Khiêu vũ chỉ là cái cớ
Tôi quen chị P., một khán giả mê cải lương thường mua vé chợ đen ngồi hàng đầu mỗi khi NSƯT Vũ Linh diễn. Chị vốn giàu có, các con du học nước ngoài, chồng qua đời để lại gia tài kếch xù. Chị học khiêu vũ ở Trung tâm Văn hóa quận 1, sau đó sang CLB Hướng Dương chơi, rồi quen nhiều “ông xã”. “Vui lắm em, đổi đào, kép để chơi cho sướng. Có mất gì đâu mà sợ” - chị hồ hởi cho biết hội của chị có đến 16 người, ở nhiều sàn nhảy, tối đến nhắn tin là có mặt.
Theo đường dây của chị P., tôi đến điểm tập kết của những “bà xã” mỗi sáng dùng điểm tâm, bàn tán chuyện tối qua với “ông xã” của bạn mình. Chị P. tỏ ra sốt ruột khi chị bạn khóa máy. “Tối qua nó đi với ông Tư Y.?”, rồi không khí nặng nề hơn khi con của người bạn báo tin mẹ của cô đang cấp cứu trong bệnh viện vì bị đánh ghen. Một bà chỉ thẳng vào mặt chị P.: “Bà còn muốn giới thiệu thằng cha đó cho tôi nữa không?”.
Cô bạn tôi cũng phải gắng chịu trận đi với hội “đổi bà xã”. Cũng báo tin lâm ly: “Anh H. đen - một tiểu thương ở chợ Thủ Đức - vừa bị “bà xã” mượn chiếc SH và số tiền mua hàng vài chục triệu đồng để trong cốp xe ra đi không hẹn ngày quay lại”.
Lương tâm luận tội
Giữa sàn nhảy rộn ràng điệu nhạc và ánh đèn xanh đỏ, bao đôi bạn nhảy dập dìu theo từng bước song mấy ai biết đằng sau đó là nỗi chán chường một khi họ lợi dụng nhu cầu giải trí, mượn niềm đam mê khiêu vũ để hướng tới mục đích xấu. Chàng vũ công V.L nhắn tin cho tôi, kể: “Em bị sốt mấy ngày liền, bốn “bà vợ” chẳng thèm đến thăm. Hỏi ra mới biết họ có mấy thằng mới nên vứt mình. Bà nào cũng hứa sẽ mua cho em căn hộ chung cư nhưng chỉ toàn là hứa. Ngày mai em đi xét nghiệm máu…”. V.L bỏ lửng câu chuyện.
Một ông khách đến chìa tay mời M. ra sàn khi điệu valse trỗi lên. M. cố gượng cười miễn cưỡng bước ra sàn nhảy. Tôi nghĩ mang cái án treo nặng trĩu trong đầu thì có bước lên sàn vàng bốn số 9 thì chị cũng sẽ không thể vui. Lương tâm của chị và những kẻ mượn sàn nhảy làm nơi mưu sinh đã và đang tự luận tội. Những giai điệu âm nhạc của sàn nhảy không có lỗi, nhu cầu được thể hiện niềm đam mê theo từng bước nhảy không có tội. Chỉ có chăng là sự buông thả lối sống, để cái gọi là hoàn cảnh phá hỏng đời họ.
Nước giếng đừng chạm đến nước sông
Có vô số nguyên nhân và cách lý giải về tình trạng các quý bà, quý ông ở tuổi “xế chiều” thích đi khiêu vũ. Thế nhưng, mẫu số chung đều là thích tìm vui, cặp bồ với những đào, kép trẻ. Cô bạn của tôi lân la theo làm phóng sự này tình cờ quen được một quý ông ngoài 50 tuổi. Thoạt nhìn ít ai nhận ra ông có một tâm trạng buồn. Vợ làm giám đốc một công ty thành đạt, ông là chủ tịch hội đồng quản trị. Sau khi bà công khai cặp bồ với tài xế, ông liên tục chia tay nhiều cô bồ nhí, quyết không yêu theo kiểu phòng nhì mà tìm đào trẻ ở vũ trường. Mỗi ca nhảy vũ công nữ được ông trả 500.000 đồng, đi làm đêm từ 2 đến 3 triệu đồng. Ban đầu ông tập nhảy để giải sầu, mong nhận được sự chiều chuộng, sau đó ghiền và đêm nào cũng đến để tìm vui với nữ vũ công. Cô nàng tên M. từ Hậu Giang lên TPHCM lập nghiệp, có chút nhan sắc đã đi học khiêu vũ và làm quen vài đại gia trước khi bước vào nghề “ăn bánh trả tiền”. M. nói với chúng tôi: “Những cuộc tình chớp nhoáng từ những đại gia đủ để tìm một số vốn cho cuộc sống. Tôi cũng mê khiêu vũ lắm, lúc nhỏ thích được làm diễn viên múa. Nhưng đời xô đẩy mình vào cái nghiệp này, sống với cái nghề chia sẻ sự thiếu thốn tình cảm cho những người giàu có”. M. cho biết vừa tuyển vào sàn nhảy này 3 cô gái còn “nai tơ”, chưa biết nhảy theo nhạc tua, chỉ biết nhảy “nhạc rừng” (nghĩa là nhún nhảy loạn xạ theo nhạc) nhưng được cái xinh gái và có vẻ ngoài chịu chơi, lẳng lơ. Từ vũ công chuyển sang nghề huấn luyện, rồi “cai đầu dài”, M. tự tin nói: “Cảm ơn sàn nhảy dành cho quý bà, quý ông. Một thị phần mà không hèn lắm cũng chẳng sang hơn ai nhưng sống khỏe”. Chúng tôi dọ hỏi về chuyện bảo kê. M. phân vân: “Biết điều với nhau thì thoát. Nước giếng đừng chạm đến nước sông. Tôi không đụng đến miếng ăn người khác thì sợ gì”. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết M. đang nuôi một người tình còn rất trẻ. Cái vòng luẩn quẩn dẫn đến thác loạn và trụy lạc, mà nói như M. là “sống khỏe”, thật khó tin. |
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-10
Bình luận (0)