Hiện trường cháu bé bị tôn cứa cổ dẫn tới tử vong chiều ngày 23-9
Liên quan đến vụ bé trai bị tôn cứa cổ dẫn tới tử vong ở Hà Nội, chiều ngày 6-10, trao đổi với Báo Người Lao Động, Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Trưởng Công an quận Hoàng Mai (TP Hà Nội), khẳng định ông Đinh Ngọc Thạch (thường gọi là ông Bình “còng”, người đã tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở chiến trường Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) sẽ được cho tại ngoại.
Ông Thạch là người điều khiển chiếc xe xích lô chở tôn để bên đường mà cháu bé đã đâm vào dẫn đến tai nạn thương tâm trên.
“Chúng tôi cũng đã nhận được đơn của gia đình bị hại xin miễn trách nhiệm hình sự cho ông Thạch. Sau khi nhận được đơn, chúng tôi đã tạo điều kiện để xử lí hợp tình, hợp lí với cả 2 bên. Hiện tại chúng tôi đã thống nhất với VKSND và TAND quận Hoàng Mai cho ông Thạch được tại ngoại trong ngày hôm nay (6-10)”- Đại tá Thái nói.
Ông Đinh Ngọc Thạch tại cơ quan công an
Trước đó, khoảng 14 giờ 30 ngày 23-9, cháu bé trai Tr.M.H. đi xe đạp trên đường cùng nhóm bạn. Khi đến gần số nhà 66, phố Tân Mai (quận Hoàng Mai), cháu H. đã đâm vào xe xích lô chở tấm tôn dừng đỗ ven đường. Cú đâm mạnh khiến tấm tôn cứa vào cổ cháu H., máu chảy ra nhiều, cháu đã tử vong sau đó. Ông Đinh Ngọc Thạch được xác định là người điều khiển chiếc xe xích lô chở tôn dừng ở ven đường Tân Mai.
Ít ngày sau, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàng Mai đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điều 202 Bộ luật Hình sự và khởi tố bị can đối với Đinh Ngọc Thạch để điều tra về hành vi này.
Sau đó, gia đình ông Đinh Ngọc Thạch vừa có đơn mời luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) làm người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Thạch trong vụ án này.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm khẳng định rằng công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13-9-2016 của TAND Tối cao về việc áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Công văn số 276/TANDTC-PC nêu rõ: Kể từ ngày 1-7-2016, các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.
Cụ thể, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.
Đặc biệt, người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Theo Luật sư Thơm, ông Thạch vô ý phạm tội, lại từng đi bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và gia cảnh hiện nay rất khó khăn. Nếu được gia đình bị hại hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự nữa thì hoàn toàn đủ các tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Công văn số 276 của TAND Tối cao.
Bình luận (0)