Nhiều bạn sinh viên tại TP Cần Thơ đã quen gọi quán Arduino Coffee là quán cà phê khuyến học. Bởi mục tiêu chính của người chủ khi mở quán này không phải để kiếm lợi nhuận mà là nơi để sinh viên có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau khi cùng thực hành trên thiết bị cụ thể.
Quán được mở vào tháng 6- 2016, nằm trên đường Lê Lai, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Chủ quán là ông Nhan Thanh (53 tuổi), đang công tác tại phòng cơ điện của một công ty dược. Ông Thanh chia sẻ: “Lúc tôi làm ở phòng cơ điện, có nhiều sinh viên đến đây thực tập nhưng đa phần các em có kiến thức nhưng kinh nghiệm thực tế thì chưa. Từ đó, tôi ấp ủ ý tưởng mở quán cà phê để có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các bạn sinh viên”.
Một số thiết bị được ông Thanh đầu tư để cho sinh viên thực tập
Quán cà phê do ông Thanh thuê mặt bằng gồm 1 trệt, 1 lầu. Tầng trệt là nơi mở quán, còn tầng lầu được ông Thanh trang bị nhiều thiết bị để sinh viên vừa đến đây uống cà phê, vừa có thể thực hành với những kiến thức đã học trong nhà trường. Ông Thanh đã đầu tư hàng loạt trang thiết bị, như: máy hiện sóng, một số bộ lập trình điều khiển trong điện công nghiệp, một số bo mạch có thể tự động hoá…
Nhiều sinh viên đến quán đều ngạc nhiên khi ông Thanh tự mày mò làm ra máy in 3D. Ông đã mua nhiều thiết bị, tự gia công, lắp ráp từng chi tiết máy và tải firmware (phần sụn, vi chương trình) trên mạng để điều khiển máy in. Khi máy hoàn chỉnh đem in thử thì sản phẩm có độ mịn tốt mà không cần xử lý đánh bóng.
Ngoài ra, một số người quen của ông Thanh thấy cái hay của quán cà phê này đã tự nguyện đóng góp nhiều thiết bị cho quán để giúp các bạn sinh viên có điều kiện thực hành. “Các bạn sinh viên đến đây, uống nước cũng được mà không uống cũng chẳng sao, miễn các em có tinh thần học hỏi thì tôi đã vui. Khi sinh viên cùng nhau làm một thiết bị nào đó sẽ có tinh thần làm việc nhóm và có kinh nghiệm hơn để sau này ra trường không bị vấp ngã”, ông Thanh chia sẻ.
Ông Thanh trao đổi với sinh viên về máy in 3D
Từ ý tưởng ban đầu của ông Thanh, các bạn sinh viên đã thành lập CLB Arduino Cần Thơ với hàng chục bạn tham gia. Ông Thanh cho biết: “Có đứa, ngày nào không học trên trường thì suốt ngày ở quán để thực hành trên nhiều thiết bị. Qua đó, các em cũng giao lưu với nhau từ cơ khí, điện tử đến công nghệ thông tin”.
Đến nay, từ những kiến thức và máy móc có sẵn tại quán, nhóm CLB Arduino Cần Thơ đã sáng chế ra thiết bị báo động trộm bằng ra- đa và máy làm giá tự động.
Sinh viên Mã Minh Khoa (Khoa Công nghệ, Trường ĐH Cần Thơ), háo hức: “Lúc em làm đề tài “Chế tạo hệ thống thiết bị hỗ trợ cảnh báo sớm tình trạng đuối nước” để tham gia cuộc thi “Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo” thì ngoài hướng dẫn của trưởng bộ môn trong trường, em có đến đây hỏi thêm bác Thanh. Bác cũng cho em nhiều ý kiến hoàn chỉnh thiết bị chống đuối nước để đem đi dự thi”.
Phần lớn các bạn sinh viên đến đây đều cảm thấy thoải mái vì ông Thanh là người cởi mở. Ban ngày ông Thanh đi làm, tối về thì hướng dẫn, trao đổi với sinh viên. Quán cà phê được giao cho vợ con ông Thanh quản lý. Tuy phục vụ phần lớn là sinh viên, thu nhập không nhiều nhưng ông Thanh vẫn vui vẻ: “Tôi chỉ mong ngày càng có nhiều sinh viên đến đây cùng nhau trải nghiệm thực tế, học đi đôi với làm, phát huy khả năng sáng tạo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Để sau này, khi đi làm thì các em không bỡ ngỡ”.
Bình luận (0)