xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gia đình AIDS

Bài và ảnh: THU HỒNG

Trong gia đình này, cả ông lão đã trên 60 tuổi cũng gọi người phụ nữ mới ngoài 50 bằng mẹ. Bà một mình chăm lo cho cả chục “người con” có AIDS

Ai có dịp đi ngang qua nhà của “mẹ Quý” ở khu phố 6, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi – TPHCM chắc hẳn đều tò mò nhìn vào bởi hầu như lúc nào ở đây cũng không ngớt tiếng nói, cười. Nếu biết tiếng cười, nói đó là từ những người đang mang căn bệnh có thể chết bất cứ lúc nào, có lẽ người ta còn ngỡ ngàng hơn.

Tìm chốn bình yên

Từ trung tâm TPHCM theo hướng Quốc lộ 22 về huyện Củ Chi, đến ngã ba Việt Kiều, rẽ vào, men theo con đường nhựa quanh co một quãng là đến nhà bà Đỗ Thị Quý. Căn nhà mát rượi, vài chiếc võng được mắc xung quanh cho những người có AIDS nằm đong đưa hóng gió. Thấy khách đến, “mẹ Quý” - một phụ nữ ngoài 50 tuổi - đon đả chạy ra mời chào.

Chị L.T.X.Đ vội dọn dẹp bàn ghế, pha trà mời khách rồi ngồi bên hóng chuyện. Đang ở trong phòng, nghe có khách, ông N.V.S cũng ra góp vui bằng những câu chuyện “thời vàng son” của mình. Trong khi đó, anh N.H lại ngượng ngùng chạy vào phòng vì toàn thân đang bôi thuốc tím rịm. Dưới bếp, anh N.V.H tất bật làm thức ăn chuẩn bị đãi khách. “Mẹ ơi, hôm nay có món bò tơ Củ Chi nhé!”- N.V.H nói vọng ra.

Căn nhà càng thêm rộn ràng khi có một nhóm người vừa đi khám bệnh về. Hai người đã trên 40 tuổi tíu tít khoe với “mẹ Quý”: “Kháng thể con tốt hơn rồi nghe mẹ”, “Con mập thêm 1 kg nữa rồi”…
Cô bạn đi cùng chúng tôi thốt lên: “Lạ thật, khi mà cái chết luôn chực chờ vì mang trong mình căn bệnh AIDS nhưng mọi người ở đây lại không có những buồn đau. Thay vào đó, họ lại luôn tươi vui, yêu đời, tự tin khiến mọi người dễ gần và thân thiện hơn”.

img

“Mẹ Quý” dặn dò một “người con” của mình uống thuốc
Những con người ấy, vì nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau đã đẩy đưa họ đến căn nhà của “mẹ Quý”. Thoạt trông L.T.X.Đ, ít ai nghĩ chị là phụ nữ, bởi vẻ ngoài xù xì, gai góc mà Đ. cố tình tạo ra. Gia đình X.Đ vốn giàu có nhưng do ít được cha mẹ quan tâm nên chị bị bạn bè lôi kéo, dụ dỗ và rơi vào con đường nghiện ngập ma túy.
Cai nghiện được một thời gian, cuộc sống gia đình X.Đ rơi vào khó khăn. Do mẹ bệnh nặng, bí quá, chị phải làm  liều nhiều nghề, kể cả bán thân, để nuôi bà. Trong khốn cùng, tuyệt vọng, Đ. lại quay về với ma túy với hy vọng có thể lãng quên mọi thứ. Thế là chị tái nghiện.
Năm 2008, khi nhận ra cơ thể mang căn bệnh chết người thì quá muộn, Đ. lưu lạc nhiều nơi  và cuối cùng tìm một chốn bình yên để dừng chân – gia đình của “mẹ Quý”.
Bà Đỗ Thị Quý dẫn chúng tôi vào phòng N.H. Anh vội bỏ tô mì đang ăn dở. Bà Quý cho biết N.H mới về thăm cô con gái cách đây vài ngày. Nghe nhắc đến con, N.H vội đi đến chiếc ba lô, lục lọi lôi ra 2 tấm hình, một chụp vợ chồng anh và con gái lúc bé đầy tháng; tấm kia chụp cô bé lúc 7 tuổi với nét mặt xinh xắn, tươi vui.
Nhìn vào những hình ảnh đó, H. bỗng trào nước mắt, nghẹn ngào: “Vì tôi mà vợ con phải chịu khổ”. N.H cho biết anh bị nhiễm HIV do quan hệ tình dục với gái mại dâm, rồi về tiếp tục lây cho vợ. Con gái anh sinh ra cũng bất hạnh mang mầm bệnh chết người. Vợ H. mất 4 năm trước, còn con gái anh hiện đang ở với người cô ruột.
Trong nỗi đau và day dứt hơn nửa đời người, đến giờ này, ông N.V.S, nay đã ngoài 60 tuổi, vẫn đau đáu đi tìm câu trả lời cho căn bệnh tai họa của mình. Trò chuyện với chúng tôi, ông vẫn luôn ngơ ngác: “Tôi thực sự không biết mình bị lây nhiễm HIV khi nào và vì sao”.
Là một cử nhân luật, tốt nghiệp đại học năm 1971, sau đó là cộng tác viên có tên tuổi của nhiều tờ báo nhưng khi biết mình đã mang căn bệnh hiểm nghèo, ông giấu hẳn vợ con và chuyển đến căn nhà “mẹ Quý” sống, xem đây như gia đình thứ hai của mình.

