Liên quan đến việc Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh Tiền Giang “giải cứu” gần 125 m3 gỗ lậu, mới đây, nguồn tin Báo Người Lao Động cho biết Thanh tra Chính phủ đã kết luận vụ việc là có thật. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang không xử lý kỷ luật người nào. Ngoài ra, việc CCKL “giải cứu” gỗ lậu cũng đã được Công an tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC44) vào cuộc. Xung quanh vấn đề này, nhiều luật sư, điều tra viên cho rằng đã có dấu hiệu của hành vi tham nhũng.
Trả đũa người tố cáo
Bức xúc trước việc CCKL “giải cứu” gỗ lậu, ông Trần Hữu Phúc (thợ mộc, ngụ huyện Cai Lậy) đã âm thầm thu thập hồ sơ tố cáo (Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin). Sau đó, ngày 2-11-2013, ông Phúc mua của Công ty TNHH Rực Sáng (TP HCM) 6,8 m3 gỗ gõ mật xẻ hộp thuộc nhóm IIA, được xuất hóa đơn đầy đủ nhưng bị cơ quan chức năng kiểm tra, đưa cả xe và gỗ về CCKL tỉnh Tiền Giang tạm giữ.
Ông Phúc mang hồ sơ chứng từ liên quan và hóa đơn bán hàng của Công ty Rực Sáng nộp CCKL tỉnh Tiền Giang nhưng cán bộ không nhận. Ngày 27-12-2013, chi cục lập biên bản vi phạm hành chính về quản lý lâm sản với số lượng gỗ này. Từ đề xuất của chi cục, ngày 8-1-2014, bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ký quyết định xử phạt ông Phúc 150 triệu đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ số gỗ. Tuy nhiên, ông Phúc đã được TAND Tối cao tuyên thắng kiện UBND tỉnh.
Theo kết luận thanh tra do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Cẩn ký, CCKL tỉnh Tiền Giang đã có ít nhất 3 vụ “giải cứu” gỗ lậu. Theo đó, vụ thứ nhất vào ngày 21-11-2013, Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra xe tải BKS 63C-023.28 do tài xế Phạm Văn Thuận điều khiển chở 35 m3 gỗ xẻ hộp nhóm III, IV. Ông Thuận xuất trình một bộ hồ sơ gồm hóa đơn và bảng kê lâm sản do một hạt kiểm lâm của tỉnh Đắk Lắk ký nhưng xác nhận cho xe BKS 63C-007.89. Theo ông Thuận, số gỗ này của bà Huỳnh Thanh Tuyền (ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Qua điều tra, Công an tỉnh Tiền Giang xác định: “Hồ sơ vận chuyển không phải là bộ hồ sơ của lô gỗ trên xe 63C-023.28”.
Khi được Công an tỉnh Tiền Giang bàn giao vụ việc, ông Nguyễn Thanh Trúc, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động, đã mời công an chứng kiến, kiểm tra số gỗ thực tế trên xe là loại gì và lập biên bản, kết luận: “Có 163 hộp gỗ được kiểm tra thực tế không đúng với hồ sơ”. Tuy nhiên sau đó, chính ông Trúc lại “giải cứu” lô gỗ lậu này bằng cách mời 3 thợ cưa đến giám định rồi kết luận chỉ có 3,791 m3 là gỗ lậu nên tịch thu, phạt bà Tuyền 40 triệu đồng; số còn lại được “hoàn khổ chủ”. Về vụ này, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định 3 thợ cưa Huỳnh Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thành, Nguyễn Bá Tòng chỉ là tài xế, lơ xe và chữ ký trong biên bản giám định cũng không phải của họ.
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ ngoài vụ này, CCKL còn “giải cứu” 2 vụ khác và được ông Cẩn kết luận: “CCKL để lọt tội khi xử lý vi phạm gây thất thu cho nhà nước 250 triệu đồng và gây thiệt hại cho nhà nước hơn 77 triệu đồng”.
Có dấu hiệu phạm tội
Mặc dù ký kết luận CCKL đã bỏ lọt tội khi “giải cứu” gỗ lậu nhưng trả lời đơn tố cáo của ông Trần Hữu Phúc, ông Nguyễn Thanh Cẩn lại cho biết khi thông qua kiểm điểm, ông Trúc có nêu rõ khuyết điểm trong bản tự kiểm là chưa đúng trình tự thủ tục xử lý hành chính; bản thân chủ quan kiểm tra không kỹ dẫn đến tình trạng sai số về khối lượng gỗ, chưa có kinh nghiệm... và đặc biệt là bị áp lực từ bên ngoài... Từ đó, ông Phúc tự nhận hình thức kỷ luật là... khiển trách. Tuy nhiên, khi bỏ phiếu kín thì có 12/14 người biểu quyết không kỷ luật.
Nói về việc này, luật sư Nguyễn Thành Tài, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang, cho rằng việc CCKL “giải cứu” 125 m3 gỗ lậu là có dấu hiệu của tội phạm được quy định tại điều 281 Bộ Luật Hình sự về việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Còn nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được việc người “giải cứu” gỗ lậu có nhận tiền thì có dấu hiệu của tội “Nhận hối lộ”... “Theo tôi, việc “giải cứu” gỗ lậu này không đơn thuần là do trình độ non kém mà phải có vấn đề gì đó” - luật sư Tài nhận định.
Theo một điều tra viên Công an tỉnh Tiền Giang, bản thân ông Trúc và nhiều người khác đã có đến 3 lần “giải cứu” gỗ lậu thì việc nại lý do “non kém nghiệp vụ” là điều khó chấp nhận. “Ở vụ này, cơ quan có thẩm quyền phải làm rõ xem ông Trúc giải trình có áp lực từ bên ngoài là áp lực gì? Áp lực đó từ đâu?” - điều tra viên này đặt vấn đề. Theo điều tra viên này, việc CCKL “giải cứu” 125 m3 gỗ lậu từ xử phạt hình sự sang xử phạt hành chính cho thấy đã có dấu hiệu của hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.
Bình luận (0)