icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giấc mộng Lebanon

Nguyễn Quyết

Những tưởng câu chuyện về xuất khẩu lao động sang Lebanon, đất nước Trung Đông xa xôi đã kết thúc từ năm 1994. (Chuyến đi này theo diện Nhà nước đưa sang, có tổng lãnh sự danh dự đặt tại Lebanon, các đợt vào tháng 3-1994, 15-8-1994 và 27-8-1994)

Trên dưới 100 người đã sang và làm các công việc khác nhau. Đa phần sau một thời gian rồi về nước. Số còn lại là những người đã viết nên câu chuyện về người lao động (NLĐ) Việt Nam ở Lebanon thời hiện đại.

Ra khỏi lũy tre làng

Một số người sang Lebanon thuộc thế hệ đầu kể: Ngày trước đi lao động như đi trẩy hội. Ai cũng nghĩ rằng sẽ được ăn sung mặc sướng và chẳng hình dung xem công việc là gì. Họ chưa có ý thức làm kinh tế. Mình là người tự do cơ mà! Thế là đi! Cái sự sĩ diện nó lớn hơn cả đồng lương. Hỏi nghề gì, đố ai khoe làm giúp việc, làm con ở. Sang đến nơi, tại sân bay mỗi người có một nhà chủ ra đón đưa về. Ai nấy mới té ngửa ra và tá hỏa kêu trời.

Có chuyện 7 cô con gái xứ Huế xinh như mộng tưởng sang được làm đầu bếp nên ai cũng xúng xính áo dài, xoong nồi và cả dụng cụ chuyên dùng nấu món Huế. Nhưng cuối cùng cũng chỉ là người giúp việc!

Sau này nhiều người không làm giúp việc nhà nữa mà ra ngoài làm phục vụ, bán hàng... Thường thì ở nhà chủ, nhà chủ phải bảo lãnh và họ sẽ giữ giấy tờ. Nếu ở ngoài, phải bỏ tiền vài trăm đô la “thuê” người ở Lebanon đứng ra bảo lãnh. Đó là chuyện bình thường. NLĐ VN sang vẫn thường làm theo cách ấy.

Chị Trần Thị Minh Thu, người vẫn được biết đến là một “đầu mối” đưa NLĐ sang cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Chị được đưa đến một vùng núi làm việc. Thế là phải chấp nhận cuộc sống khác hoàn toàn với cuộc sống hiện tại. Cuối ngày, chị thường ra ban công nhìn xuống đường mà khóc vì khổ quá! “Cuộc sống chỉ có biết ăn rồi làm, làm rồi khóc, thế thôi!”- chị đúc kết. Mãi 1 năm sau chị mới liên hệ được với những người Việt tại Beirut. Sau 2 năm hợp đồng, gom lại chỉ được hơn 1.000 USD. Chị tủi thân nghĩ: Với bằng ấy tiền bây giờ mà về nước thì cũng chẳng làm được cái gì. Thế là đành ở lại Lebanon.. Khấm khá hơn, lấy chồng sinh con rồi lại gắn bó luôn với mảnh đất này.

Vỡ mộng

Sau 1- 2 tháng làm việc và được “nếm mùi” thế nào là nghề giúp việc. Ai cũng chỉ mong thoát khỏi nhà chủ càng nhanh càng tốt. Làm gì thì họ chẳng cần xác định. Ra được ngoài, gặp nhau tại cơ quan đại diện đưa họ sang, tất cả nằm la liệt để đấu tranh. Họ cứ nằm ăn vạ ở đấy, không chịu làm việc nữa. Bởi vì ở VN, ít ra họ từng làm công nhân, hoặc xuất thân từ gia đình này nọ, làm trong hội phụ nữ, nghe cũng “oai” chứ có kém cạnh ai đâu?! Còn có người đang làm y tá, sang làm giúp việc nên không chịu, liền viết đơn kiện tụng, gần 1 năm trời chỉ ăn và đi kiện.

Một số người ở TPHCM, Huế lúc đó sang Lebanon với mục đích khác. Đa phần trước khi đi đều mang theo 5.000 USD - 10.000 USD với cái mộng vượt sang nước thứ 3, từ Lebanon. Nhưng rồi khó quá, họ không đi được. Các cơ quan chức năng ở Lebanon không tin là người VN có tiền để đi du lịch. Bởi vì lúc đó VN còn quá nghèo. Thế là họ cũng không chịu làm việc gì, chỉ suốt ngày ăn rồi ngủ. Cuối cùng, khi đại diện VN sang đón thì những người này cũng lục tục kéo nhau về nước hết.

Ở Beirut, kiếm việc không khó. Không làm được chỗ này thì làm chỗ khác. Không bao giờ sợ thất nghiệp. Chỉ có điều người ta có chịu khó hay không thôi. Khó nhất là không làm được việc gì, thì quanh năm sẽ không đủ tiền làm các thủ tục giấy tờ, cũng như các khoản chi tiêu khác.

Khó khăn lớn nhất của người VN vẫn là ngôn ngữ. Nước bạn nói tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Ả Rập. “Người mình” nghe cứ loạn cả lên. Có khi người ta sai đi rửa cốc lại bê nguyên cái nồi cơm ra. Ở Lebanon, người ta ít ăn cơm, chủ yếu họ ăn thức ăn, bánh mì. Người Việt mới sang không ăn nổi. Rồi các thói quen, sự nề nếp và văn hóa của người Lebanon khiến NLĐ VN thấy xa lạ và lạc lõng. Họ bị choáng ngợp, thích nghi được với nó không đơn giản và cần thời gian. Nhưng có muốn thích nghi hay không thì lại là chuyện khác.

Chủ ra chủ, tớ ra tớ

Sau này thì khác. Trước khi sang, NLĐ VN xác định là đi lao động. Họ được chuẩn bị về tinh thần trước. Những người trụ lại 5- 6 năm tức là đã gặp được chủ tốt. Với người Lebanon miễn làm đúng phận sự và công việc làm một cách nghiêm túc, họ rất quý. Người Lebanon coi trọng chữ tín. Khi đã tin tưởng, họ không tiếc gì cả.

Bên Lebanon phân biệt rõ ràng theo đẳng cấp. Chủ ra chủ, tớ ra tớ. Không bao giờ xảy ra chuyện ông chủ quấy rối người làm như một số nước khác. Cho nên phụ nữ sang đấy làm việc có thể yên tâm. Dần dần, ổn định hơn họ lại đưa người quen sang lao động. Chính sách của Lebanon với NLĐ khá rộng mở. Người mới sang cũng có thể bảo lãnh cho một người khác được. Cứ thế, người này móc nối, bắc cầu với người kia, chỉ trong một thời gian ngắn, người VN ở đó đã rất đông. Cuối cùng, hầu như những NLĐ VN ở Lebanon đều biết nhau cả.

Từ năm 1998, Lebanon có chính sách mới: Cấm lao động nam từ các nước sang làm việc (trừ Syria). Cho nên, NLĐ VN ở bên ấy đa phần là phụ nữ. Khoảng những năm 1999- 2001 NLĐ VN sang Lebanon ồ ạt. Lúc cao nhất phải tới gần 1.000 người. Tháng 11-2001, Lebanon quyết hạn chế đối với lao động VN, vì người Việt ở bên ấy quá đông mà không có cơ quan đại diện hay văn phòng quản lý NLĐ nào.

Thiên đường của các ông vua Ả Rập

Lebanon không lớn, trong vòng một ngày có thể đi trọn đất nước từ miền Nam sang miền Bắc. Dân số của Lebanon có hơn 3 triệu dân nhưng có hơn 12 triệu người Lebanon sống ở nước ngoài. NLĐ VN đều làm việc trong các gia đình khá giả. Lebanon được khí hậu ưu đãi nên thu hút rất đông khách du lịch. Ở đây khách sạn nhiều như nhà dân. Đất nước bốn mùa, có biển, có núi. Mùa đông có tuyết, lạnh nhưng không giá rét.

Phụ nữ Lebanon đẹp mê hồn. Cái “uy” của người phụ nữ trong gia đình rất lớn. Nhà cửa, công việc gia đình đều do họ quản lý. Đàn ông chỉ biết đi làm, kiếm tiền gửi vào ngân hàng. Người phụ nữ ở bên ấy, khi lấy chồng, người ta không làm việc nữa mà ở nhà chăm sóc gia đình. Mấy chị giúp việc nhà ta nhiều khi vất vả quá, quay sang nghĩ vẩn vơ: Bà chỉ ăn không ngồi rồi chứ có làm được cái gì đâu!

Mức sống của dân Lebanon rất cao, thường thì những người khá giả ở Beirut đều có 3 nhà: 1 ở gần bãi biển để nghỉ mát, 2 ở trên núi tránh nóng, 3 là nhà ở thành phố. Vô số văn phòng giao dịch thương mại giữa khối Ả Rập và châu Phi đặt tại thủ đô Beirut. Giá cả hàng hóa ở Lebanon rất rẻ. Thịt bò cực ngon, chất lượng nhất cũng chỉ tương đương 70.000 đồng; thịt gà cũng chỉ 20.000 đồng - 25.000 đồng/kg; cam to cũng chỉ có 5.000 đồng/kg; hoa quả không thiếu thứ gì nhưng ngon hơn ở VN rất nhiều.

Beirut là thủ đô của Lebanon. Nơi đây vẫn được coi là thành phố ăn chơi của các ông hoàng Ả Rập, của những tỉ phú, triệu phú khắp thế giới. Thậm chí, với tốc độ hiện tại người ta dự đoán chỉ vài năm tới có thể so sánh Beirut với một Paris thu nhỏ. Cho nên, NLĐ VN sang đó ban đầu vất vả nhưng quen rồi thì ít ai muốn về. Chị Minh Thu tâm sự: “Số tiền kiếm được tuy không nhiều nhưng cũng không phải ít. Hầu như mấy năm dành dụm, ai cũng có thể gửi về cho gia đình trên dưới một trăm triệu. Bằng ấy tiền, ở trong nước cứ cắm đầu vào sào ruộng bao giờ mới có?”.

Quả thực, sau đợt di tản NLĐ về VN vừa rồi, vẫn còn mấy chục người ở lại. Một số là vì họ muốn tiếp tục sống và làm việc với Lebanon. Dường như tiếng bom đạn vẫn chưa đủ sức để đánh thức họ dậy. Ai cũng cố níu kéo chưa muốn ra khỏi giấc mơ của mình...!

Nếu không có chiến sự giữa Israel và Hezbollah xảy ra, có lẽ VN không biết nhiều về Lebanon cũng như người lao động VN tại đây. Họ đến trong hy vọng và trở về trong nuối tiếc. Đối với một số người, thực tế vừa qua cứ như một giấc mộng. Bởi có lẽ họ cho rằng khó có thể còn có dịp đặt chân trở lại Lebanon nữa!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo