Men theo con đường nhỏ hẹp đầy sỏi đá, chúng tôi tìm đến Trại Tâm thần Hàm Rồng ở thôn Iarốc, xã Chư Hdrông, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai - nơi nuôi dưỡng miễn phí hơn 80 người tâm thần của vợ chồng ông Hà Tư Phước - bà Huỳnh Thị Hạc. Chứng kiến hình ảnh hai vợ chồng đã ngoài 50 tuổi thay phiên nhau chăm sóc những người tâm thần, ai nấy đều cảm phục.
Buổi chiều “định mệnh”
Ông Hà Tư Phước sinh năm 1966, là con út trong gia đình nghèo có 7 anh chị em ở TP Pleiku. Năm 18 tuổi, ông học nghề lái xe tải. Trên những chuyến đi dài từ Nam ra Bắc, ông gặp bao cảnh đời, phận người éo le. Giữa xô bồ cuộc sống, gặp người thất cơ lỡ vận trên đường, ông đều ra tay giúp đỡ.
“Một lần chạy xe tới Bình Định, thấy một thi thể vô thừa nhận bên đường, tôi dừng lại ở đó gần 3 ngày để tìm thân nhân cho người đã mất” - ông Phước nhớ lại. Cũng chính việc làm nghĩa hiệp này của ông đã khiến bà Huỳnh Thị Hạc đem lòng yêu quý.
Một năm sau, bà Hạc rời quê Bình Định theo ông Phước về Pleiku xây dựng tổ ấm. Lần lượt 2 người con, một trai một gái, ra đời. Vợ lo nội trợ, chồng chạy xe, căn nhà gỗ nhỏ xíu luôn tràn ngập tiếng cười. Cuộc sống của họ tuy còn nghèo khó nhưng tưởng chừng đã an nhàn ổn định, cho đến một ngày, ông Phước đưa người điên đầu tiên về nhà.
Nhắc lại cơ duyên với những bệnh nhân tâm thần, ông Phước cho biết năm 2003, kinh tế gia đình ông rất khó khăn. Ngoài việc nuôi gia đình nhỏ của mình, ông còn phải lo thuốc thang cho người mẹ già tật nguyền. Ngày ngày, ông đi lái xe thuê kiếm từng đồng.
“Trong một lần chạy xe, tôi tình cờ gặp một thanh niên bị trói chân bởi dây xích. Nhìn bộ dạng anh ta có thể gục xuống đường bất cứ lúc nào, lúc ấy con tim tôi thôi thúc cần làm gì đó cho thanh niên này. Tôi bèn đưa anh ta lên xe mang về nhà chăm sóc” - ông Phước nhớ lại.
Ông Phước cho biết khi đó, vợ ông đã không đồng ý với việc chồng làm. Nhiều lúc hai vợ chồng còn gây nhau về chuyện này. Ông Phước thổ lộ: “Cũng dễ hiểu, vì gia đình còn nghèo, vợ tôi thì không đi làm, phải ở nhà chăm mẹ già gần 90 tuổi tàn tật. Mấy miệng ăn chỉ trông vào chiếc xe tôi đi chở thuê, giờ nuôi thêm người tâm thần nữa sẽ là gánh nặng quá lớn. Nhưng rồi mọi chuyện cũng êm xuôi, khi chàng thanh niên đó bắt đầu thuyên giảm bệnh và sống hòa đồng cùng gia đình”.
Trò chuyện với bà Hạc, chúng tôi mới thấy rõ nghị lực phi thường của vợ chồng bà. Bà Hạc kể lại hôm chồng mình đưa người tâm thần đầu tiên về nhà: “Chúng tôi vẫn thường gọi vui đó là buổi chiều “định mệnh”. Khi thấy chồng mình dìu từ trên xe xuống một thanh niên không quen biết, ăn mặc rách rưới, tóc tai bù xù, miệng liên tục lảm nhảm những chuyện vô nghĩa và cười ngây ngô… rồi nói sẽ nuôi anh ta, tôi cứ ngỡ anh ấy đùa. Thế nhưng, sau câu nghe anh ấy giải thích “gia đình, xã hội đã quay lưng với họ, mình không nuôi thì ai nuôi?” thì tôi mới hiểu là chồng mình thật lòng”.
Bà Hạc tâm sự lúc đó không ngờ là chồng mình làm thật. “Ai đời nhà đã nghèo khó, con còn nhỏ, mẹ già lại tàn tật rồi hàng xóm láng giềng dị nghị, làm sao có thể đưa một người tâm thần về sống chung? Tôi đã kịch liệt phản đối, thậm chí còn dọa sẽ ly hôn nếu như chồng còn giữ ý định đó. Tôi nghĩ cứ dồn vào đường cùng thì chồng sẽ từ bỏ ý định, ai ngờ anh ấy vẫn một mực vay tiền đào giếng, cất nhà và chung sống với “anh bạn mới” của mình. Và tôi nhận ra mình sẽ không thể thay đổi được quyết tâm của chồng” - bà bày tỏ.
