Khảo sát các khu vực kinh doanh sữa tại TPHCM và Hà Nội hai ngày qua cho thấy giá nhiều mặt hàng sữa bột, sữa nước, sữa đặc đều tăng. Dù vậy, sức tiêu thụ vẫn không giảm.
Giá bán nhiều mặt hàng sữa của Dumex gần đây tăng khá mạnh. Ảnh: HỒNG THÚY
Té nước theo mưa
Tại khu vực “chợ” sữa trên đường Nguyễn Thông, quận 3 - TPHCM, những người kinh doanh mặt hàng này cho biết họ vừa nhận được thông báo từ hãng sữa X.O (Hàn Quốc) rằng sẽ tăng giá bán từ đầu tháng 8. Bà Huyền, một người kinh doanh sữa ở đây, tiết lộ giá sữa sẽ tăng không dưới 10%.
Trong khi đó, giá sữa bột Anlene cũng vừa tăng từ 200.000 đồng lên 220.000 đồng/hộp loại 800g. Từ ngày 19-7, giá sữa bột Dumex cũng tăng từ 7% đến gần 10% (khoảng 30.000 đồng/hộp). Trước đó, ngày 15-7, giá bán một số mặt hàng sữa nước, sữa đặc của Công ty FrieslandCampina VN cũng tăng từ 5% - 7%.
Tại thị trường TP Hà Nội sáng 30-7, giá sữa Dumex Mama Gold Step 800g tăng từ 212.000 lên 233.000 đồng/hộp, Dugro Gold 3 loại 1,5kg tăng từ 454.000 lên 499.000 đồng/hộp, Dulac Gold 3 loại 800g tăng từ 298.000 lên 328.000 đồng/hộp, Dulac Gold 1 loại 800g từ 304.000 lên 334.000 đồng/hộp.
Giới kinh doanh sữa nhận định giá mặt hàng này sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Thông thường, chỉ cần vài hãng tăng giá bán thì ngay sau đó, các hãng khác sẽ tăng giá theo.
Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, Giám đốc đối ngoại Công ty FrieslandCampina VN, cho rằng việc tăng giá trung bình 200 đồng cho mỗi hộp sữa tươi tiệt trùng (loại 180ml) không gây tác động nhiều đến thị trường so với các sản phẩm cùng loại khác. Đại diện hãng sữa Dumex giải thích hơn 18 tháng qua, hãng đã cố gắng giữ giá bán nhưng đến nay không chịu đựng được nữa, buộc phải tăng. Ngoài ra, việc tăng giá bán cũng do các khoản chi phí tăng, chẳng hạn VNĐ mất giá hơn 20% so với USD, giá sữa nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm... 2008! Các chủ cửa hàng kinh doanh sữa ở phố Ngọc Hà, quận Ba Đình - Hà Nội cho biết một số hãng sữa tăng giá vì thay đổi bao bì...
Tăng vô lý!
Đáng chú ý, với mức tăng giá “choáng váng” so với mức cũ, hãng sữa Dumex đã khiến không ít người tiêu dùng bất bình. Bởi trước đó, theo khảo sát vào năm 2009 của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, giá bán sữa Dugro 1, 2, 3 của hãng này tại VN đã cao hơn ở các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia từ 130% - 220%.
Nhiều hệ thống cửa hàng phân phối, đại lý sữa cho rằng vào thời điểm này, các hãng sữa không có lý do gì để điều chỉnh tăng giá bán cao như vậy. Bởi lẽ, hầu hết chi phí đầu vào đều ổn định. TS Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban Bảo vệ người tiêu dùng - Cục Quản lý cạnh tranh, phân tích: “Thuế suất trung bình đối với sữa bột nguyên liệu và nguyên hộp nhập về VN không quá 10%, thấp hơn nhiều so với thuế nhập khẩu Thái Lan (dao động từ 9% - 40%, tùy loại) nhưng giá hầu hết các mặt hàng sữa bột tại VN cao hơn ở Thái Lan từ 20% - 60%, có trường hợp còn cao hơn 100%. Đây là điều rất bất hợp lý. Nếu giá ở VN đắt hơn cũng chỉ khoảng từ 0% - 10%, song trên thực tế giá ở VN cao hơn từ 25% - 30%, có trường hợp cao hơn 200%.
Bà Vũ Thị Bạch Nga khẳng định một số hãng sữa lấy lý do giá sữa nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, tỉ giá biến động và chi phí quảng cáo (chiếm tới 56% giá sữa) để biện minh cho việc tăng giá là không hợp lý. Đáng nói là, theo báo cáo từ Bộ Công Thương, giá nguyên liệu sữa trên thế giới đang giảm đáng kể và sẽ còn giảm tiếp trong thời gian tới. Cụ thể: So với tháng trước, giá sữa bột gầy giảm mạnh, khoảng 350 USD - 450 USD/tấn, còn 2.850 USD - 3.100 USD/tấn (tùy loại). Giá sữa bột nguyên kem giảm 100 USD/tấn, còn khoảng 3.200 USD - 3.500 USD/tấn.
Mặt hàng sữa sẽ phải đăng ký giá
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho biết trong quá trình thanh tra giá sữa, cơ quan chức năng đã phát hiện một số hãng sữa “lách” quy định để tăng giá bán. Dự thảo Thông tư 104/2008/TT-BTC sửa đổi các điều kiện áp dụng biện pháp bình ổn giá, trong đó có giá sữa, sẽ sớm được ban hành để chấn chỉnh.
Hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo thông tư nói trên. Theo đó, không phân biệt doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài khi sản xuất kinh doanh các mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá do Chính phủ quy định đều phải đăng ký, kê khai giá bán với cơ quan quản lý giá. _N.Dung |
Bình luận (0)