Cảng Lễ Môn (còn gọi là cảng Thanh Hóa, ở xã Quảng Hưng, TP Thanh Hóa) là một trong những cảng vận tải lâu đời và quan trọng nhất, nhì ở tỉnh Thanh Hóa với công suất bốc dở hàng hóa hằng năm khoảng 300.000-400.000 tấn. Tuy nhiên, có một nghịch lý là cảng này hoạt động luôn phụ thuộc vào thủy triều. Nhiều người nói đùa rằng nếu “hà bá” không thương thì cảng bó tay!
Năng lực có thừa
Theo ông Lê Huy Bảng, Giám đốc Công ty CP Cảng Thanh Hóa, công ty này hiện đang gặp khó khăn, nhất là tuyến luồng lạch dẫn vào cảng. Điều này đã được công ty nhiều lần kiến nghị lên Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa khắc phục nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Do cảng Lễ Môn nằm sâu trong sông Mã với chiều dài 16 km, luồng lạch dẫn vào cảng đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện giờ đoạn luồng từ phao số 0 đến phao số 6 là khan cạn nhất với độ sâu chỉ có 0,2 m so với hải độ.
“Chính vì luồng lạch không đáp ứng được đã khiến cho hoạt động vận tải của cảng bị hạn chế rất nhiều. Hiện nay, chúng tôi cũng chỉ đón được tàu có tải trọng từ 1.000 tấn trở xuống, trong khi năng lực của cảng có thừa nhưng không phát huy được” - ông Bảng nói.
Còn theo ông Nguyễn Danh Chế, phó giám đốc công ty này, nguyên nhân chính khiến cho cảng hoạt động dưới công suất là vì dự án nạo vét luồng lạch dẫn vào cảng Lễ Môn do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Công ty Thăng Long) - đơn vị trúng thầu - thực hiện dự án trì trệ. “Đường vào cảng không bảo đảm nên tàu muốn vào cảng phải chờ khi thủy triều lên cao. Mỗi tháng chỉ có 2 đến 3 đợt con nước lên. Vì thế, công nhân cũng chỉ làm việc được hơn nửa tháng. Thời gian còn lại trong tháng thì làm việc khác nên đời sống CBCNV cũng gặp khó khăn” - ông Chế chia sẻ.
Cảng Lễ Môn có công suất thiết kế 300.000 tấn/năm. Nếu luồng lạch vào cảng được khai thông thì hoạt động của cảng sẽ nhộn nhịp hơn rất nhiều so với hiện tại. “Đường dẫn vào cảng bị hạn chế nên nhiều đơn vị có tàu công suất lớn muốn cập cảng cũng không được, ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của công ty. Vì thế, nếu luồng lạch vào cảng được khơi thông thì cảng có thể đón được tàu khoảng 3.000-5.000 tấn khi nước lớn và công suất bốc dỡ hàng hóa có thể được nâng lên 500.000-700.000 tấn/năm, thậm chí cả triệu tấn/năm” - ông Chế khẳng định.
Ngày 29-6-2011, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định 1414/QĐ-GTVT đồng ý cho Công ty Thăng Long được nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải Lễ Môn với chiều dài 3,7 km (từ phao số 0 đến phao số 6), thời gian thực hiện đến hết ngày 31-12-2013. Thế nhưng, đến nay đã gần 3 năm trôi qua mà dự án vẫn giẫm chân tại chỗ khiến Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa nhiều lần có văn bản hối thúc nhà thầu song dự án nạo vét vẫn trì trệ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Tới, Trưởng Phòng Pháp chế Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa, cho biết kể từ khi được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho nạo vét đường vào cảng Lễ Môn, công ty này thực hiện rất chậm và thụ động. “Nguyên nhân là do hầu hết các máy móc dùng để nạo vét được thuê là chủ yếu. Ngoài ra, hàng hóa nạo vét là cát không bán được nên công ty không có vốn đế tái đầu tư” - ông Tới nói.
Hút cát là chủ yếu
Ông Tới cho biết thêm cảng vụ đã nhiều lần làm việc với đơn vị này và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhưng công ty vẫn triển khai chậm. Thậm chí, trong quá trình thực hiện nạo vét trên sông Mã, công ty còn không đáp ứng được các tiêu chí như bảo đảm an toàn hàng hải trong khi thi công, không lắp đặt phao tiêu báo hiệu cảnh báo vị trí nạo vét, vị trí neo đậu tàu để tập kết cát, đất sau nạo vét… nên rất nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại.
Còn ông Trần Ngọc Tự, Phó Phòng Quản lý vận tải Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa, thẳng thắn nói Công ty Thăng Long nạo vét rất chậm, nửa năm trở lại đây chỉ còn có 1 tàu nạo vét, dẫn đến tiến độ ì ạch. “Trong cuộc họp giữa Cục Hàng hải với Sở Giao thông Vận tải và các ban - ngành trong tỉnh, chúng tôi cũng kiến nghị Cục Hàng hải đốc thúc nhà thầu sớm hoàn thành, nếu không thì đề nghị Bộ Giao thông Vận tải rút quyết định, thay thế đơn vị khác” - ông Tự nói.
Cũng theo ông Tự, đơn vị này còn lợi dụng việc nạo vét các tuyến luồng lạch để hút cát là chủ yếu. “Do được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép cho triển khai dự án trong vòng 50 năm nên họ làm rất trì trệ, không rõ ràng. Nếu không có hồ sơ dự án thì cũng rất khó cho các ban - ngành liên quan đi kiểm tra vì việc nạo vét ở dưới nước không có cọc tiêu, phao tiêu, không khống chế mặt bằng thì không thể kiểm tra được tiến độ của đơn vị thực hiện đến đâu, như thế nào. Địa phương cũng đã tạo điều kiện hết mức nhưng đến xem ra công ty này không mặn mà lắm” - ông Tự nói thêm.
Trước thực trạng trên, hôm 30-5, Cục Hàng hải đã có công văn hỏa tốc gửi Công ty Thăng Long, yêu cầu khẩn trương bổ sung phương tiện, thiết bị, nhân lực để thực hiện dự án hiệu quả, nhanh chóng nạo vét thông luồng đoạn từ phao số 0 đến phao số 6 xong trước ngày 30-6 và giao cho Cục Hàng hải tỉnh Thanh Hóa giám sát quá trình thực hiện.
Kỳ tới: Cẩu lớn đói hàng, nằm chơi
Cảng biển chiến lược
Cảng Lễ Môn không chỉ là cảng vận tải biển trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng bởi rất gần trung tâm TP Thanh Hóa, cách Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam không xa. Vì thế, việc trung chuyển hàng hóa rất thuận tiện. Bên cạnh đó, cảng biển này ăn sâu vào sông Mã nên rất thuận tiện cho tàu thuyền vào tránh trú bão.
Bình luận (0)