Theo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 1.020 già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, những người dưới 50 tuổi chiếm 12%; 42 người có uy tín là nữ giới, chiếm 4%.
Ngày càng trẻ
Dù đã được Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk giới thiệu nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi gặp già làng, người có uy tín trong cộng đồng của thôn 14, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp - Dương Văn Tình.
Sinh năm 1988, Dương Văn Tình được bà con dân tộc Mông của thôn 14 yêu quý, tín nhiệm giao cho trọng trách “cầm cân nẩy mực” của dân làng. Hiểu rõ những khó khăn trong cuộc sống của bà con dân tộc, già làng Tình luôn tìm tòi học hỏi, hướng dẫn bà con nên nuôi con gì, trồng cây gì để cải thiện kinh tế.
Cư Kbang là điểm nóng về di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy. Biết việc làm này gây ra nhiều hệ lụy nên ngoài các buổi họp dân, già làng Tình còn đến từng nhà, gặp từng người để vận động, tuyên truyền ý thức giữ rừng. Dù vậy, già làng Tình cũng gặp bao khó khăn, vất vả. “Mình còn trẻ tuổi, nhiều khi bậc cha chú có những việc làm không đúng, để khuyên được họ không dễ. Nhớ có đợt, ông Vàng A Sứa kéo cả gia đình đi phá rừng làm rẫy, mình tìm gặp nói ông làm thế là sai rồi, sẽ bị pháp luật phạt đấy. Lúc đó, ông chỉ thẳng vào mặt mình, to tiếng chửi bới. Mình phải vận động suốt 1 tuần, ông ấy mới hiểu. Từ đó đến nay, ông Sứa chịu khó làm ăn trên miếng đất được nhà nước cấp và còn tích cực tuyên truyền người dân không phá rừng nữa” - già làng Tình tâm sự.
Rời Cư Kbang, chúng tôi tìm đến buôn Cư Knao (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin). Hơn 80% hộ dân ở buôn rơi vào diện hộ nghèo. Trong căn nhà cấp 4 xây dựng theo chương trình tái định cư, già làng Y Tim H’Long đang trò chuyện cùng 2 thanh niên trong buôn. Thấy có người lạ, 2 thanh niên đứng dậy chào và quay lại nói với Y Tim “bọn con đã hiểu và hứa từ nay không gây rối nữa” rồi lặng lẽ ra về. Hỏi ra mới biết là do nhậu say lại có mâu thuẫn từ trước nên tối hôm qua, 2 thanh niên này lời qua tiếng lại, gây mất trật tự trong buôn. Sáng hôm sau, họ đã được già làng Y Tim mời tới nhà vận động, giải thích cho họ hiểu những việc làm sai trái của mình.
Già làng Y Tim (42 tuổi) đã được cộng đồng và chính quyền địa phương công nhận là già làng, người có uy tín trong cộng đồng từ gần 10 năm trước. Y Tim chia sẻ: Do đói nghèo, rảnh rỗi, không được học hành nên trong buôn thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Những lúc như vậy, ông phải tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu mà không tái phạm. “Bất kể chuyện gì, mình phải vừa nói vừa làm chứ cứ nói mà không làm thì họ sẽ chẳng bao giờ nghe theo” - Y Tim tiết lộ.
Cái gì không biết thì lên mạng
Dưới chân núi Langbiang hùng vĩ thuộc thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng có một vị già làng được cả cộng đồng người K’ho gần xa tôn kính bởi tài năng và đức tính hiền hậu. Đó là già làng Kra Jan Plin, 53 tuổi, thủ lĩnh tinh thần của buôn làng 14 năm nay.
Kra Jan Plin có thân hình chắc nịch, mái tóc quăn dài đến chấm lưng, làn da ngăm đen, bấm khuyên tai, khuôn mặt phúc hậu luôn nở nụ cười. Phòng làm việc của già làng Kra Jan Plin rộng chỉ vài mét vuông nhưng có giá sách lớn với cả trăm quyển, có máy tính bàn và cả laptop!
Khoe với tôi cuốn luật tục K’ho dày hơn 400 trang do ông đánh máy in ra, Kra Jan Plin cho biết luật tục đề cập những điều răn, phép tắc, kinh nghiệm ứng xử của tổ tiên truyền khẩu bao đời nay. Già làng này đã kỳ công sưu tầm, soạn thảo dưới hình thức thơ, gồm 1.000 điều được chia thành 50 chương, để bà con dễ đọc, dễ nhớ. Tâm niệm của già làng Plin là mong giữ lại nét văn hóa truyền thống cho con cháu cộng đồng K’ho trước làn sóng văn hóa ngoại lai đang tràn tới.
