Trước diễn biến nóng lên của giá xăng dầu thế giới, động thái giảm thuế nhập khẩu xăng dầu trong 2 đợt liên tiếp vào ngày 13-4 và 4-5 chỉ “cứu” được giá dầu, còn giá xăng vẫn tăng ở mức phi mã.
Chia sẻ giữa giá và quỹ
Theo Bộ Công Thương, tại thời điểm ngày 4-5, do diễn biến của giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu trong nước đã có sự cách biệt lớn so với giá bán lẻ hiện hành. Trong đó, khoảng cách chênh lệch của giá xăng là rất lớn khi xăng RON 92 có giá cơ sở tăng tới 3.387 đồng/lít và xăng E5 là 3.222 đồng/lít. Hai mặt hàng dầu diesel và dầu ma-dút cũng có giá cơ sở tăng lên lần lượt là 322 đồng/lít và 303 đồng/lít. Riêng dầu hỏa có giá cơ sở giảm 258 đồng/lít.
Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là lựa chọn phương án chia sẻ giữa giá và Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) nhằm hỗ trợ giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp và hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân. Do đó, xăng RON 92 đã được quyết định tăng giá 1.905 đồng/lít lên 19.230 đồng/lít và tăng xả quỹ BOG từ 991 đồng/lít lên 1.437 đồng/lít. Mặt hàng xăng E5 tăng giá 1.905 đồng/lít lên 18.900 đồng/lít, đồng thời, tăng xả quỹ từ 991 đồng/lít lên 1.272 đồng/lít. Dầu diesel, ma-dút giữ nguyên giá và hỗ trợ xả quỹ lần lượt 322 đồng/lít - 303 đồng/lít. Riêng dầu hỏa giảm 260 đồng/kg xuống 15.810 đồng/lít.
Như vậy, sau hơn 1 ngày “trễ hẹn”, quyết định tăng giá xăng đã chính thức được đưa ra, trái ngược với quả quyết trước đó của lãnh đạo 2 bộ liên quan về việc tăng thuế môi trường và giảm thuế nhập khẩu không làm ảnh hưởng đến giá xăng dầu. Nguyên nhân nằm ở diễn biến giá xăng dầu thế giới đã tăng cao ngoài dự đoán của các cơ quan nghiên cứu chính sách.
“Tại thời điểm điều hành thuế vẫn hy vọng giá xăng dầu tiếp tục giảm hoặc ít nhất ổn định và các công cụ như Quỹ bình ổn, thuế… đủ sức điều tiết. Nhưng thời điểm này, giá đã tăng mạnh và buộc phải điều hành theo thị trường” - một chuyên gia về xăng dầu lý giải.
Chính sách thuế bị “hẫng”
Lời hứa giữ ổn định giá xăng dầu được người dân và doanh nghiệp đặt nhiều tin tưởng ngay trước khi chính thức tăng thuế môi trường 300% (ngày 1-5), Bộ Tài chính quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ ngày 14-4. Khi đó, thuế suất mặt hàng xăng và dầu hỏa giảm từ 35% xuống 20%, dầu diesel giảm từ 30% xuống 20%, dầu ma-dút giảm từ 35% xuống 25% và nhiên liệu bay giảm từ 25% xuống còn 10%.
Thậm chí, thuế nhập khẩu dầu diesel và dầu ma-dút còn tiếp tục được giảm sâu hơn nữa theo quyết định ngày 4-5. Cụ thể, dầu diesel giảm từ 20% xuống 12% và dầu ma-dút giảm từ 25% xuống 13%. Thế nhưng, mặt hàng mà doanh nghiệp đang chịu lỗ nặng nhất và người dân mong muốn được chia sẻ gánh nặng nhiều nhất là xăng thì thuế vẫn giữ nguyên ở mức 20%.
“Việc giảm thuế chỉ cứu được giá dầu bởi nhờ giảm thuế thì giá cơ sở dầu tăng lên nhẹ, có thể hỗ trợ bằng Quỹ bình ổn. Giá xăng chênh lệch quá lớn mà không có hỗ trợ từ thuế nên dù có tăng quỹ thì vẫn buộc phải tăng giá” - đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu giải thích.
Như vậy, dù nhìn bề ngoài, việc điều chỉnh giá xăng thời điểm này hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến giá trên thị trường thế giới mà không phải do nhà nước tận thu thuế nhưng nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra xung quanh kỳ điều hành giá này: Tại sao không bàn đến kịch bản giảm thuế khi giá thế giới tăng? Tại sao không chia sẻ gánh nặng với mặt hàng thiết yếu nhất là các loại xăng?
Trong khi đó, mặt hàng xăng vừa chịu áp lực giá lớn vừa “ngốn” Quỹ bình ổn ở mức cao nhất so với các mặt hàng khác. Thực tế, các doanh nghiệp xăng dầu cũng tỏ ra hết sức lo lắng khi quỹ ngày càng giảm. Ví dụ, Petrolimex từ số quỹ dư 2.000 tỉ đồng ngày 26-3 thì đến ngày 5-5 còn lại 1.790 tỉ đồng. Một doanh nghiệp đầu mối khác cũng “than thở” mất vài chục tỉ đồng tiền quỹ mỗi tháng và dự kiến tháng sau còn thâm hụt quỹ hơn khi phần xả vừa phải tăng thêm gần 500 đồng với mỗi lít xăng. Theo các chuyên gia, việc lo lắng là hợp lý, bởi quỹ tuy chưa hết nhưng áp lực tăng giá xăng chưa dừng lại và việc sử dụng quỹ phải tính đến “đường dài” để tránh trường hợp giá xăng tăng nước đại do cạn quỹ.
Bộc lộ hạn chế
Từ giữa năm 2014 đến trước Tết Nguyên đán Ất Mùi, giá xăng đã giảm 14 lần với tổng mức giảm 10.865 đồng/lít. Đến ngày 11-3, giá xăng được điều chỉnh tăng 1.600 đồng/lít và tiếp tục nỗ lực giữ giá ổn định trong 2 kỳ sau đó.
Các chuyên gia xăng dầu cho rằng dù điều hành giá xăng dầu gần đây đã nhịp nhàng hơn nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế của những công cụ bình ổn phi thị trường được duy trì sử dụng lâu nay như thuế, phí…
Bình luận (0)