Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nguyên tắc của vận tải hàng hóa là phí đầu vào tăng thì đầu ra cũng tăng.Vì vậy, dù có xuất hiện thêm bao nhiêu loại thuế, phí thì gánh nặng này sẽ được “đẩy” sang người tiêu dùng thông qua cước vận chuyển.
Người dân lãnh đủ
Báo cáo hỗ trợ kỹ thuật đánh giá đô thị hóa ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện vừa công bố tại Hà Nội cho biết hiện nay, tỉ lệ người dân sở hữu ô tô ngày càng gia tăng. Do đó, để bảo đảm lợi ích của hệ thống giao thông được quy hoạch từ 10 - 15 năm tới, Việt Nam cần phải kìm hãm tốc độ chuyển từ xe máy sang ô tô.
Đối với vận tải liên đô thị, vai trò chi phối của hai hệ thống đô thị Hà Nội và TPHCM đã được khẳng định. Tuy nhiên, hai vùng này đang hạn chế ưu thế cạnh tranh của chính mình do những trở ngại trong ngành hậu cần và chi phí vận tải quá cao.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng: “Phí, thuế đánh vào doanh nghiệp vận tải thực chất là đánh vào túi tiền của người dân. Nếu thêm các khoản phí mới, doanh nghiệp đương nhiên sẽ tiếp tục đưa chúng vào cơ cấu giá thành vận chuyển hàng hóa”.
Trái luật, không hợp lý
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng câu chuyện tăng phí cầu đường, phí lưu hành đường bộ không chỉ dừng lại ở việc sẽ làm tăng chi phí vận tải. Điều này về lâu dài sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và giảm tính cạnh tranh của cả nền kinh tế. Chi phí xây dựng đường cao tốc của Việt Nam đắt gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực cũng làm cho các sản phẩm khác của Việt Nam phải chịu phí đắt đỏ từ suất đầu tư cao, thông qua phí cầu đường đánh vào ô tô, đẩy chi phí vận tải lên cao làm đội giá thành sản phẩm của hàng hóa, dịch vụ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhầm ? Trong buổi họp báo chiều 3-4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng về chủ trương, có thể khẳng định Quốc hội đã đồng ý với các giải pháp chống ùn tắc giao thông. Trong các giải pháp đó, có hai loại phí là phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí vào trung tâm TP giờ cao điểm. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra ngạc nhiên. Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) khẳng định khi bấm nút thông qua Nghị quyết 21/2011/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, ông cũng không hề nghĩ là thông qua hai loại phí hạn chế phương tiện xe cá nhân và phí vào trung tâm TP giờ cao điểm.
“Tôi chỉ thông qua định hướng chủ trương là có giải pháp chỉnh lại một số loại thuế, phí để điều tiết giao thông. Còn việc đó là loại nào thì Chính phủ phải làm phương án cụ thể, trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phê duyệt” - ông Cao Sỹ Kiêm nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) khẳng định Quốc hội không quyết chủ trương thu phí giao thông. Phí được quy định trong Pháp lệnh Phí và Lệ phí thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên Bộ GTVT không có quyền đề xuất thu năm nay hay năm tới. |
Bình luận (0)