Chỉ một thời gian ngắn thấy chồng tận tụy chăm sóc người thanh niên tâm thần, bà Hạc nhận ra người điên không hung dữ như mình tưởng. Mà chồng của bà làm điều thiện, làm phước cho đời chứ đâu phải làm việc gì bất lương? Nghĩ vậy nên bà vừa thấy thương chồng vừa cảm thông với hoàn cảnh của “anh bạn mới” rồi dần dần bị ông thuyết phục.
Như một gia đình
Sau “anh bạn mới”, những lần đi chở hàng thuê, thấy người tâm thần đi lang thang ngoài đường, ông Phước lại đưa họ về nhà chăm sóc, nuôi nấng. Mỗi người một hoàn cảnh, họ đến với gia đình ông từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều nhất vẫn là những người tâm thần bị gia đình bỏ rơi. Tất cả bệnh nhân ở nhà ông Phước, ngoài những người bệnh nặng phải ở cách ly thì còn lại vẫn chung sống vui vẻ cùng gia đình ông.
Tiếng lành đồn xa, những người nửa tỉnh nửa mê ở những nơi xa tận Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Thọ… cũng tự tìm đến hoặc được người nhà đưa tới gửi nhờ vợ chồng ông Phước chăm sóc. Nhiều trường hợp trước khi về ở với gia đình ông Phước vì không điều khiển được bản thân đã gây ra những vụ việc tày đình. Có người từng giết cha mẹ, hại anh em, hàng xóm khi lên cơn. Khi đến đây, họ đã rũ bỏ được những tội ác mình gây ra và sống lương thiện, bệnh tình cũng dần thuyên giảm.
Thời gian đầu, vợ chồng ông Phước phải trực tiếp giặt giũ, tắm rửa cho tất cả thành viên trong “gia đình”. “Ở đây mọi người sống công bằng với nhau. Gia đình tôi ăn uống thứ gì thì “anh em” ăn uống thứ đó, không phân biệt” - bà Hạc khẳng định.
Khổ nhất là những ngày mưa gió rét mướt, có những lúc nửa đêm, cả nhà phải đi tìm từng người đi lạc để về tắm rửa, lo cho ăn ngủ. Có như vậy, ông bà mới yên tâm vì sợ họ gây ra chuyện gì. Sau này, ông bà phần nào đỡ cực hơn vì đã có kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc người tâm thần. Họ đã hướng dẫn “anh em” tự chăm sóc bản thân, chăm sóc người khác và tự biết dọn dẹp.
Điều kỳ lạ là những người tâm thần khi đến với gia đình ông Phước đều có sự thay đổi lớn. Từ những người lang thang với cặp mắt ngờ nghệch, lúc khóc lúc cười, khi la hét, thậm chí còn hung dữ như thú hoang thì giờ đây, họ trở nên hiền lành, biết tắm giặt, biết đàn hát…
Khi được hỏi về bí quyết giúp nhiều người tâm thần trở nên bình thường, khỏe mạnh, ông Phước lý giải: “Nhiều người ở đây từng là sư thầy, kiểm sát viên, bác sĩ… nhưng không biết vì lý do nào đó mà bị bệnh, không còn được tỉnh táo, bình thường. Thuốc thang thì có hạn, vợ chồng tôi chỉ chăm họ bằng tình thương giữa người với người. Những người ở đây họ cũng xem vợ chồng tôi như người trong gia đình. Người nào không có mẹ cha thì mình sẽ là người thân của họ. Có lẽ do được chăm sóc bằng tình thương và cả tấm lòng nên các bệnh nhân tâm thần ở đây mới nhanh khỏi bệnh”.
Còn sức, còn cưu mang
Hơn 10 năm qua, bao nhiêu người tâm thần đã đến với tổ ấm của vợ chồng ông Hà Tư Phước rồi trở về nhà, họ cũng không nhớ nổi, chỉ ước khoảng trên 80 trường hợp. Đối với vợ chồng ông, giúp những người tâm thần trở nên khỏe mạnh là điều vô cùng hạnh phúc nên cũng không quan trọng vấn đề đó nữa. “Chúng tôi còn sức khỏe thì sẽ cưu mang những người bất hạnh này đến cùng” - bà Hạc quả quyết.
Việc làm của vợ chồng ông Hà Tư Phước được bà con và chính quyền địa phương nể phục và hỗ trợ nhiều. Bên cạnh đó, các mạnh thường quân và các đoàn thiện nguyện cũng thường xuyên tìm cách giúp đỡ. Nhiều người tâm thần sau thời gian được vợ chồng ông Phước chăm sóc đã trở nên bình thường và quay về chung sống với gia đình.
Bình luận (0)