Dịp lễ kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển tổ chức ở Hà Nội mới đây, đại tá Trần Phong - người từng giữ trọng trách Đoàn trưởng Đoàn tàu 125, tiền thân của đoàn tàu không số - không tham dự được vì lý do sức khỏe. Dù vậy, ở tuổi 81, trông ông vẫn săn chắc, đen sạm - phảng phất vóc dáng vị thuyền trưởng cường tráng năm nào.
Con tàu bí ẩn
Vừa nghe chúng tôi nhắc đến đường Hồ Chí Minh trên biển, đại tá Trần Phong liền nở nụ cười tự hào: “Tôi đến với đoàn tàu không số như một định mệnh. Đó là một duyên nợ”. Ông còn đùa rằng nhờ định mệnh, duyên nợ đó mà ông mới có cơ hội nên duyên vợ chồng với bà Trần Thị Tường, nữ công nhân quốc phòng ở Căn cứ II Hải quân Cửa Hội, nay thuộc TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Ông Phong cho biết cũng như bao thanh niên khác, khi vừa lớn lên, ông đã tự nguyện rời quê hương Quảng Nam tập kết ra Bắc. Năm 1955, lúc tròn 20 tuổi, ông được cử đi học thuyền trưởng, bồi dưỡng lý luận chính trị ở nước ngoài. Về nước, ông đảm đương nhiều chức vụ trước khi trở thành thuyền trưởng con tàu chiến đấu nổi danh mang tên 175.
“Một buổi trưa cuối tháng 11-1962, tôi nhận được lệnh gặp chỉ huy trưởng Căn cứ II gấp để nhận nhiệm vụ. Khi lên phòng chỉ huy trưởng Huỳnh Công Đạo, tôi thấy ông đang ngồi bàn chuyện với một người đứng tuổi, mặc thường phục. Tôi chưa kịp ngồi xuống ghế thì chỉ huy trưởng đã yêu cầu: “Đồng chí cho tàu đi gấp. Gió mùa đông bắc quá mạnh đã đẩy tàu bạn trôi về phía Nam, rất nguy hiểm”. Tôi chỉ kịp cầm tấm hải đồ, cấp tốc cùng một số chiến sĩ lên tàu ra khơi cứu nạn” - ông Phong nhớ lại.
Tàu nhổ neo, gặp mưa to, gió lớn, sóng mạnh nên ông Phong phải hết sức bình tĩnh, bản lĩnh mới điều khiển nó vượt qua luồng Cửa Hội an toàn. Đến chiều, khi tàu đang sục tìm ở phía Đông đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) thì phát hiện nhiều người huơ tay, vẫy mũ cầu cứu. Lại gần mục tiêu, ông Phong không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến chiếc tàu gặp nạn dài gần gấp đôi tàu chiến của mình. Vị thuyền trưởng hồi tưởng: “Khẩn trương cùng đồng đội cứu nạn nhưng tôi cứ băn khoăn về con tàu bí ẩn đó. Trên tàu có nhiều người trông như ngư dân, tôi cũng không hiểu họ là ai”.
Mãi đến rạng sáng hôm sau, chiếc tàu chiến mới kéo được con tàu gặp nạn vào đảo Hòn Ngư (Nghệ An) an toàn. Ông Phong lại được lệnh cấp tốc về đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Vài tháng sau, ông mới biết con tàu gặp nạn là tàu Bình Minh, được ngụy trang thành tàu đánh cá làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam. “Có lẽ từ vụ giải cứu con tàu này mà tôi có cơ duyên đến với Đoàn tàu không số 759” - ông Phong bày tỏ.
Thoát hiểm trong gang tấc
Tháng 4-1963, ông Phong nhận được quyết định đến công tác ở “B” - nơi đóng quân của Đoàn tàu 759 tại Hà Nội. Lúc đó, dù mới 28 tuổi nhưng ông Phong đã trở thành thuyền trưởng tàu số 5 thuộc Đoàn tàu 759 với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam.
Ông Phong không giấu được niềm tự hào khi kể lại chuyến hàng đầu tiên chở 62 tấn vũ khí đến Bến Tre vào tháng 7-1963. Chuyến hàng tiếp theo vào tháng 10-1963 cũng mang đầy ý nghĩa vì ngay dịp kỷ niệm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển và ngày thành lập Đoàn tàu 759. Thế nhưng, lần đi này, tàu số 5 gặp không ít khó khăn, phải nhiều ngày lênh đênh trên biển, thậm chí đối diện cái chết khi bị địch bao vây.
Theo ông Phong, do dự đoán không chính xác nên khi tàu vào cửa Rạch Gốc (Cà Mau) thì mắc cạn vì thủy triều xuống quá sâu. Trước tình huống này, ông Phong liền bàn với chính trị viên Hồ Đức Thắng lập tức căng bạt, treo cờ địch để ngụy trang thành tàu chở hàng. Một kíp khác sẵn sàng kích nổ tàu nếu bị địch phát hiện. Tất cả đều sẵn sàng chiến đấu với phương châm dù có hy sinh tính mạng vẫn quyết không để lộ bí mật.
“Khoảng 8 giờ, khi phát hiện máy bay địch do thám, tôi đã nghĩ đến cảnh phải hy sinh trên biển khơi. Tôi và chính trị viên phải lên đài chỉ huy làm động tác phất cờ, chào máy bay theo kiểu của địch nhưng anh em ở dưới vẫn sẵn sàng chiến đấu. Thật bất ngờ, máy bay địch chỉ lượn 3 vòng rồi bỏ đi. Khi biết chắc đã tai qua nạn khỏi, chúng tôi liền liên hệ với chỉ huy bến Rạch Gốc rồi nhanh chóng dùng xuồng vận chuyển hàng vào. Cả đoàn ai cũng thở phào sau khi thoát hiểm trong gang tấc” - ông Phong hồi tưởng.
Sau khi tham gia nhiều chuyến vận chuyển vũ khí trên cương vị thuyền trưởng tàu số 5, năm 1979, ông Phong về làm Đoàn trưởng Đoàn tàu 125. Từ năm 1979-1984, ông là Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 125, sau đó là Cục phó Cục Hậu cần Hải quân trước khi về hưu.
Sứ mệnh 21 ngày đêm
Đại tá Trần Phong cũng từng tham gia tàu không số mang số hiệu bí mật 42, được cử đi trinh sát, thăm dò tình hình của địch ở biển Đông năm 1969.
Lúc ấy, Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, tăng cường máy bay, tàu chiến phong tỏa đường biển với mục đích ngăn chặn miền Bắc tiếp tế vũ khí, lương thực cho miền Nam. Trước tình hình này, Bộ Tư lệnh Hải quân cử tàu 42 giả dạng đi nghiên cứu khai thác hải sản để trinh sát, dò thám. Đi trên tàu gồm 11 người đều là những cán bộ, đảng viên kiên trung, nhiều kinh nghiệm, như: thuyền trưởng Đỗ Văn Bé, thuyền phó Nguyễn Trường Sơn, chính trị viên Trần Ngọc Ẩn, chính trị viên phó Phạm Nhậm, trợ lý tham mưu Trần Phong...
Ngày 20-8-1969, tàu 42 nhổ neo rời khu đậu bí mật, vượt biển Đông đi trinh sát tình hình chiến sự. Sau 21 ngày đêm, ban chỉ huy tàu 42 đã cung cấp những thông tin quý giá cho Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân để đưa ra quyết định mở đợt vận chuyển mới chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam.
Kỳ tới: Trận chiến oanh liệt
Bình luận (0)