Ban tổ chức cho biết đã nhận được 9.297 đề cử từ 1.739 tổ chức, cá nhân. Sau khi sàng lọc, có 114 quy định đề cử tốt (48%) và 123 quy định đề cử kém (52%) và chọn ra 30 quy định được đề cử tốt nhất, 30 quy định được đề cử kém nhất. Tốp đề cử tốt gồm có quy định bãi bỏ tội kinh doanh trái phép; danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ quy định trần 15% quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại.
Tốp đề cử kém có quy định yêu cầu về phương tiện phòng cháy, chữa cháy trên ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên; hạn chế đối với hoạt động hợp tác của các cơ sở in; thủ tục kê khai giá; điều kiện nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống; điều kiện được thiết lập mạng xã hội...
Kết quả bình chọn cho thấy nhiều văn bản pháp luật bị xếp vào danh sách kém do thiếu tính khả thi, phát sinh nhiều chi phí để thực hiện trong khi hiệu quả không rõ ràng. Chẳng hạn quy định xe con phải trang bị bình cứu hỏa như Thông tư 57/2015 của Bộ Công an, ước tính với 3,5 triệu ô tô đang lưu hành phải sử dụng bình chữa cháy có thời hạn 5 năm thì chi phí xã hội phải bỏ ra rất lớn, gây bất tiện, thậm chí mất an toàn trong khi sử dụng.
Có những quy định được ban hành hợp pháp, hợp hiến nhưng vẫn không có tính khả thi vì trái với quy luật thị trường, với yêu cầu của sự phát triển. Ví dụ, có thời kỳ chính sách thuế ô tô nhập khẩu của Việt Nam áp dụng khung lên đến 300%. Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang, khẳng định: “Tôi là chủ tịch hiệp hội và là chủ tịch HĐQT của 5 công ty. Chúng tôi tham gia vào tất cả sự kiện lấy ý kiến góp ý vào văn bản pháp luật và nhận thấy đúng là có hiện tượng “đút chân gầm bàn” làm luật. Vẫn ẩn chứa nhóm lợi ích, đặc biệt là các văn bản ban hành từ năm 2010 trở về trước chất lượng rất yếu, không minh bạch khiến cán bộ quản lý lợi dụng để gây khó khăn doanh nghiệp (DN)”.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nêu rõ những quy định kém phần lớn là nghị định, thông tư do chủ thể ban hành là cơ quan hành chính nên xu hướng chung là giành sự an toàn về phía mình, đẩy rủi ro và yếu tố không thuận lợi cho dân và DN.
Theo báo cáo, chỉ 5,6% văn bản được ban hành đúng thời hiệu, tình trạng luật đã có hiệu lực nhưng nợ nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành rất phổ biến. Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng đây là con số đáng giật mình. Tuy nhiên, luật lại không có quy định bồi thường khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật sai và chậm, gây hậu quả cho người dân và DN. Để hạn chế thiệt hại, theo ông Huỳnh, cần tìm ra cơ chế bồi thường như quy về trách nhiệm của bộ trưởng, của người ban hành văn bản…
Bình luận (0)