Ngày 18-3, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc với các cơ quan báo chí để thông tin về vụ việc bà Trần Thị Là (SN 1969, ngụ huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tử vong sau khi phẫu thuật gãy chân tại bệnh viện này.
Khách quan
Ông Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc bệnh viện, cho biết sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các quy trình đều thực hiện đúng. Đến ngày 15-3, bệnh nhân Là được đưa vào phòng mổ và được gây tê, phương pháp mổ đúng theo chỉ định. Sau khi mổ bệnh nhân tỉnh táo.
“Trong cuộc mổ thì bệnh nhân bị mất trên 500 ml máu. Sau khi được chuyển về khu chăm sóc đặc biệt hồi sức sau mổ thì được truyền máu theo y lệnh bác sĩ. Quy trình truyền máu đều đảm bảo và luôn được các bác sĩ, điều dưỡng theo dõi. Khi vừa truyền bịch máu thứ 3 thì bệnh nhân có vẻ đang mệt, khó thở, sau đó ngừng tuần hoàn hô hấp và được bác sĩ có mặt tại chỗ cấp cứu kịp thời. Gần 1 giờ sau thì mạch, huyết áp có lại, bệnh nhân được cho thở máy và điều trị theo hướng ngừng tuần hoàn hô hấp” – ông Thạnh thông tin.
Sau đó, bác sĩ Lê Đức Nhân, Phó giám đốc bệnh viện trực lãnh đạo, đã họp hội chẩn. Qua các dữ liệu thu thập, các bác sĩ đặt ra 2 vấn đề là bệnh nhân bị thuyên tắc phổi hoặc do sốc phản vệ sau truyền máu. Sau đó, bệnh viện đã làm tất cả các bước tiếp theo trong chẩn đoán để làm rõ. Tuy nhiên, diễn biến trong những ngày tiếp theo rất nặng nề.
“Ngay từ đầu, bệnh nhân được tiếp đón từ khâu phòng khám, cấp cứu, vào trong phòng chấn thương chỉnh hình. Bệnh nhân được theo dõi, được chỉ định phương pháp mổ, được mổ theo đúng chương trình, đúng giờ là từ 15 giờ 30 đến 17 giờ 30 phút. Nhưng sau đó bệnh diễn biến nặng ở trong khu chăm sóc đặc biệt, được theo dõi của các bác sĩ hồi sức sau mổ cũng như điều dưỡng theo dõi rất chặt chẽ. Khi bệnh chuyển biến không thuận lợi, ngừng tuần hoàn hô hấp thì có ngay bác sĩ, điều dưỡng xử lý nhanh" - ông Thạnh tiếp tục thông tin.
Và cũng theo ông Thạnh, trong những ngày vừa qua, ban giám đốc thường xuyên bám bệnh, chỉ đạo qua khoa gây mê hồi sức sau mổ theo dõi nhưng bệnh càng ngày càng xấu. Đây là sự cố y khoa ngoài ý muốn. Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng không cứu được bệnh nhân.
Theo ông Thạnh, sáng 18-3, Hội đồng khoa học của bệnh viện đã họp với đầy đủ các ban, ngành và có sự tham dự của bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cùng các phòng chức năng của sở.
Qua quá trình phân tích trung thực, khách quan, khoa học về những diễn biến của sự việc, Hội đồng khoa học thống nhất nguyên nhân dẫn đến tử vong đối với bệnh nhân Là có thể là do thuyên tắc phổi hoặc sốc phản vệ biến chứng tuần hoàn hô hấp.
Giải thích thêm, bác sĩ Nhân cho biết sau khi mổ, bệnh nhân nói chuyện bình thường, sức khỏe ổn định nên có thể khẳng định trong quá trình mổ không xảy ra biến chứng. Chỉ sau khi mổ đưa về phòng hồi sức tích cực đến khoảng 3 giờ sáng thì mới xảy ra sự cố nên loại trừ nguyên nhân do quá trình mổ. Từ đó, bệnh viện đã làm các biện pháp liên quan đến phổi và những kết quả đã làm tăng thêm nhận định về khả năng bệnh nhân tử vong do thuyên tắc phổi.
Trả lời câu hỏi vì sao bệnh nhân vào viện đến 9 ngày mới được mổ, bác sĩ Nhân cho biết trường hợp của bệnh nhân Là được xác định là mổ chương trình chứ không phải mổ cấp cứu. Mỗi tuần, bệnh viện bố trí mổ chương trình vào ngày thứ sáu, trong khi bệnh nhân Là nhập viện vào ngày chủ nhật, phải làm tất cả các xét nghiệm để đảm bảo các thông tố an toàn và được bố trí mổ trong ngày thứ hai, ngày đầu tuần tiếp theo là rất sớm so với thông thường chứ không phải muộn.
Bác sĩ Thạnh phủ nhận nghi ngờ của gia đình nạn nhân rằng có thể do bệnh viện truyền nhầm máu vì muốn truyền máu vào bệnh nhân thì phải qua 7 công đoạn khác nhau. “Theo thông tư của Bộ Y tế về an toàn trong truyền máu, để truyền một bịch máu vào trong người bệnh nhân phải qua 7 công đoạn nên tôi khẳng định không thể nào có chuyện truyền nhầm máu” - ông Thạnh nói.
Khi được hỏi về trách nhiệm của bệnh viện trong trường hợp này như thế nào, giám đốc bệnh viện khẳng định lại rằng đã rà soát các quy trình đều đúng và cho rằng đây là sự cố y khoa ngoài ý muốn nên không đề cập đến trách nhiệm của bệnh viện.
“Về góc độ chuyên môn, trong những ngày qua tập thể ban giám đốc và những đơn vị liên quan cũng đã hết sức lo toan và tập trung cao độ, thể hiện chúng tôi rất có trách nhiệm của mình đối với người bệnh” – ông Thạnh nói.
Cũng theo ông Thạnh, sáng cùng ngày, giám đốc Sở Y tế và lãnh đạo bệnh viện cùng kíp trực đã gặp mặt 2 cha con ông Thiện để giải thích cho gia đình được hiểu.
“Tôi rất chia sẻ những bức xúc của gia đình. Bệnh nhân còn trẻ, mới có 49 tuổi, chỉ bị gãy chân thôi mà phải chết thì đúng là gia đình, kể cả bản thân chúng ta gặp trường hợp này cũng thấy bức xúc. Tuy nhiên, đây là sự cố y khoa ngoài ý muốn nên chúng tôi đã lựa lời giải thích để gia đình hiểu” - ông Thạnh chia sẻ.
Bà Ngô Thị Kim Yến cho biết sau khi kiểm tra chuyên môn, bước đầu sở nhận thấy Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng điều trị đúng quy trình, chuyên môn. Sở Y tế đồng ý với nhận định của hội đồng khoa học của bệnh viện. “Về gốc độ cá nhân, sự cố như vậy, người nhà bức xúc là đúng. Chúng tôi chi sẻ nỗi đau của gia đình. Ngành y tế Đà Nẵng xin hứa sẽ tiếp tục kiểm tra kỹ quy trình của bệnh viện” - bà Yến khẳng định.
Gãy chân mà phải chết thì oan quá!
"Gãy chân mà phải chết thì oan quá!" - người thân của bà Là bức xúc và nói sẽ không đưa thi thể về nhà nếu các cơ quan chức năng chưa vào cuộc làm rõ.
Ông Nguyễn Thiện, chồng bà Là, cho biết gia đình được bệnh viện thông báo vợ ông đã tử vong vào khoảng 4 giờ sáng nay. Từ lúc đó đến thời điểm này, thi thể của bà Là vẫn đang được để nằm trong phòng bệnh. Gia đình chưa nhận được lời giải thích nào từ phía bệnh viện.
“Chúng tôi chưa nhận được thông báo của bệnh viện yêu cầu đưa thi thể của vợ về. Tuy thế, dù bệnh viện có yêu cầu thì gia đình tôi vẫn không chấp nhận đưa vợ tôi về, mà phải chờ các cơ quan chức năng đến làm việc và phải cho gia đình một câu trả lời hợp lý. Ai sai, ai đúng thế nào phải xử lý nghiêm để không còn xảy ra trường hợp như thế này nữa, chứ vợ tôi gãy chân mà phải chết thì oan quá” – ông Thiện nghẹn ngào.
Ngồi ôm đầu gục xuống đất, anh Nguyễn Thức (con trai bà Là) cũng tỏ ra hết sức đau buồn, anh trả lời các câu hỏi của phóng viên một cách ngắt quảng. “Mẹ tôi chết oan quá! Tôi không thể nào tin đây là sự thật” – anh Thức bức xúc nói.
Trong sáng 18-3, rất đông phóng viên của các cơ quan báo đài đã tập trung tại bệnh viện để ghi nhận sự việc.
Trong sáng cùng ngày, người thân của nạn nhân cũng đã làm đơn gửi đến đích danh Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và một số cơ quan như như công an, viện kiểm sát, thanh tra TP Đà Nẵng…, yêu cầu vào cuộc làm rõ sự việc.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, chiều 6-3, do bất cẩn, bà Là bị vấp ngã trước hiên nhà và được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cấp cứu. Sau khi chẩn đoán bị gãy chân, bà Là về nằm tại Khoa ngoại chấn thương. Mãi tới chiều 15-3, bà Là mới được đưa đi phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ. Khoảng 18 giờ cùng ngày, bà Là phẫu thuật xong và đưa sang chăm sóc tại Khoa hồi sức ngoại khoa.
Sau khi phẫu thuật, bà Là vẫn tỉnh táo, có thể nói chuyện bình thường. Tuy nhiên, một lúc sau sức khỏe bà có vẻ yếu và các bác sĩ tại đây cho truyền máu. Đến rạng sáng ngày 16-3, toàn thân bà Là bị tím tái, lên cơn co giật và không nhận biết được xung quanh. Đến khoảng 4 giờ sáng 18-3, bà Là đã không qua khỏi.
Bình luận (0)