Tái sinh sau bao vấp ngã

Mỗi người đang sống trong căn nhà của bà Đỗ Thị Quý đều có một số phận khác nhau nhưng cùng chung một điểm là đều chọn nơi đây làm chốn dừng chân cuối đời, bởi họ nghĩ mình không thể thoát được lưỡi hái tử thần khi đã trót mắc một căn bệnh ghê gớm. Ở đây, họ như được tái sinh sau bao vấp ngã của cuộc đời.
Chị X.Đ tâm sự: “Nếu không vào đây, sống ngoài đời tôi lại lao vào nghề cũ – một nghề xấu xa, vi phạm pháp luật”. Rất thẳng thắn và thực tế, N.H cho rằng nếu không đến sống ở nhà “mẹ Quý”, rất có thể anh lại lấy vợ hoặc cặp bồ với nhiều phụ nữ, rồi lây nhiễm HIV cho họ và tạo thêm bi kịch.
Với dáng vẻ thư sinh, cao ráo, đẹp trai của N.H, chúng tôi nghĩ chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra và anh chọn nơi đây sinh sống như một cách để “giam” mình.

img

Bà Quý  bên một  người có AIDS đang sống trong gia đình
Những người có AIDS sống trong gia đình “mẹ Quý” thổ lộ điều quan trọng cuốn họ về đây là do họ cảm nhận được sự trân trọng, yêu thương, không bị miệt thị, khinh khi của người đời, giúp họ sống vui và có ích hơn.
Chị X.Đ bộc bạch: “Khi mới vô đây, tôi chỉ còn 39 kg và bị lao nặng. Nhờ sự chăm sóc tận tình của “mẹ Quý” mà bệnh tôi mau khỏi, giờ lên thêm 10 kg rồi”. N.H cũng vậy, lúc mới đến nhà “mẹ Quý”, bệnh tình của anh đã trở nặng nhưng nhờ một tay bà tận tình chăm sóc, đến nay sức khỏe anh đã hồi phục nhiều.

Bà Đỗ Thị Quý dường như không thích nói nhiều về mình và công việc chăm sóc cho gần 10 người có AIDS của bà. Gặng hỏi mãi, chúng tôi mới được bà tiết lộ rằng từ chính nỗi đau của mình, bà cảm nhận sâu sắc nỗi đau của người khác nên quyết tâm làm một việc gì đó để trả ơn đời.

