Phương án này về mặt lý thuyết dường như khá ổn thỏa và "giải cứu" được tình thế khó xử của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vì đã cấp phép cho doanh nghiệp đổ vật chất xuống biển qua những luận cứ khoa học thiếu chính danh. Phương án này nếu được chấp thuận cũng sẽ khép lại những nghi ngờ về sự vội vã của Bộ TN-MT trước vấn đề có thể gây hại đến môi trường; ngăn chặn được những toan tính nặng về lợi nhuận của doanh nghiệp nhiệt điện và phần nào cho thấy tầm nhìn quá ngắn hạn từ các quyết định đã đưa ra của các cơ quan liên quan. Một điều khá ngạc nhiên là phương án trên lại xuất phát từ một cơ quan không chuyên về môi trường.
Lẽ ra không nên để xảy ra tình trạng ồ ạt xây dựng các nhà máy nhiệt điện rồi mới loay hoay tìm cách đổ chất thải. Càng khó hiểu hơn là sau khi cấp phép thì Bộ TN-MT mới đề nghị tỉnh Bình Thuận theo dõi tình hình môi trường và giao Viện Hải dương học Nha Trang khảo sát, đánh giá vùng biển dự kiến nhận chìm vật chất. Một quy trình ngược nhiều chắp vá nhưng lại dễ dàng được thông qua bởi những cơ quan hữu trách có thẩm quyền. Khi vụ việc bị phản đối thì các bên liên quan mới tìm nhiều cách để khỏa lấp.
Ngay cả việc Viện Hải dương học Nha Trang tiến hành khảo sát biển cũng không giúp người dân yên tâm hơn bởi sự gấp gáp đến khó ngờ. Theo đó, cơ quan này chỉ dành 4 ngày nhưng thực hiện hàng loạt nhiệm vụ như đo đạc, vẽ bản đồ địa hình, quay phim hiện trạng nền đáy, lấy mẫu trầm tích và mẫu sinh vật đáy trong trầm tích. Chừng ấy thời gian làm sao đủ để tìm hiểu và có kết luận chính xác về môi trường của cả một vùng biển?
Đổ chất thải nạo vét lấp bờ biển sạt lở thực ra cũng không phải là phương án cao siêu gì. Không nhận chìm được xuống biển thì đem đi san lấp, chỉ đơn giản như thế để làm sao giải quyết cho xong lượng chất thải khổng lồ đã đào lên. Nhưng "cao siêu" nhất chính là bao nhiêu cơ quan tham mưu không nghĩ ra, công ty tư vấn xây dựng cảng biển cũng mờ mịt, phải chờ đến khi dư luận và các nhà khoa học nhiệt tâm lên tiếng thì mọi công đoạn mới được xem xét lại.
Phương án xử lý chất thải khi nạo vét cảng biển, sông lạch đều được các quốc gia tiên tiến thực hiện từ lâu và kiểm soát chặt chẽ. Tại sao không sớm học hỏi họ và ứng dụng vào tình hình chẳng có gì đặc thù của Việt Nam. Có khó chăng là những doanh nghiệp hưởng lợi từ việc này phải bỏ tiền ra để xử lý và được các nhà khoa học uy tín tham gia nghiên cứu nhằm đưa ra một kết quả tốt đẹp cho môi trường và công bằng đối với cư dân bị ảnh hưởng. Một phương án tồi cần phải được thay thế dù nó có làm bớt đi một ít tiền trong túi của một số người.
Bình luận (0)