xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gặp gỡ Việt nam 5: Trao đổi khoa học và hơn thế nữa...

Thái An

Tham gia cuộc gặp gỡ có 250 nhà vật lý trên toàn thế giới, là cơ hội để ngành vật lý Việt Nam giảm bớt tụt hậu so với thế giới “Hãy thử hình dung, nếu chưa có học thuyết lượng tử, lý thuyết của Niels Bohr, chưa tìm được các chất bán dẫn, chưa phát hiện ra tia laser... làm sao có thế giới với nền công nghiệp điện tử hiện đại như ngày nay. Làm sao có điện thoại di động nhiều chức năng, tivi màn hình phẳng, DVD... Tất cả những phương tiện đó đều xuất phát từ lý thuyết cấu tạo vật chất, lý thuyết cấu tạo lượng tử”.

GS -viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu giải thích một cách “bình dân” nhất về ý nghĩa của Rencontres du Vietnam (Gặp gỡ Việt Nam 5), khai mạc sáng 6-8 tại Hà Nội.

Cuộc gặp gỡ do tổ chức Rencontres du Moriond (Pháp) kết hợp với Viện Khoa học và Công nghệ VN chủ trì, đích thân tổng thống Cộng hòa Pháp là người bảo trợ tối cao.

Từ Rencontres du Moriond đến Rencontres du Vietnam

Cách đây 38 năm, mùa đông năm 1966, tại một làng nhỏ mang tên Moriond bên dãy núi Alpes ở miền Nam nước Pháp, TS Trần Thanh Vân, lúc đó mới 30 tuổi, đã cùng khoảng 20 nhà vật lý trẻ người Pháp tổ chức Rencontres du Moriond (Gặp gỡ Moriond) lần thứ nhất về vật lý hạt cơ bản. Những năm sau, cuộc gặp gỡ diễn ra đều đặn, thu hút ngày càng đông các nhà vật lý Anh, Ý, Đức, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Nga, Trung Quốc... tham gia. Trước đó 3 năm, tháng 9-1963, tại hội nghị quốc tế về vật lý hạt cơ bản ở Siena (Ý), hai tiến sĩ trẻ người Việt và gốc Việt Nguyễn Văn Hiệu-Trần Thanh Vân gặp nhau. TS Hiệu từ Liên Xô sang, TS Vân từ Pháp đến. Tình bạn giữa hai nhà vật lý đồng hương hình thành và ngày càng gắn bó qua các trao đổi nghiên cứu tại nhiều hội nghị khoa học khác.

Năm 1993, theo đề nghị của GS Nguyễn Văn Hiệu, lúc đó là Viện trưởng Viện Khoa học VN, GS Trần Thanh Vân, với kinh nghiệm tổ chức quốc tế phong phú, trở về nước phối hợp với các nhà vật lý trẻ trong nước tổ chức Gặp gỡ VN lần thứ nhất. Mặc dù chính quyền Mỹ chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với VN nhưng nhiều nhà vật lý Mỹ, trong đó có GS J.Steinberger (Giải thưởng Nobel vật lý) vẫn kiên quyết đến Hà Nội dự cuộc họp Gặp gỡ VN lần thứ nhất. Sau khi về Mỹ, J.Steinberger đã gửi điện đề nghị Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhanh chóng dỡ bỏ cấm vận đối với VN.

Tại Gặp gỡ VN lần này, hơn 250 nhà vật lý hàng đầu thế giới của 32 nước và vùng lãnh thổ thảo luận những vấn đề mới nhất trong vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn. Trong số đó, có những tên tuổi lớn của nền vật lý thế giới như Michael Witherell, Tổng Giám đốc Fermilab-phòng thí nghiệm hạt nhân hàng đầu, nơi sở hữu những chiếc máy gia tốc tạo ra nguồn năng lượng lớn nhất toàn cầu (trên 7 tỉ USD/chiếc); là Valery Rubakov, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Moscow; Mikhail Dalilov, Viện trưởng Viện Vật lý lý thuyết và thực nghiệm Moscow; Albert Wargner, Giám đốc Phòng Thí nghiệm DESY (Đức); Yoji Totsuka, Giám đốc Phòng Thí nghiệm KEK (Nhật Bản); bà Helen Queen, Chủ tịch Hội Vật lý Mỹ... Ban cố vấn quốc tế của cuộc gặp gỡ lần này là những nhà bác học danh tiếng từng được trao giải Nobel như J.Cronin (Chicago, Mỹ), J.Friedman (Cambridge, Anh), J.Steinberger (Geneva, Thụy Sĩ), R.Taylor (Stanford, Mỹ), hay được trao giải Lenin và Hồ Chí Minh như Nguyễn Văn Hiệu... Điều đáng tiếc duy nhất, do tuổi cao sức yếu và thời gian cuộc gặp gỡ trùng với thời gian diễn ra một lễ kỷ niệm liên quan đến Albert Einstein-người khai sinh ra nền vật lý lượng tử - nên nhiều nhà khoa học không thể đến VN.