“Con trai tôi cũng nghiện ma túy. Khi biết con mình nghiện ngập, tôi đã  khuyên giải hết lời, khóc cạn hết nước mắt nhưng vẫn không cứu nó thoát khỏi bệnh. Chứng kiến cảnh các tình nguyện viên chăm sóc tận tình cho con trai mình mà không đòi hỏi gì cả, tôi hết sức xúc động. Từng học qua y học cổ truyền, tôi mạnh dạn đề xuất nhận 2 bệnh nhân AIDS về nhà nuôi.
Khi mang họ về nhà, các con tôi đã phản đối quyết liệt vì gia đình còn thằng út đang sống chung với tôi nữa. Tuy nhiên, thấy tôi kiên quyết, các con cũng xuôi lòng. Được một thời gian, gia đình ngày càng đông, tôi quyết định dọn nhà đến đây để có không gian thoáng mát cho họ” – bà Quý thổ lộ.
Ngoài việc lo thuốc men, châm cứu cho các “con”, bà Quý còn kiêm luôn mọi việc, từ giặt giũ đến nấu ăn cho những người có AIDS trong nhà. Thương mẹ, cậu út cũng chuyển trường về Củ Chi học. Những khi nghỉ học, cậu lại chở các anh, chị đi lấy thuốc, khám bệnh... “Sống riết rồi quen, mọi người coi nhau như ruột thịt trong gia đình.
Chỉ cần ai hắt hơi, sổ mũi, mọi người còn lại đều lo lắng cả. Trong nhà, mọi người đều ăn chung, ngủ chung. Tôi coi tất cả như con, khi có người ra đi lại buồn bã như mất người thân thiết, ruột rà. Thằng Dũng thích chơi guitar mới mất 2 tuần trước. Trước khi mất, nó cầm tay tôi thật chặt, gửi lại CMND như một kỷ vật. Dũng đi rồi nhưng tình cảm mà chúng tôi dành cho nó mãi còn đó”- bà Quý ngậm ngùi.   
Gia đình lớn của “mẹ Quý” để lại trong lòng chúng tôi bao cảm xúc, nhất là tình yêu thương, sự trân trọng dành cho những người có AIDS. Nỗ lực xóa bỏ sự kỳ thị của nhiều người đối với những người có AIDS do thiếu hiểu biết về các nguyên nhân lây bệnh  đã và luôn được bà Quý đặt lên hàng đầu.
“Nhiều người biết rằng bệnh AIDS không thể lây qua đường tiếp xúc chuyện trò, ăn uống nhưng khi sinh hoạt chung với người bệnh thì họ vẫn rất ngại ngùng”- bà Quý trăn trở.

“Mẹ Quý” yêu thương các “con” bao nhiêu thì họ cũng đối xử với bà không hề thua kém. Đang trò chuyện, chúng tôi chợt giật mình vì có tiếng gọi “mẹ” thân thương từ bếp vọng ra. “Mẹ dùng thịt bò mềm mềm nhé, để con luộc sơ cho dễ ăn” – chị X.Đ dọ hỏi.  Ông N.V.S nhắc: “Ăn xong rồi tối nay, mẹ nhớ để mấy đứa đấm lưng, kẻo đổ bệnh là khổ”...

Mong được sống có ích

Những người có AIDS đang sống ở nhà “mẹ Quý” tâm sự với chúng tôi rằng họ luôn mong muốn làm lại cuộc đời dẫu biết rằng đã quá muộn. Ở đây, họ được bà Quý tạo công ăn việc làm - gia công hạt cườm bán cho các nhà thờ - để họ kiếm thêm thu nhập và quan trọng hơn là có cảm giác mình vẫn sống có ích.

Những người từng sống trong giàu sang, từng ăn chơi lừng lẫy một thời giờ đã chịu khó ngồi tỉ mẩn kết từng hạt cườm. Bà Quý  không buộc ai phải làm việc đó.
Những thứ cần thiết như gạo, đường, thực phẩm…, gần đây đã có mạnh thường quân hỗ trợ; còn thuốc men thì cơ sở y tế lo miễn phí. Điều luôn khiến bà Quý trăn trở là làm thế nào để cộng đồng hiểu và không kỳ thị những người có AIDS nữa.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo