Sáng 28-1, ông Trần Văn Thắng, chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, cho biết đang làm báo cáo cụ thể để các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra làm rõ trước sự việc người nghèo ăn gạo hỗ trợ bị nôn ói phải nhập viện, heo lăn ra chết (Báo Người Lao Động đã thông tin).
Theo ông Thắng, cách đây khoảng 2 tháng, ông V.A.D xưng là nhà báo đại diện cho một tờ báo tại khu vực miền Trung, liên hệ với ông cho biết năm nay sẽ vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 150 suất quà tại 2 xã Phước Trà và Sông Trà của huyện Hiệp Đức. Vì những năm trước, ông D. đã nhiều lần đưa quà từ thiện về cho huyện nên nửa tháng sau đó, ông Thắng đã hoàn thành danh sách gửi ông D.
Tuy nhiên, sau đó khi nghe ông D. nói việc trao quà sẽ được diễn ra trên Quốc lộ 14E đoạn qua khu vực nhà bà Ngọ (thuộc xã Sông Trà), nơi thường xuyên diễn ra việc truyền đạo trái phép nên ông Thắng đã không đồng ý. Hơn nữa, nơi đây quá xa, người dân không có điều kiện để đi. Ông Thắng yêu cầu đưa về xã Sông Trà hoặc Di tích Khu Ủy 5 để bà con được thuận tiện nhưng ông D. không đồng tình. Sau khi tham khảo ý kiến của cấp trên, ông Thắng biết đây là vấn đề nhạy cảm nên đã tìm cách từ chối nhưng ông D. cho biết ngày 10-1, đoàn từ thiện vẫn đến trao quà như kế hoạch.
Đúng ngày 10-1, khi đoàn từ thiện gồm có ông D. và một số người theo Phật giáo đưa quà lên trước khu vực nhà bà Ngọ thì ông Thắng đến giải thích rằng việc trao quà chưa được chính quyền địa phương cho phép nên số quà này không được trao cho người dân.
Đến ngày 13-1, ông D. gọi điện cho ông Thắng nói lên nhận quà đưa về xã trao cho người dân. Nghĩ người dân trong huyện còn nhiều khó khăn, việc trao quà từ thiện là việc tốt nên ông Thắng đã thuê xe chở 100 suất quà đưa về trụ sở xã Sông Trà. Ngày 14-1, ông Thắng trao cho xã Sông Trà 70 suất, Phước Trà 30 suất gồm xà phòng, dầu ăn, nước mắm, hạt dưa và gạo.
Ông Thắng cho biết sau đó, đại diện xã Phước Trà cử người xuống nhận và gửi nhờ xe ô tô của một người quen chở số quà trên về xã. Ngày 20-1, UBND xã Phước Trà chuyển 26 suất quà cho người dân ở thôn 6, 4 suất cho người dân ở thôn 3. Tuy nhiên, trong ngày 22-1, sau khi lấy gạo nấu cơm ăn thì có 3 người dân ở thôn 6 bị nôn ói, phải đưa đến trạm y tế cấp cứu.
Theo ông Thắng, khi ông nhận số quà trên về xã thì không để ý kỹ nhưng khi đứng cách khoảng 1m thì không thấy hôi. Tuy nhiên, sau khi người dân phản ánh, ông đã cùng với đại diện Trung tâm Y tế dự phòng huyện và công an đến nhà dân kiểm tra thì phát hiện gạo này hôi không chịu nổi. “Mùi hôi rất kinh khủng, hình như có cái chất gì trong đó mà bọc 2 bao ni-lon vẫn thấy hôi” – ông Thắng cho hay.
Bình luận (0)