Tốt nghiệp trung cấp y, giỏi tiếng Anh, Pháp, Kra Jan Plin còn thành lập ban nhạc “Những người bạn Langbiang” chuyên biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ du khách. Những ca khúc K’Bling (Em hãy về), Giữ ấm bếp hồng… do ông sáng tác đã được các ca sĩ Siu Black, Bonneur Trinh, Cil Pơi… biểu diễn thành công. Nhiều khi ngẫu hứng, Kra Jan Plin còn trình bày cả những bản nhạc Anh, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha trước du khách nước ngoài.
Cái gì không biết là Plin lại lên mạng mày mò tự học. Trong quan niệm của Plin, đã là già làng thì phải tài giỏi, cái gì người ta đã biết thì mình còn phải biết nhiều hơn. Kra Jan Plin cũng là già làng đầu tiên trong hàng chục già làng mà chúng tôi đã có dịp gặp gỡ ở vùng đất Tây Nguyên chơi… Facebook. “Bên cạnh việc giữ gìn văn hóa truyền thống thì mình phải cập nhật văn minh hiện đại. Cái gì hay thì mình phải học, phải dùng. Lên Facebook mình được gặp gỡ, giao lưu, kết bạn với mọi người trong và ngoài nước. Nhiều người bạn dù chưa gặp ở ngoài những họ vẫn giúp đỡ mình qua Facebook đó thôi!” - Kra Jan Plin tâm sự.
Giữ lấy tinh túy của Tây Nguyên
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm, nguồn gốc của từ “già làng” là do cán bộ nhà nước trong quá trình tiếp xúc, làm việc gọi tên, còn trong đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên chỉ gọi chung là người có uy tín. Do vậy, không những ngày nay mà từ xa xưa đã có những già làng trẻ tuổi như anh hùng N’Trang Lơng - người đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn người dân làm kinh tế, đứng lên chống giặc ngoại xâm.
Trước đây, vai trò của già làng hết sức quan trọng, là người quyết định sự sống còn của cả cộng đồng. Họ thường là chủ buôn, chủ dòng họ hay người hiểu biết rộng. Hiện nay, vai trò của già làng ngày càng mờ nhạt. Những già làng thông hiểu luật tục ngày càng ít, việc xử phạt theo luật tục cũng hạn chế do đã có luật pháp xử lý.
Dù già làng ngày càng trẻ và có cả già làng nữ nhưng ảnh hưởng của họ đối với đồng bào dân tộc vẫn còn đậm nét, không dễ gì loại bỏ, thay thế. Hơn 7.600 già làng trên khắp Tây Nguyên vẫn đang phát huy vai trò và ảnh hưởng của mình đối với đời sống của buôn làng.
PGS-TS Bùi Văn Đạo, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, phân tích: Với uy tín của mình, các già làng đã và đang trở thành cầu nối giữa luật tục với luật pháp, giữa truyền thống với hiện đại, là nhân tố hỗ trợ cần thiết cho hệ thống quản lý xã hội ở các buôn làng. Thông qua các già làng, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước… sẽ đến gần với người dân.
Điển hình như ở tỉnh Đắk Lắk, trong 3 năm qua, các già làng đã phối hợp vận động được 267 đối tượng truy nã ra đầu thú; vận động người dân giao nộp 4.166 vũ khí quân dụng, súng tự chế, vật liệu nổ, hung khí các loại; tuyên truyền và tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cho gần 500 đối tượng nghiện ma túy; giúp đỡ, quản lý trên 3.000 thanh niên chậm tiến, đối tượng sau cải tạo trở về địa phương...
Những nữ già làng bản lĩnh
Chỉ tính riêng tỉnh Đắk Lắk đã có 42 già làng, người có uy tín là nữ giới, nhiều người trong số này tuổi đời còn rất trẻ.
Phạm Thị Thu (SN 1982, người dân tộc Mường) là già làng của thôn Dự, xã Ea Lốp, huyện Ea Súp đã được 2 “nhiệm kỳ”. Già làng Thu tâm sự: “Mình là nữ nên việc tuyên truyền, vận động cũng có nhiều lợi thế như những lời nói nhẹ nhàng làm người ta lắng nghe, tâm sự trao đổi về phận làm vợ, làm con trong gia đình cho giới nữ”.
Nổi tiếng bởi tài năng và uy tín, nữ già làng H’Bliăk Niê của buôn K’ram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk được người dân trong vùng trìu mến gọi là Mị Bưng. Từng là giáo viên của buôn làng rồi lên làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Chủ tịch UBND xã, bây giờ là Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin nhưng với bà con buôn K’ram, Mị Bưng vẫn là nữ già làng thân thiết, gần gũi và giản dị. Theo già làng Mị Bưng, muốn làm tốt vai trò của già làng thì mình phải làm tốt tất cả mọi việc, có vậy người dân mới tin tưởng, làm theo.
Bình luận (0)