Tên tuổi Vương Thúy Kiều vang dậy từ sau cái chết của Từ Hải. Văn chương, thi từ thời Minh, Thanh đã khiến Thúy Kiều tỏa sáng rực rỡ, trong khi chính sử chỉ hiện diện một cái tên.
Bài thơ tuyệt mệnh
Đề tài về mối duyên tình và kết cục bi thương giữa một tướng cướp lừng danh với một ca kỹ nổi tiếng đã được khai thác triệt để theo nhiều hướng khác nhau.
Sau “Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt” của Mao Khôn nhắc đến tên họ thị nữ Vương Thúy Kiều, hàng loạt tác phẩm như truyện “Vương Kiều Nhi” của Vương Thế Trinh, “Ngu Sơ tân chí” của Trương Triều, “Bại thuyết” của Tống Khởi Phụng, “Vương Thúy Kiều truyện” của Dư Hoài... đều xoay quanh chuyện ân oán tình thù của bộ ba Từ Hải - Vương Thúy Kiều - Hồ Tông Hiến. Cũng kỳ lạ là cùng thân phận thị nữ nhưng Vương Thúy Kiều được Mao Khôn nhắc đến còn Vương Lục Châu thì hầu như không tác phẩm nào đả động tới.
Những tác phẩm trên tựu trung có 3 điểm giống nhau. Một là, xác thực Vương Thúy Kiều là danh kỹ nổi tiếng, người đã khuyên Từ Hải quy thuận triều đình. Hai là, triều đình không giữ lời hứa, ngôn hành bất nhất, tráo trở nuốt lời. Ba là, trước mặt dân nữ Vương Thúy Kiều, đại thần Hồ Tông Hiến hiện hình quỷ quyệt, nhỏ nhen, thô lậu.
Cũng phức tạp như xuất thân và hành trạng, đoạn kết cuộc đời của Thúy Kiều có nhiều thuyết khác nhau nhưng đều là những câu chuyện đẹp. Sau khi Từ Hải tử trận, Thúy Kiều bị bắt đưa về chỗ Hồ Tông Hiến. Chính tại đây, sức tưởng tượng của văn nhân được phát huy hết mức.
Truyền thuyết phù hợp tâm trạng và được lòng nhiều người nhất là Thúy Kiều xin Hồ Tông Hiến cho an táng Từ Hải. Tông Hiến không cho, nàng xin xuống tóc làm ni cô vẫn không được chấp thuận. Tông Hiến tổ chức ăn mừng thắng trận lại ép Thúy Kiều ra đàn hát mua vui, trêu hoa ghẹo nguyệt, sau nghĩ xấu mặt vì “phương diện quốc gia” mới buộc nàng làm vợ người khác.
Đối tượng bắt Thúy Kiều phải lấy thì các tác phẩm viết khác nhau. Có chỗ nói là La Long Văn, có thuyết nói Từ Vị hoặc tiểu tốt hoặc tù trưởng… nhưng chung một điểm: Thúy Kiều từ chối. Nàng nói với Hồ Tông Hiến: “Ngài giết người quy thuận, thiên lý để ở đâu?”. Nàng vọng ra biển, khóc rằng: “Minh Sơn, ta đã phụ chàng!” rồi viết một bài thơ tuyệt mệnh: “Kiến kỳ hải thượng độc xưng tôn/ Vị thiếp đầu thành bái kích môn/ Thập lý anh hồn như bất muội/ Dữ quân yên nguyệt bạn hoàng hôn”. (tạm dịch: Dựng cờ trên biển lập riêng bang/ Bởi nghe lời thiếp chịu quy hàng/ Mười dặm hồn thiêng như thấu hiểu/ Cùng nhau trăng khói chốn hoàng hôn). Sau đó, Thúy Kiều nhảy xuống sông tự trầm.
Niềm cảm hứng của văn nhân
Ở góc độ triều đình nhìn nhận, Thúy Kiều là người lập đại công trong việc tiêu diệt tập đoàn hải khấu Từ Hải và nàng ý thức được chuyện đó.
Truyện “Vương Kiều Nhi” đã chép: “Đốc phủ lệnh cho Kiều ca hát rồi dâng rượu. Chư quan tướng đều đứng dậy chúc mừng. Đốc phủ rượu say tâm động, cầm giáo múa rồi đùa cợt Kiều Nhi. Đến đêm khuya, tiệc đại loạn. Sáng ra, đốc phủ hối hận chuyện hôm qua, vì Kiều Nhi có công lớn nên không nỡ giết, bèn đem ban cho tù trưởng Vĩnh Thuận. Kiều Nhi theo tù trưởng Vĩnh Thuận, đi thuyền đến Tiền Đường, lòng đau buồn mà than rằng: “Minh Sơn đối xử hậu với ta, ta vì việc nước mà hại chàng, giết một tù trưởng để lấy một tù trưởng khác, ta còn mặt mũi nào mà sống?”. Nửa đêm, Kiều nhảy xuống sông mà chết”.
