Khi những “ung nhọt” của dự án luyện thép Formosa (Hà Tĩnh) liên tục bị bục ra, dư luận mới sững sờ vì một dự án lớn với nhiều khâu sản xuất gây ô nhiễm cao nhưng việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) quá đơn giản, ngắn gọn vì dự báo tác động và giải pháp nào cũng chung chung. Thế nhưng, nó vẫn được cơ quan chức năng thông qua.
3%-4% ĐTM bị loại
Tại ĐBSCL, dự án Nhà máy Giấy Lee & Man (Hậu Giang) cũng đang làm nóng dư luận. ĐTM thực hiện từ năm 2008 theo cơ sở pháp lý của Luật Bảo vệ môi trường 2005, Luật Tài nguyên nước 1998 và được phê duyệt vào năm 2014. Trong khi đó, Luật Tài nguyên nước đã được thay đổi và có hiệu lực từ tháng 1-2013 với rất nhiều quy định, tiêu chuẩn mới.
Dự án Nhà máy Giấy Lee & Man (Hậu Giang) đang làm nóng dư luận vì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao
Ảnh: CA LINH
Theo TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, khi luật thay đổi thì phải làm lại ĐTM với các quy định mới chứ không được sử dụng ĐTM cũ. “Cũng không cần bàn sâu vào chi tiết ĐTM mới thấy sai, việc cho phép đặt nhà máy giấy tại vị trí ấy là đã sai rồi: nằm ở đầu nguồn nước lại chỗ trũng, nó không chỉ hủy hoại sông Hậu mà còn phá nát môi trường ĐBSCL. Có những vị trí nhạy cảm, không thể đặt các nhà máy sản xuất hoặc không phù hợp với một số loại hình sản xuất. Đó là kiến thức rất cơ bản mà bất cứ người làm khoa học nào cũng biết” - TS Long nhấn mạnh.
Dẫn một báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, PGS-TS Lê Trình, Phó Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam, cho biết có 95% ĐTM phải bổ sung, chỉnh sửa; 5% phải làm lại. Thế nhưng, cuối cùng tất cả vẫn được thông qua, chỉ có 3%-4% ĐTM không được thông qua, buộc chủ đầu tư phải chọn địa điểm, công nghệ khác. “Chất lượng ĐTM phụ thuộc vào chủ đầu tư, đơn vị thực hiện dự án và loại hình dự án. Đa phần các dự án quốc tế như WB, JICA, ADB…, ĐTM khá tốt do được đầu tư bài bản và yêu cầu cao. Chẳng hạn, ĐTM một dự án của WB phải thực hiện từ 6 tháng đến 2 năm, chi phí khoảng 0,06%-1% tổng giá trị vốn đầu tư... Trong khi nhiều dự án trong nước, chi phí cho ĐTM rất thấp, thậm chí là 100-200 triệu đồng, thì làm sao có được báo cáo chất lượng cao” - ông Trình dẫn chứng.
Bỏ qua khâu quan trọng nhất
Là chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, GS-TS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên - Môi trường Việt Nam, tham gia nhiều phiên họp thẩm định ĐTM của các dự án đầu tư lớn. GS-TS Đăng nhận xét phân nửa các ĐTM có chất lượng kém, chỉ là hình thức để thông qua dự án chứ chưa lượng hết các tác động đến môi trường tự nhiên, môi trường xã hội.
“Có dự án xây dựng khu đô thị mới, trong ĐTM họ đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường là khi nào nhà nước xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung thì họ sẽ xây dựng hệ thống xử lý nước thải để đấu nối vào nhà máy ấy. Tuy nhiên, khi nào nhà nước xây nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung thì không được họ đề cập đến. Rất nhiều chủ đầu tư hứa hẹn viển vông như thế nhưng ĐTM vẫn được thông qua. Tại sao? Thứ nhất, trình độ của các thành viên hội đồng thẩm định chưa tới. Thứ hai, có tình trạng chủ đầu tư “đi cửa sau” với hội đồng để được thông qua ĐTM” - GS-TS Đăng cho biết.
Cũng theo ông Đăng, trước năm 1994, Việt Nam quy định các công trình, cơ sở sản xuất sau khi xây dựng xong thì phải qua bước kiểm tra xem chủ đầu tư có thực hiện đúng ĐMT hay không, chẳng hạn: quá trình thi công có bảo đảm cam kết bảo vệ môi trường, có đầu tư đầy đủ các hệ thống xử lý ô nhiễm hay không… thì mới được vận hành. Đây là một thủ tục vô cùng tiến bộ và quan trọng. Tuy nhiên, thời gian sau, cho rằng quá nhiều thủ tục sẽ gây cản trở, không thu hút được đầu tư nên thủ tục này đã bị bỏ đi. Hậu quả, nhiều KCN đưa vào hoạt động cả chục năm mà vẫn không có nhà máy xử lý nước thải.
Đồng quan điểm, PGS-TS Lê Trình cho rằng bản chất ĐTM là dự báo nên không thể hy vọng sẽ có ĐTM chi tiết có thể định lượng và nêu đầy đủ các giải pháp giảm thiểu mọi rủi ro về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong cả vòng đời của dự án. Vì vậy, công tác giám sát môi trường sau khi thẩm định ĐTM là yếu tố quan trọng nhất trong quản lý môi trường của dự án. Nghị định 18/2015 và Thông tư 27/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng quy định rõ về vấn đề này. Thảm họa do Formosa gây ra cho thấy công tác giám sát môi trường của cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều vấn đề. Nếu chỉ giám sát định kỳ, thụ động đợi họ hoàn chỉnh công trình mới giám sát và chỉ “giám sát tự động” bằng thiết bị đo được vài thông số đơn giản (pH, độ đục, độ mặn, chất rắn lơ lửng, ôxy hòa tan…) thì làm sao phát hiện ngay việc xả thải đột xuất với lưu lượng “khủng” và chứa hàm lượng cao các chất cực độc như xyanua, phenol, kim loại nặng…?
Phải tham vấn kỹ cộng đồng
GS-TS Phạm Ngọc Đăng cho biết theo quy định hiện hành, ĐTM được thực hiện từ khi mới có ý tưởng nhưng giai đoạn này vẫn rõ hình thù nhà máy thế nào, sử dụng công nghệ ra sao, thiết bị từ đâu… thì không thể biết được sẽ gây ra những tác động môi trường nào. Vì vậy, chỉ nên lập ĐTM khi đã có thiết kế kỹ thuật. Điều quan trọng nhất là lắng nghe ý kiến người dân nhưng vừa qua, khâu tham vấn cộng đồng làm qua loa nhất trong thủ tục ĐTM. “Đơn vị tư vấn chỉ gửi phiếu lấy ý kiến đến chủ tịch xã, phường, cùng lắm là ông trưởng ấp để thông qua. Sau đó, chủ đầu tư lại đem ý kiến đó trình cho hội đồng thẩm định, xem như ý kiến cả cộng đồng” - ông Đăng nói.
Ý kiến
TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam:
ĐTM phải do đơn vị độc lập thực hiện
Một hiện tượng phổ biến là “nhân bản vô tính” ĐTM. Chúng ta từng thấy ĐTM thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ở Lâm Đồng và Đắk Nông nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh Quảng Nam và gây ảnh hưởng cho cây dừa nước của vùng Nam Bộ. Một dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai vốn dành cho người sống nhưng ĐTM có nhiều tác động và giải pháp đưa ra giống hệt dự án công viên vĩnh hằng dành cho người đã khuất! Một khi thủ tục ĐTM vẫn giao cho chủ đầu tư thực hiện thì không bao giờ có chuyện báo cáo ấy khách quan, có thông tin cảnh báo, có tính chất phản biện… Đơn vị tư vấn do chủ đầu tư thuê, tất nhiên phải làm theo chỉ đạo của chủ đầu tư, ngay cả khi các chỉ đạo ấy hết sức phản khoa học. Vì thế, tôi cho rằng chủ đầu tư muốn thực hiện dự án thì cần ký quỹ chi phí lập ĐTM cho bộ (nếu dự án liên tỉnh) hoặc địa phương. Các cơ quan này có trách nhiệm tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định đơn vị độc lập thực hiện ĐTM, đồng thời các cơ quan chức năng cũng phải giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện ĐTM của đơn vị tư vấn. Nếu ĐTM không đạt chất lượng, không đưa ra được biện pháp ứng phó khi sự cố môi trường xảy ra thì chính cơ quan chức năng đó phải chịu trách nhiệm.
PGS-TS Lê Trình, Viện trưởng Viện Môi trường và phát triển bền vững:
Hai bước thực hiện
Thời gian qua, chúng ta chịu nhiều sức ép từ phát triển kinh tế, chạy theo tăng trưởng GDP mà xem nhẹ các tác động trực tiếp, gián tiếp, lâu dài, thậm chí là không thể hồi phục đến môi trường tự nhiên và xã hội, từ đó xem nhẹ vai trò của ĐTM. Nhiều ĐTM theo tư duy: “Dự án tuy có một số vấn đề môi trường nhưng đều có biện pháp giảm thiểu…, đề nghị cho phép đầu tư”. Tôi cho rằng thảm họa môi trường do Formosa gây ra cho Bắc Trung Bộ thực sự là hồi chuông báo động về vấn đề ĐTM, nhất là giám sát môi trường sau ĐTM. Vì vậy, cần thấm nhuần tư tưởng phát triển bền vững: phát triển kinh tế gắn kết với bảo vệ tài nguyên, môi trường và an sinh xã hội chính từ các cấp cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến lãnh đạo các địa phương, bộ - ngành, chủ đầu tư và người dân.
Về pháp lý thực hiện ĐTM, nên quy định 2 bước thực hiện. Bước đầu, triển khai ngay trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi dự án. Ở bước này, cần đánh giá dự án đặt ở vị trí ấy có phù hợp về sinh thái, xã hội hay không; có thể gây tác động, sự cố môi trường và xã hội nghiêm trọng hay không…? Nếu được thông qua thì sau khi có thiết kế kỹ thuật, có thông tin cụ thể về các thông số kỹ thuật, phương án thi công, vận hành; cần thực hiện bước thứ hai là bổ sung, đánh giá một cách chi tiết hơn, đề xuất biện pháp giảm thiểu, chương trình quản lý môi trường ở mức chi tiết để hoàn thiện ĐTM.
M.Khanh ghi
Bình luận (0)