Trong giai đoạn 2015-2020, sẽ đầu tư xây dựng Nhà máy Nước mặt Sông Hậu I (khu vực Tân Thành - Cần Thơ) để phục vụ cho Tây sông Hậu, hành lang ven biển Đông. Nhà máy Nước mặt sông Hậu I công suất 500.000 m3/ngày và có khả năng tăng lên 1 triệu m3/ngày khi có nhu cầu. Nhà máy Nước mặt Sông Hậu II (khu vực Long Xuyên, An Giang) công suất 1 triệu m3/ngày và có khả năng tăng lên 2 triệu m3/ngày khi có nhu cầu. Nhà máy Nước mặt Sông Hậu II phục vụ cho khu vực vùng bán đảo Cà Mau, hành lang biển Tây và hỗ trợ Nhà máy Nước mặt Sông Hậu I khi nước mặn vượt qua cầu Cần Thơ. Ngoài ra, còn có Nhà máy Nước mặt Sông Hậu III và IV cấp nước cho các khu vực còn lại và một phần phía Tây Nam TP HCM.
ThS Nguyễn Hữu Thiện cho rằng việc xây dựng các nhà máy nước ngọt tập trung là cần thiết nhưng chỉ nên sử dụng để cấp nước sinh hoạt cho người dân. Nếu kham cả nước cho sản xuất thì chi phí đầu tư quá lớn, trong khi nước cho sản xuất có nhiều cách để khai thác hiệu quả hơn. Theo ông Thiện, khu vực ven biển các địa phương ĐBSCL có thể chia làm 3 vùng: Vùng mặn quanh năm thích nghi với việc nuôi tôm rừng, thủy sản dưới tán rừng. Vùng chuyển tiếp có 6 tháng mặn và 6 tháng ngọt, hiện người dân địa phương trồng lúa luôn trong mùa mặn (mùa khô), tiêu tốn một lượng nước rất lớn nhưng sản lượng không cao. Vì thế, ở vùng này nên trồng lúa vào 6 tháng ngọt và 6 tháng mặn để nuôi tôm. Vùng ngọt quanh năm thì có thể trồng lúa nhưng cũng nên trồng 2 vụ để cho đất “nghỉ ngơi và hồi phục” thay vì trồng 3 vụ như hiện nay.
“Biến đổi khí hậu rất khó lường, không nên lấy năm nay làm thước đo để đưa ra các giải pháp mà cần nhìn tổng thể và lâu dài. Cách thích ứng khôn ngoan nhất chính là nương theo nó mà thay đổi linh hoạt chứ không nên đóng khung nhất định vào một giải pháp” - ông Thiện nói.
ThS Kỷ Quang Vinh cho rằng tránh làm các công trình tập trung không hiệu quả như các công trình ngọt hóa trước đây vì sẽ mất rất nhiều đất, tốn tiền đầu tư và thủ tục vận hành phức tạp mà nền kinh tế tại chỗ cũng như trình độ nhân viên chưa đáp ứng được. Thay vào đó, nghiên cứu cải tạo hệ thống kênh rạch hiện có để trữ nước lũ dùng cho mùa khô.
“Nên học tập kinh nghiệm từ Hà Lan để xây dựng hệ thống đê biển, đê nội đồng theo thiết kế “chủ động quản lý nước”, linh động mở rộng không gian cho nước để chống lũ. Bên cạnh đó, có thể cải tạo hệ thống đường bộ hiện có làm các đê bao cấp tỉnh và cấp huyện. Ngoài ra, nghiên cứu lọc sạch nước mưa, nước lũ để bổ cập nhân tạo nguồn nước ngầm. Phải xác định nước ngầm là nguồn dự trữ chiến lược, chỉ được dùng trong những năm thiên tai như năm nay và bổ cập đầy đủ” - ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, Chính phủ nên nghiên cứu thêm về công nghệ khử muối thành nước ngọt mà Singapore và Israel đang áp dụng. Các nhà máy sử dụng công nghệ mới ít tốn năng lượng, hiệu suất xử lý đến 80%-90%. Giá thành 1 m3 nước ngọt tại Singapore hiện khoảng 7.000 đồng và tại Israel khoảng 10.000 đồng. “Lúc bình thường, các nhà máy này vẫn hoạt động bằng nước ngọt (sẽ chậm thay bộ phận lọc), khi nước mặn thì xử lý mặn chứ hoàn toàn không phụ thuộc nguồn nước” - ông Vinh thông tin.
Bình luận (0)