Khoảng 9 giờ ngày 8-3, một vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra trên tuyến Quốc lộ 1 (QL1), đoạn qua thôn Trà Bình Đông, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Hai người đi xe máy bị một xe khách lưu thông ngược chiều tông ngã ra đường và xe khách khác từ phía sau trờ tới cán chết…
Những chuyện đau lòng như trên đang diễn ra hằng ngày trên QL1. Các loại phương tiện đấu đầu, tông nhau luôn tìm đến đúng những điểm đen, đoạn tuyến không có dải phân cách.
Hiểm họa rình rập
Nhắc đến những TNGT xảy ra trên địa bàn, nhiều người dân xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhớ như in vụ đấu đầu giữa 2 xe khách vào ngày 11-8-2014. Trước thời điểm xảy ra tai nạn, xe khách mang biển kiểm soát 76B-003.65 chạy tuyến Quảng Ngãi - Đắk Lắk, khi đến địa phận xã Phổ Cường thì gặp sự cố, ngoặt sang bên kia đường và tông trực diện vào xe khách mang biển kiểm soát 76B-000.79 làm 23 người bị thương nặng.
Ngoài những vụ xe khách đối đầu như trên, các vụ xe máy, xe thô tông nhau xảy ra thường xuyên ở tuyến QL1 qua huyện Đức Phổ.
“Tuyến này nhiều ổ gà, mặt đường xấu do việc thi công mở rộng QL1 và không có dải phân cách nên tai nạn thường xuyên xảy ra” - ông Đinh Thượng Dũng, tài xế xe đưa đón công nhân ở Quảng Ngãi, cho biết.
Tại Quảng Nam, QL1 đoạn qua huyện Điện Bàn cũng không bố trí dải phân cách nên hiểm họa luôn rình rập. Mới đây, ông Nguyễn Văn Đức và ông Nguyễn Duy Hải (cùng ngụ xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) đi trên một xe máy. Khi đến xã Điện Minh thì bất cẩn vượt trái, đâm trực diện vào đầu xe khách. Khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng huyện Điện Bàn ghi nhận nếu có dải phân cách, nạn nhân sẽ không thể vượt ẩu, mất mạng.
Vào địa phận Phú Yên, suốt tuyết QL1 đường hẹp, thiếu dải phân cách và những chuyện đau lòng cứ thế xảy ra. Ở vụ tai nạn ngày 31-12-2014, ông Huỳnh Thanh Minh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc (xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), chạy xe máy chở bạn là ông Ngô Chí Thanh đến xã An Phú, TP Tuy Hòa. Dù đi rất cẩn thận nhưng không may cho 2 người, một xe khách chạy ngược lại, cố vượt qua một ô tô phía trước nên lấn hết phần đường bên trái.
Ông Minh bị ép sát vào lề, vướng cột bê tông ngã xuống và tử vong vì xe khách cán qua đầu, ông Thanh bị thương nặng. Đại tá Nguyễn Phi Lương, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên, cho rằng nếu có dải phân cách thì vụ tai nạn này đã không xảy ra bởi nó sẽ ngăn lái xe khách lấn đường vượt ẩu.
Phần lớn tai nạn do lấn tuyến, vượt ẩu
Tuyến QL1 trên địa bàn tỉnh Bình Định dài gần 120 km, trong đó đoạn qua thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước dài 2 km được lắp dải phân cách tim đường từ 10 năm qua. “Khu vực này trước đây là điểm nóng về TNGT, chủ yếu do xe đối đầu nhưng từ khi được nâng cấp, mở rộng và lắp dải phân cách thì giảm hẳn, thi thoảng mới có vài vụ va quệt nhẹ” - ông Ngô Đức Hoài, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định, nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chánh Văn phòng phụ trách Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Định, một trong những giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để giảm TNGT trên QL1 là lắp đặt dải phân cách. “Sau khi dự án mở rộng, nâng cấp QL1 hoàn thành, nếu được lắp đặt dải phân cách, tôi tin chắc TNGT sẽ giảm hẳn” - ông Chiến nói.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, đã có hàng trăm vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên tuyến QL1, trong đó nguyên nhân chủ yếu do đường quá hẹp, không có dải phân cách để hạn chế xe vượt tuyến. Ông Đỗ Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Ngãi, thừa nhận phần lớn TNGT trên tuyến QL1 là do không có dải phân cách ngăn đôi làn đường.
“Hiện nay, tuyến QL1 ở Quảng Ngãi vẫn đang thi công mở rộng. Khi dự án hoàn thành sẽ cho gắn dải phân cách bằng bê tông chia làn đường riêng biệt hai bên, phía trong có làn đường cho xe gắn máy. Trước đây, khi chưa thi công mở rộng, QL1 quá hẹp nên không thể xây dựng dải phân cách được” - ông Đạt khẳng định.
Cho rằng đa phần các vụ TNGT xảy ra là do xe lấn tuyến, vượt ẩu, đại tá Nguyễn Phi Lương đề xuất ngành GTVT cần tính toán thật kỹ trong việc bố trí dải phân cách trên toàn tuyến QL1, nhất là sau khi hoàn thành các dự án nâng cấp, mở rộng đường.
Trước mắt, theo đại tá Lương, ở những đoạn đường cong, vòng cua, xe vốn chạy nhanh thường lấn tuyến hay những đoạn đường có mật độ giao thông cao thì cần thiết phải lắp dải phân cách. Thêm vào đó, ở những vùng có mật độ dân cư đông, khi đặt dải phân cách cần để những đoạn trống cho người dân qua đường. Nếu không, người dân sẽ trèo qua dải phân cách, càng nguy hiểm.
Mở rộng đường, “quên” dải phân cách
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này, việc thi công các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam rất khẩn trương. Đáng chú ý là tại một số đoạn đường ở huyện Thăng Bình, Núi Thành, đơn vị thi công đã hoàn thành trải nhựa nhưng không lắp đặt dải phân cách. Hậu quả là TNGT do xe đối đầu nhau vẫn cứ xảy ra.
Điển hình, trưa 24-2, tại đoạn qua xã Bình An, huyện Thăng Bình, ông Nguyễn Thanh Triều (ngụ xã Bình An) và ông Trần Văn Lý (ngụ xã Bình Đào, huyện Thăng Bình) đi xe máy đã bị một xe khách tông chết. Hiện trường cho thấy mặt đường không được kẻ vạch sơn hay lắp đặt dải phân cách.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết trong quá trình thi công QL1, sở luôn theo dõi sát sao và liên tục có các văn bản chỉ đạo đơn vị thi công có các biện pháp hạn chế tai nạn giao thông, thi công đến đâu phải lắp đặt dải phân cách và đèn phản quang đến đó.
“Chúng tôi sẽ kiểm tra và có báo cáo, đề xuất Cục Quản lý đường bộ III - cơ quan quản lý trực tiếp tuyến đường này - nghiên cứu, cho lắp đặt dải phân cách” - ông Nhân nói.
Kỳ tới: Khắc chế “hung thần” xa lộ
Bình luận (0)