Cáp quang biển Liên Á đã bị đứt và sẽ bắt đầu được sửa chữa từ ngày 12-7 tới đây
Thông tin mới nhất từ các nhà cung cấp dịch vụ mạng internet trong nước cho hay, tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) theo hai hướng đi Hồng Kông và đi Mỹ đã gặp sự cố đứt cáp từ ngày 27-6 và đến nay tuyến cáp này mới bắt đầu được sửa chữa.
Dự kiến thời gian sửa chữa tuyến cáp quang Liên Á sẽ diễn ra từ ngày 12-7 đến 19-7. Vị trí cáp đứt cách trạm cập bờ Singapore 45 km. Trong quá trình hàn nối cáp, sẽ phải cắt nguồn nên mất toàn bộ dung lượng đi trên tuyến cáp Liên Á, kết nối sẽ bị mất khiến việc truy cập internet ra hướng quốc tế sẽ chậm lại.
Để khắc phục hoàn toàn sự cố của tuyến cáp quang Liên Á đang gặp phải, nhà cung cấp dịch vụ Viettel đã làm việc với đối tác Tata, đơn vị chủ quản tuyến cáp IA phân đoạn Singapore về việc sửa chữa tuyến cáp này. Hiện tại, tuyến cáp quang IA đang được nhiều nhà mạng sử dụng như Viettel, FPT Telecom, CMC, VNPT..., tuy nhiên lưu lượng sử dụng không quá nhiều.
Tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) được chính thức khai trương từ ngày 6-11-2009 kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hồng Kông, Nhật Bản với tổng chiều dài 6.800 km và có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế lên tới 3,84 Tbps, với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 200 triệu USD và cung cấp dung lượng đầu cuối ban đầu là 320 Gbps. Hệ thống cáp quang biển Liên Á là tuyến cáp quang quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực. Việc đưa vào vận hành tuyến cáp góp phần làm giảm đáng kể nguy cơ bị cô lập với thế giới bên ngoài khi có sự cố trên các tuyến cáp quang biển khác như hệ thống cáp quang biển SMW3 hay TVH.
Trước đó, hệ thống cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) cũng phải bảo trì lúc 23 giờ ngày 22-6 đến 27-6. Trong khoảng 5 ngày bảo trì này, tốc độ truy cập Internet quốc tế qua tuyến cáp quang AAG đã bị chậm lại, trong nước vẫn bình thường. AAG là hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt 2 terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Có 4 nhà mạng Việt Nam tham gia đầu tư vào dự án này gồm Viettel, VNPT, FPT Telecom và SPT. Các nhà mạng quốc tế tham gia đầu tư là 15 công ty.
Bình luận (0)