Tác giả Vương Thế Trinh bàn rằng: “Kiều Nhi là phận ca kỹ mà có thể phân minh thuận nghịch. Thân hãm ở nơi bất trắc, lại diệt giặc báo quốc, thật là hạng nữ liệt vậy. Thái sử công nói “Họa sinh ra từ ái thiếp”, lời ấy quả đúng với Từ Hải. Còn Kiều chết để báo Hải cũng giống như Lục Châu nhảy lầu báo ân Thạch Sùng ngày trước vậy”.
Nhà Minh bị diệt, nhà Thanh lên thay, triều đại thay đổi ảnh hưởng không nhỏ đến địa hạt văn chương. Hình tượng Vương Thúy Kiều ngày càng được các văn nhân chuyển hóa đa dạng, đa sắc để ký thác tâm tình. Trong đó, “Hổ phách chủy” của Diệp Trĩ Bùi, “Thu hổ khâu” của Vương Lung lấy quá trình luân lạc làm kỹ nữ của Thúy Kiều để phản ánh hiện thực xã hội như quan lại tham tàn vô pháp, đạo đức thị dân băng hoại. Tác giả cũng bày tỏ sự đồng tình và ký thác tư tưởng cứu thế ở nhân vật phản kháng Từ Hải.
Cái chết của Thúy Kiều là nguồn cảm hứng để các văn nhân gửi gắm nỗi niềm khi quốc gia thay ngôi đổi chủ. Trong “Vương Thúy Kiều truyện”, học giả Dư Hoài đã tán thán về sự quyên sinh của Thúy Kiều: “Than ôi! Thúy Kiều lấy cái chết để báo Từ Hải, quả là gieo Thái Sơn nhẹ như lông hồng… Con người coi trọng cái chết, kẻ kia là ca kỹ mà còn biết điều đó, vậy mà bọn sĩ phu lại không biết, tại sao thế? Đáng buồn thay!”.
Nàng Kiều sống lại
Đến thời kỳ Khang Hy (có thuyết nói Thuận Trị), Thanh Tâm Tài Nhân đã hoàn chỉnh bộ tiểu thuyết chương hồi “Kim Vân Kiều truyện”, còn gọi là “Song kỳ mộng” hay “Song hòa hoan”, đầy đủ bi - hoan - ly - hợp, được xem là “tài tử thư”. Tại đây, mối quan hệ của Thúy Kiều mở rộng ra: quan hệ gia đình thì thêm Thúy Vân, Vương Quan; quan hệ tình cảm thì thêm Kim Trọng, Sở Khanh; quan hệ xã hội thì thêm Hoạn Thư, Giác Duyên... Khác với những tác phẩm trước - thường kết thúc ở cái chết của Thúy Kiều, “Kim Vân Kiều truyện” cho nàng sống lại nhờ sư cô Giác Duyên cứu, để rồi sau đó tái hồi Kim Trọng, gia đình đoàn viên với một kết cục có hậu.
Đến nay, vẫn không có tài liệu nào khẳng định Thanh Tâm Tài Nhân là ai vì đây chỉ là bút hiệu xưng mình là “khách đa tình” (chữ Thanh ghép với bộ Tâm thành chữ Tình). Phần lời tựa chỉ ghi “Thiên Hoa Tàng chủ nhân ngẫu đề”, cũng không rõ tung tích người đề tựa.
Kỳ tới: Hồ Tông Hiến hàm oan, chết trong ngục
“Tình” và “khổ”
Theo lời bàn của Kim Thánh Thán thì chủ đề của “Kim Vân Kiều truyện” là nói về “tình” và “khổ”: “Chữ tình là một đại kinh, tức sợi dây lớn chạy dọc cả một thiên. Chữ khổ là một đại vĩ, tức sợi dây lớn chạy ngang cả một thiên. Nhưng tình phải chờ có cảnh mới sinh, khổ phải đợi có cơ hội ngộ mới nảy. Vậy nên, khi mở cuốn truyện, người ta không thể nhìn qua một lượt mà thấy rõ được”.
Bình luận (0)