có một không hai trên thế giới” - ông Tân tự hào.
Tầm nhìn chiến lược
Bến tàu Không số K15 (còn gọi là H10) nằm dưới chân núi Vạn Hoa, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn. Dù nơi đây giờ chỉ còn là những cột bê-tông nhưng những chiến tích hào hùng gắn liền với các con tàu không số, với cột mốc số 0 của đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn in sâu trong tâm trí hàng trăm cựu binh.
Theo ông Ngô Văn Tân, từ Bến K15, hàng trăm chuyến tàu đã xuất phát, chở vũ khí, phương tiện và người chi viện cho nhiều hướng chiến trường, nhiều chiến dịch lớn, nhiều địa bàn trọng yếu mà đường bộ chưa với tới được, góp phần vào thắng lợi của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển toàn quốc, cho biết vào ngày 23-10-1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay, với tên gọi “Đoàn tàu không số” để vận chuyển vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.
Từ thành công của tàu Phương Đông 1, những chuyến tàu xuất phát từ Bến K15 Đồ Sơn không chỉ vào Cà Mau mà còn lần lượt đến Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa, Khu 6, Khu 5... Trong lịch sử con đường chiến lược vận chuyển vũ khí trên biển Đông những năm kháng chiến chống Mỹ, Bến K15 là nơi có số lần tàu xuất phát nhiều nhất với gần 100 chuyến.
“Cảnh vật Bến K15 giờ đã có nhiều đổi khác, không còn hoang sơ, vắng vẻ như trước đây. Giữa màu xanh của biển, của trời và núi đồi Đồ Sơn, những dấu tích còn lại của Bến tàu Không số K15 tựa như bản nhạc hào hùng đi cùng năm tháng, ngợi ca chiến công những người lính biển dũng cảm, kiên cường. Con đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyền thoại, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta” - ông Hữu bày tỏ.
Kỳ tới: Táo bạo, bất ngờ với Vũng Rô
Góp phần lập nên chiến công vang dội
Từ tháng 7-1959, Quân ủy Trung ương đã có chủ trương mở đường vận tải trên biển để chuyển vũ khí, lương thực từ miền Bắc chi viện cho miền Nam, lấy tên là Đoàn 759. Khi mở đường Hồ Chí Minh trên biển, Trung ương quyết định lấy ngày 23-10-1961 làm ngày thành lập Đoàn 759 trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đến năm 1964, Đoàn 759 đổi thành Đoàn 125, thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Đến năm 1979, Đoàn 125 đổi tên thành Lữ đoàn 125 cho đến nay.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường vận tải chiến lược lớn, tồn tại suốt 14 năm. Nó được tổ chức rất bí mật và chặt chẽ từ việc đóng tàu, lựa chọn thủy thủ, thuyền trưởng đến bến bãi đổ hàng, người bốc dỡ…, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Trung ương Cục miền Nam. Nói là tàu không số nhưng thật ra mỗi con tàu đều mang một số hiệu đăng ký tại chỉ huy sở. Nhờ có những chuyến hàng từ tàu không số mà bộ đội chủ lực, dân quân ở miền Nam đã có nhiều loại vũ khí hiện đại, góp phần lập nên những chiến công vang dội.
Bình luận (0)