xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Formosa gây phẫn nộ!

Đức Ngọc - Phương Nhung - Văn Duẩn - HOÀNG PHÚC

Đại diện Formosa tuyên bố: “Muốn bắt cá, tôm hay nhà máy thép, cứ chọn đi! ” l Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân cá chết l Một ngư dân tử vong khi lặn ở vùng biển Formosa

Sau hơn 20 ngày xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt khiến ngư dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế lao đao, tiểu thương bán cá ế ẩm, ngành du lịch thất thu…, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân cá chết.

Họp kín tìm nguyên nhân

Ngày 25-4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã tổ chức cuộc họp trao đổi, tham vấn ý kiến để tìm nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực biển miền Trung. Thành phần tham dự gồm các cán bộ trong ngành và giới chuyên gia. Các cơ quan báo chí không được tham dự.

Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết Tổng cục Môi trường - Bộ TN-MT yêu cầu các thành viên dự họp chưa công bố thông tin ra bên ngoài bởi cuộc họp chủ yếu tham vấn ý kiến các chuyên gia về vấn đề học thuật. Cuộc họp đã tập trung mổ xẻ 2 hướng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết. Thứ nhất, do chất độc hại xả từ đất liền ra biển. Thứ hai, do những biến đổi đặc biệt khó lường của tự nhiên. Hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Người dân tỉnh Quảng Bình dọn dẹp cá chết trôi vào bờẢnh: HOÀNG PHÚC
Người dân tỉnh Quảng Bình dọn dẹp cá chết trôi vào bờẢnh: HOÀNG PHÚC

Trong khi đó, quyền Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quốc Tuấn cùng ngày đã ra thông báo về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám xung quanh vụ cá chết bất thường tại miền Trung. Thông báo nêu rõ kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc các yếu tố khác.

Nhà đầu tư thách thức

Dư luận hiện đang nghiêng về nghi vấn Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh) là nghi phạm chính bởi trước đó, Formosa đã nhập 297 tấn hóa chất độc hại để phục vụ thi công và súc rửa đường ống. Đơn vị này cũng xây dựng một đường ống xả thải khổng lồ chôn ngầm dưới biển.

Trong khi đang chờ kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng thì hôm 25-4, ông Chu Xuân Phàm, Trưởng Văn phòng Formosa tại Hà Nội, đã phát biểu gây sốc.

“Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này… Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được” - ông Chu Xuân Phàm trả lời báo chí.

Phát biểu của ông Chu Xuân Phàm nhanh chóng gây nên một làn sóng phẫn nộ từ người dân và cả các cơ quan chức năng. Ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng nhà đầu tư đã vào Việt Nam thì cần hiểu rõ quy định của luật pháp Việt Nam.

“Nếu xả thải ra môi trường, anh phải bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Không phải anh đến đây muốn làm gì thì làm. Anh sang đây thì anh phải làm theo pháp luật Việt Nam. Nếu anh không tuân thủ thì chúng tôi yêu cầu anh dừng lại, nếu không đáp ứng yêu cầu thì các cơ quan sẽ xử lý” - ông Đinh bức xúc. Đồng tình, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh, khẳng định: “Nhà nước mình là nhà nước pháp quyền, ai sang đây cũng phải theo luật pháp của ta, không có bất cứ ngoại lệ nào cả”.

Rà soát các dự án đầu tư

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND 4 tỉnh trên rà soát, thống kê các hộ nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, bảo đảm đầy đủ, chính xác; có đề xuất biện pháp hỗ trợ cho bà con ngư dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại lớn, nặng nề, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Không được để dân thiếu đói do phải ngừng đánh bắt hải sản.

Thủ tướng giao các bộ liên quan khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các địa phương này; báo cáo ngay Thủ tướng biện pháp xử lý nghiêm vi phạm. Giao các bộ và UBND các tỉnh chủ động tiến hành rà soát những dự án đầu tư trong các lĩnh vực, nhất là công nghiệp nặng, về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển.

Trong một diễn biến khác, tối 25-4, thi thể thợ lặn Lê Văn Ngầy (SN 1970) đã được đưa về quê ở tỉnh Khánh Hòa để an táng. Ông Ngầy là công nhân Công ty CP Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế (Nibelc, một nhà thầu của dự án Formosa), trụ sở ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Trước đó, chiều 24-4, ông Ngầy lặn dưới biển để thi công xây dựng đê chắn sóng ở cảng Sơn Dương (thuộc KCN Formosa - Vũng Áng). Sau khi trở lên mặt nước, ông Ngầy thấy khó thở, mệt mỏi rồi tử vong vào 18 giờ cùng ngày tại ký túc xá của công ty. Một thợ lặn của Nibelc cho hay từ khi có hiện tượng cá chết dọc biển miền Trung, đặc biệt là xung quanh KCN Formosa - Vũng Áng, mỗi khi lặn xuống biển lên, nhiều công nhân thấy rất mệt mỏi, đau đầu, tức ngực và khó thở.

Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Phải có địa chỉ chịu trách nhiệm

Cơ quan chức năng trả lời ống xả thải của Formosa đã được cấp phép. Cấp phép đó là cấp phép ban đầu nhưng trong quá trình thực hiện, sản xuất thì có vấn đề gì thay đổi không, có ai là người theo dõi không, có ai đánh giá việc xử lý chất thải trên thực tế không? Tôi muốn làm rõ và quy trách nhiệm rõ ràng càng sớm càng tốt. Bây giờ cấp phép đầu tư phải thống nhất quan điểm: Không phải cho người ta vào đầu tư rồi người ta muốn làm gì thì làm.

Ông Lê Thanh Lựu, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế và Thông tin - Hội Nghề cá Việt Nam:

Đâu chỉ là chuyện mấy con cá chết

Vụ việc cá chết ở miền Trung là vấn đề sinh kế của người dân trải dài 300 km ven biển. Đây không đơn thuần là chuyện của mấy con cá chết.

Chúng ta không thể đánh đổi bất cứ thứ gì để lấy đi sự phát triển bền vững của môi trường. Môi trường và an sinh xã hội là 2 vấn đề quá lớn. Phát triển bền vững không có khái niệm đánh đổi. Nếu xác định được nguyên nhân do doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường thì phải đóng cửa. Không có chuyện đưa đường ống ngầm dưới nước và xả ra biển để hòa tan.

Luật gia Trần Thúc Hoàng, Bộ Thông tin và Truyền thông:

Chọn không gian sống cho con cháu

Cảm ơn ông Chu Xuân Phàm đã trả lời ‘huỵch toẹt”, không “ỡm ờ”. Qua phát biểu của ông trưởng đại diện Formosa, chúng ta đã rõ. Giờ đây chỉ có 2 lựa chọn. Đó là muốn có tôm cá thì phải hủy và trục xuất nhà máy thép. Muốn có nhà máy thép thì… hãy quên đi chuyện tôm cá.

Đã đến lúc chúng ta chỉ được phép chọn một. Đó là chọn về môi trường trong lành. Đó là chọn để biển vẫn còn tôm cá, còn không gian sinh tồn cho cộng đồng. Đó là chọn môi trường xanh - sạch - đẹp cho chúng ta và muôn đời con cháu mai sau!

Đoạt giải “Hành tinh đen”

Tập đoàn Formosa Plastics Group (FPG - Đài Loan) không phải là cái tên xa lạ với các nhà hoạt động môi trường. Năm 2009, công ty này là một trong những cái tên được trao giải “Hành tinh đen” của Tổ chức Bảo vệ môi trường Ethecon (Đức) vì “thành tích” đóng góp vào việc phá hủy môi trường thế giới.

Trước đó, theo đài BBC, chính phủ Campuchia vào năm 1999 đã kỷ luật hàng chục quan chức và gửi trả gần 3.000 tấn chất thải nhiễm thủy ngân mà FPG đưa trái phép đến cảng Sihanoukville hồi tháng 12-1998. Số chất thải này đã gây nhiễm độc cho nước biển, đất ven bờ và cả người dân địa phương. Một công nhân khuân vác ở cảng đã chết sau khi phơi nhiễm với chúng.

Ngay cả khi số chất thải trên được đưa khỏi Campuchia 4 tháng sau đó, chính phủ nước này vẫn đối mặt không ít chỉ trích vì không kiện FPG để đòi bồi thường. Ngoài ra, đã xuất hiện cáo buộc một số quan chức Campuchia nhận hối lộ đến 3 triệu USD để cho phép Formosa “nhập khẩu” chất thải độc hại.

Trong khi đó, FPG sau khi thu lại số chất thải độc hại nêu trên đã dự định đưa sang bãi xử lý ở TP Westmorland, bang California - Mỹ. Tuy nhiên, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã rút lại quyết định cho FPG nhập chất thải vào Mỹ sau khi biết được sự độc hại của nó có thể cao hơn chuẩn mà luật pháp nước này cho phép.

Rắc rối pháp lý của FPG ở Mỹ không chỉ dừng lại ở đó. Tháng 9-2009, nhà chức trách 2 bang Texas và Louisiana buộc công ty này chi hơn 10 triệu USD để xử lý vi phạm về thải chất độc ra không khí và nguồn nước tại 2 nhà máy hóa dầu của họ. Ngoài ra, FPG còn đồng ý nộp phạt 2,8 triệu USD vì những vi phạm về nước sạch, không khí sạch... ở Mỹ.

H.Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo