Ngày 4-7, 5 ngư dân (2 người ở huyện Phù Cát và 3 người ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đóng tàu vỏ thép tại Công ty Đại Nguyên Dương cho biết ngày 12-7 tới đây, các tàu vỏ thép của họ sẽ được đưa ra bờ ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định khắc phục, sửa chữa như đã thỏa thuận. Sau khi tàu làm xong, họ sẽ gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng về việc Công ty Đại Nguyên Dương có hành vi lừa đảo.
Tiền "hỗ trợ" nhưng bắt ký giấy vay nợ
Theo các ngư dân, năm 2015, sau khi UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đủ điều kiện đóng tàu vỏ thép theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 (viết tắt là Nghị định 67/CP), họ bất ngờ tiếp những vị khách từ Công ty Đại Nguyên Dương. Qua các buổi tiếp xúc, người của doanh nghiệp này hứa hỗ trợ 500 triệu đồng cho ngư dân để chi phí chuyến biển đầu tiên nếu ký hợp đồng đóng tàu với họ. Nghe vậy, 5 ngư dân đồng ý nhận tiền "hỗ trợ" và ký hợp đồng đóng tàu.
Sau khi nhận tiền, người của Công ty Đại Nguyên Dương đưa ra tờ giấy vay tiền, bảo ngư dân ký vào. Ngư dân thắc mắc vì sao nói tiền hỗ trợ nhưng lại ký giấy vay mượn thì người của Công ty Đại Nguyên Dương bảo rằng sau khi ký hợp đồng đóng tàu xong và ngân hàng giải ngân lần thứ 2 cho hợp đồng đóng tàu, tờ giấy vay tiền này sẽ được hủy.
Nhiều tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định do Công ty Đại Nguyên Dương đóng, vừa hạ thủy chưa lâu đã gỉ sét
Tất cả ngư dân ký hợp đồng đóng tàu với Công ty Đại Nguyên Dương đều ký vào giấy vay tiền. Sau đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Phú Tài (Bình Định) giải ngân cho cơ sở đóng tàu lần thứ 2, Công ty Đại Nguyên Dương tiếp tục đưa cho mỗi ngư dân 150 triệu đồng, nói rằng đây là số tiền hỗ trợ ăn ở, đi lại trong quá trình giám sát việc đóng tàu tại xưởng của họ ở tỉnh Nam Định. Nghĩ rằng doanh nghiệp này "thoáng" nên ai cũng nhận tiền và viết giấy vay nợ như lần trước.
Cắt giảm nhiều hạng mục đóng tàu
Giữa năm 2016, sau khi tàu mới hoàn thành, 5 ngư dân ra tỉnh Nam Định nhận tàu. Ngư dân Trần Minh Vương (ngụ xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) cho biết tại đây, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương, đưa tờ giấy vay 650 triệu đồng để đòi nợ. Trong khi ngư dân chưa biết xử lý ra sao trước tình huống này thì ông Nguyên đưa "biên bản thỏa thuận và cam kết" buộc ký vào.
"Khi ông Nguyên bất ngờ đòi tiền rồi đưa tờ giấy bắt ký, tôi nghĩ ngay là mình đã bị Công ty Đại Nguyên Dương lừa vào bẫy. Tuy nhiên, lúc đó đang yếu thế nên tôi buộc phải ký vào tờ giấy cam kết" - ngư dân Vương kể.
"Biên bản thỏa thuận và cam kết thực hiện" có nội dung hoàn toàn khác với những lời hứa hẹn ban đầu. Cụ thể, tờ giấy do Công ty Đại Nguyên Dương đưa ngư dân ký có nội dung: "... Do không có tiền nên ngư dân đã vay của công ty này 650 triệu đồng để tham gia vốn đối ứng 5% đóng tàu. Tuy nhiên, vì không thu xếp được nguồn vốn trả nợ công ty nên ngư dân yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương cắt giảm một số chi phí và hạng mục lắp đặt trên tàu. Sau này, khi có điều kiện, ngư dân sẽ tự nâng cấp các hạng mục theo mong muốn để hoạt động tốt hơn.
Ngư dân cam kết với các thỏa thuận trên và không có bất kỳ yêu cầu hay khiếu nại nào. Sau khi ký vào biên bản này, 2 bên thống nhất xóa số nợ 650 triệu đồng cho ngư dân. Hai bên cam kết thực hiện những thỏa thuận trên, nếu thực hiện sai, ngư dân chịu hoàn toàn trách nhiệm".
Để thông tin đa chiều, phóng viên đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương nhưng bất thành. Cùng ngày, chúng tôi liên hệ với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định và BIDV Chi nhánh Phú Tài để hỏi xem hướng xử lý về việc trên nhưng tất cả đều khẳng định không hề hay biết gì về chuyện này.
Trong khi đó, ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho hay vừa tiếp nhận thông tin trên từ ngư dân địa phương. "Trước khi hồ sơ đóng tàu của ngư dân được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt, chính quyền địa phương đã xác minh rất kỹ nên biết rõ họ có đủ nguồn vốn đối ứng để tham gia đóng tàu chứ không đến nỗi phải vay. Bởi vậy, tôi cho rằng việc ngư dân bị ép ký vào biên bản cam kết, trong đó có nói việc ngư dân thiếu vốn nên vay 650 triệu đồng của cơ sở đóng tàu, là có cơ sở. Đây có thể là chiêu của Công ty Đại Nguyên Dương nhằm cắt giảm nhiều hạng mục để kiếm lãi lớn hơn" - ông Tân nhận định.
Theo kết luận của UBND tỉnh Bình Định, từ tháng 4 đến nay, có 18 tàu vỏ thép vừa đóng mới theo Nghị định 67/CP đã hư hỏng, không hoạt động được. Trong đó, 13 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở TP Hải Phòng) đóng và 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng. Theo kết quả kiểm tra thẩm định chất lượng tàu vỏ thép cho thấy 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng hiện phần lớn thân, vỏ bị xuống cấp, gỉ sét nghiêm trọng. Tất cả các tàu đều đóng bằng thép Trung Quốc nhưng biên bản xác nhận khối lượng và thanh toán tiền ghi là thép Hàn Quốc.
Tại buổi công bố kết quả thẩm định tàu vỏ thép hư hỏng chiều 26-6, UBND tỉnh Bình Định đề nghị ngư dân khởi kiện ra tòa, đồng thời yêu cầu Công an tỉnh điều tra cơ sở đóng tàu là Công ty Đại Nguyên Dương. Nguyên nhân theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thời gian qua, Công ty Đại Nguyên Dương tỏ ra bất hợp tác với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Rất nhiều lần địa phương mời cơ sở đóng tàu này đến làm việc cũng như tham dự các cuộc họp nhưng Công ty Đại Nguyên Dương đều né tránh trách nhiệm.
Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc làm rõ chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định số 67/CP.
Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra vụ việc đóng tàu kém chất lượng ở Bình Định và một số địa phương; báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 8-2017. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ trên.
Bình luận (0)