Vẫn phải “biết đứng trên vai người khổng lồ”

 Đây là dịp các nhà khoa học giới thiệu những thành tựu và quan điểm mới tập trung trong hai chủ đề lớn là vũ trụ học (đề cập các vấn đề vĩ mô của vũ trụ như sự phun trào tia gamma, vật chất tối, các tia vũ trụ năng lượng cao, siêu tân tinh hay sóng hấp dẫn...) và vật lý hạt (các yếu tố vi mô như hạt neutrino, tương tác điện yếu, hạt quark và vật lý Higgs...). Hai chủ đề này thoạt nghe hoàn toàn độc lập, song GS Nguyễn Văn Hiệu giải thích, trong vũ trụ các quá trình thực chất đều xảy ra ở cấp độ nguyên tử. Những nơi mật độ vật chất càng cao, nhiệt độ càng lớn, quá trình biến hóa chủ yếu diễn ra trong các hạt sơ cấp. Ngay những vật thể khổng lồ như mặt trời thì xét đến cùng vẫn là hoạt động biến hóa của các nhân nguyên tử, nơi phản ứng nhiệt hạch xảy ra. Do vậy, các hội nghị vật lý năng lượng cao trên thế giới luôn đi kèm với vật lý hạt sơ cấp, vì vật lý hạt sơ cấp có thể giải thích được cho các quá trình trong vũ trụ.

GS Trần Thanh Vân tâm sự, điều mong muốn lớn nhất của ông là làm sao để một số cán bộ khoa học VN có cơ hội hội nhập nghiên cứu quốc tế, tham gia những khám phá mới nhất của khoa học vật lý thế giới. “Sau cuộc gặp gỡ lần thứ nhất, chúng tôi đã thuyết phục được giáo sư J.Cronin đến VN, thành lập một nhóm khảo cứu VN, tìm hiểu về tia vũ trụ năng lượng cao. Hiện nay, ở Hà Nội có nhóm của GS -viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Võ Văn Thuận (Viện Hạt nhân), ở TPHCM có nhóm của GS Nguyễn Mộng Giao. Sau Rencontres du Vietnam 2000, ông Michael Witherell, Tổng Giám đốc Fermilab, đã mời một nhóm nhà khoa học VN sang nghiên cứu, học tập. Qua những hoạt động này, hy vọng trong tương lai luôn có tên người Việt công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế nổi tiếng”, GS Vân lạc quan.

Bạn ông, người đồng nghiệp Nguyễn Văn Hiệu, bổ sung: Trong quá khứ, VN đã có nền khoa học phát triển vượt trội so với các nước đang phát triển. Ấy là kết quả của sự giúp đỡ vô tư của người bạn lớn Liên Xô (cũ) và nhờ đó, trong những năm 1960-1970, khi đề cập đến lĩnh vực nghiên cứu vật lý hạt cơ bản ở châu Á, thế giới không thể không nhắc đến Hàn Quốc và VN. Sau khi Liên Xô sụp đổ, sự giúp đỡ to lớn không còn, chúng ta phải tự lực với những bước đi chậm chạp của riêng mình. Vì thế, hội nghị là dịp tốt nhất để các nhà khoa học, nhất là nhà khoa học trẻ VN có cơ hội trao đổi những kết quả nghiên cứu mới nhất của giới vật lý quốc tế. Cơ hội để tham gia những hội nghị như vậy không nhiều. Chân thành, GS Hiệu bày tỏ: Rất nhiều nhà khoa học vật lý, thiên văn nổi tiếng người Việt về tham dự cuộc gặp gỡ này đã tìm được cơ hội nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm nổi tiếng thế giới sau cuộc gặp gỡ năm 1993. Đấy là cơ hội để vật lý hạt cơ bản VN giảm bớt sự tụt hậu so với thế giới.

Và... du lịch Mice

Cuộc gặp gỡ là cơ hội để những giáo sư người Việt sống ở nước ngoài nhiều năm về tìm hiểu văn hóa, khoa học đất nước. Lần này về có GS Phạm Quang Hưng, giảng dạy ở ĐH Virginia (Mỹ), ông sẽ hợp tác giảng dạy ở một số ĐH trong nước; GS Trịnh Xuân Thuận, một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới, GS trẻ Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Trọng Hiền (làm việc trong một phòng thí nghiệm của NASA)...

250 nhà khoa học, một con số không nhỏ đối với bất cứ hội nghị khoa học quốc tế nào. Một giáo sư ĐH California cho rằng, nhiều nhà khoa học đến VN lần này dưới hình thức Mice (dự hội nghị, hội thảo kết hợp đi du lịch). Tuy nhiên, sự có mặt của họ, như cách nói của GS Hiệu, cũng là cách để thu hút sự chú ý của dư luận xã hội đối với hoạt động nghiên cứu khoa học còn đầy khó khăn của các nhà vật lý nói riêng, các nhà khoa học VN nói chung.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo