Trên bản đồ, Vàm Lũng còn được ghi là sông Năng, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau ngày nay. Tại bến này cách nay 55 năm, chiếc tàu do Anh hùng Lực lượng Vũ trang (LLVT) Bông Văn Dĩa chỉ huy, cùng đoàn thủy thủ xuất phát từ rạch Cá Mòi đã vật lộn 7 ngày đêm với sóng gió để cập bến sông Nhật Lệ (Quảng Bình) ngày 7-8-1961.
Hành trình mở đường
Đầu tháng 4-1962, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho ông Bông Văn Dĩa và đội tàu quay về Cà Mau báo cáo với Khu ủy Nam Bộ về chủ trương của trung ương đưa vũ khí vào Nam Bộ, đồng thời đề ra 3 phương án tổ chức xây dựng bến bãi tiếp nhận hàng. Trong đó, phương án 3 là chọn các cửa sông khu vực Cà Mau làm nơi dự phòng nhận chuyển hàng, nếu 2 phương án kia không thực hiện được.
Ông Võ Văn Bời, cựu binh Trung đoàn 962, bên bức ảnh tàu không số
Sau một thời gian chuẩn bị, đêm 10-4-1962, đội tàu của ông Dĩa rời cửa sông Nhật Lệ theo đường biển vào phía Nam. Đêm 18-4-1962, tàu cập bến Vàm Lũng an toàn. Chuyến đi trinh sát và mang chỉ thị của trung ương về việc mở đường vận tải trên biển của Đoàn 759 do ông Dĩa chỉ huy vào Nam Bộ đã thành công.
Ông Võ Văn Bời - tức Ba Mạng, đồng đội của Anh hùng LLVT Bông Văn Dĩa - cho biết sau khi kiểm tra, thăm dò, ông Dĩa báo cáo với Khu ủy rằng các đảo ngoài khơi đều không phù hợp, chỉ còn phương án thuận lợi là cho tàu vào các kênh rạch bí mật cất giấu và chuyển hàng. Trong các kênh rạch ở khu vực, Vàm Lũng là nơi tiếp nhận hàng thuận lợi nhất.
“Theo đề xuất của tổ kiểm tra, Khu ủy đồng ý chọn các điểm ven biển Cà Mau làm bến tiếp nhận hàng với điều kiện phải di dân khỏi các cửa sông rạch từ biển vào 5-10 km, ổn định vành đai bên ngoài căn cứ; lấy sông Vàm Lũng, Kiến Vàng làm bến tiếp nhận chính và các sông Rạch Gốc, Bồ Đề, Cái Bần, Rạch Già làm bến dự bị” - ông Bời nhớ lại.
Vàm Lũng đi vào lịch sử của con “đường vàng” trên biển và gắn liền với tên tuổi Anh hùng LLVT Bông Văn Dĩa khi trở thành nơi đầu tiên mà con tàu mang biệt danh Đông Phương 1, chở 30 tấn vũ khí cập bến ngày 19-10-1962. Cũng trong năm đó, đầu cầu này còn tiếp nhận thêm hơn 100 tấn vũ khí từ các tàu không số. Từ đây, vũ khí được chuyển đi khắp các chiến trường Nam Bộ.
Người anh hùng Bông Văn Dĩa đã yên nghỉ trên Bến Vàm Lũng năm xưa nhưng chuyện mở đường tìm bến luôn sống mãi trong lòng đồng đội ông và những thế hệ lớn lên trên bến nước, vàm sông này.
Bến Vàm Lũng cũng là cái nôi của Trung đoàn 962 - Quân khu 9. Phiên hiệu của đơn vị này được lấy theo mốc thời gian chuyến tàu không số đầu tiên cập bến - năm 1962. Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962, giải thích: “Không phải ngẫu nhiên mà ông Bông Văn Dĩa chọn Vàm Lũng là nơi cập bến đầu tiên… Khi tàu vô được khu vực này thì tán rừng đước đan xen che kín, địch không thể phát hiện”.
Bám rừng giữ bến
Theo lịch sử của Lữ đoàn 125 và Trung đoàn 962, từ điểm xuất phát Đồ Sơn (Hải Phòng), trong cuộc hải trình, những chiếc tàu không số đã cập 19 bến bãi từ duyên hải miền Trung đến miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Ở khu vực ĐBSCL, Cà Mau và Trà Vinh, Bến Tre đều có những bến chính, bến phụ để tiếp nhận vũ khí, hàng hóa từ tàu không số. Trong đó, Vàm Lũng - bến chính của những điểm tiếp nhận ở Cà Mau - có số chuyến tàu cập bến thành công nhiều nhất, với 69 trong 76 chuyến.
Đến giờ, nhiều người dân địa phương vẫn còn kể cho nhau nghe những câu chuyện liên quan đến việc bám rừng giữ Bến Vàm Lũng năm nào. Đó là chuyện mọi người phải cất nước biển để lấy nước ngọt. Đó là chuyện quân và dân Vàm Lũng phải sống nhờ vào trái mắm, một loại trái rừng đắng chát dường như không thể ăn được.
Trong những năm gian khó ấy, nghĩa tình quân dân càng bền chặt. Vào năm 1963, có một chuyến tàu bị mắc cạn. Người dân di dời khỏi Bến Vàm Lũng trước đó giờ lại được huy động để chuyển hàng và vũ khí. Quanh vùng, bà con ai cũng chung sức cùng với các chiến sĩ, chỉ có kẻ địch là không hề hay biết.
Mở đường, lập bến, đưa những con tàu không số từ Bắc vào Nam là công việc muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Song, với khát vọng độc lập, tự do và lòng yêu quê hương, đất nước, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã lập được nhiều chiến công. Họ luôn đương đầu với địch, vật lộn với sóng to, gió lớn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những tình huống phức tạp, khó khăn, vững vàng đưa tàu và vũ khí tới bến bãi an toàn.
Theo những cựu binh từng tham gia các đoàn tàu không số và giữ bến, có được sự an toàn ấy, ngoài lòng quả cảm, sự sáng tạo của các cán bộ, chiến sĩ còn nhờ vấn đề cốt yếu là sự chở che, đùm bọc, bảo vệ của dân. Chính người dân là nguồn động viên về mặt tinh thần, chia sớt với các cán bộ, chiến sĩ từng manh áo, chén cơm để xây dựng nên một bến tàu độc đáo - bến tàu giữa lòng dân.
Tri ân anh hùng, liệt sĩ tàu không số
Ngày 21-10, tại Khu Lưu niệm Di tích lịch sử tàu C235 (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã long trọng tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23.10.1961 - 23.10.2016) nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ tàu C235 đã hy sinh tại bến Hòn Hèo và các anh hùng, liệt sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, trận chiến của tàu C235 tại vùng biển xã Ninh Vân ngày 1-3-1968 là một trong những trang sử oanh liệt nhất. Địch huy động 7 tàu chiến, máy bay yểm trợ bao vây tấn công tàu C235 chở vũ khí vào Nam. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã cho hủy tàu; 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Năm 2014, điểm lưu niệm tàu C235 đường Hồ Chí Minh trên biển tại xã Ninh Vân được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia. K.Nam
Kỳ tới: Duyên nợ với tàu không số
Bình luận (0)