Ngày 6-12, HĐND TP HCM khóa IX đã khai mạc kỳ họp thứ 3. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận nhiều vấn đề như: ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế…
Bảo đảm an sinh xã hội
Báo cáo tại kỳ họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, cho biết năm 2017, TP sẽ thực hiện các mục tiêu: Nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, kiềm chế và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao chất lượng sống của nhân dân; cải cách hành chính mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thực hành tiết kiệm, sử dụng ngân sách hiệu quả; mở rộng hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giảm tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. “TP sẽ ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bố trí gói đầu tư 2.000 tỉ đồng cho chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học - công nghệ. Phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, chăm lo đời sống cho nhân dân…” - ông Phong thông tin.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, trong 10 tháng đầu năm 2016, TP không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. Tuy nhiên, tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ: Xảy ra tổng cộng 3.236 vụ tai nạn giao thông làm chết 664 người và bị thương 2.627 người.
Trước tình hình đó, TP đã đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; tổ chức khai thác hiệu quả hệ thống giao thông hiện hữu; tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện, sát hạch, cấp phép lái xe…
Vẫn còn án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan
Báo cáo thẩm tra công tác xét xử của TAND TP, công tác kiểm sát của VKSND TP, ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, cho biết trong năm 2016, tỉ lệ án trả hồ sơ giữa các cơ quan tố tụng là 13,1% (chỉ tiêu là 6%). Trong khi đó, chất lượng giải quyết án được nâng cao nhưng vẫn còn án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán.
Trong năm 2016, VKSND TP giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đạt tỉ lệ 88,3% (chỉ tiêu là 90%); giải quyết án đạt tỉ lệ 75% (chỉ tiêu là 80%); hủy 193 quyết định khởi tố bị can không có căn cứ; ban hành 10 kiến nghị yêu cầu cơ quan hữu quan có biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng; trực tiếp kiểm sát 74 cuộc tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam và đã phát hiện 1 trường hợp chết do tự tử, 2 trường hợp bỏ trốn (đã bắt lại được 1), 22 trường hợp quá hạn tạm giữ. “TAND 2 cấp của TP đã thụ lý 56.916 vụ việc các loại, giải quyết 55.069 vụ; có 366 bản án, quyết định bị hủy, trong đó do lỗi chủ quan là 166 vụ. Về công tác xét xử án hình sự, TAND 2 cấp đã thụ lý 8.422 vụ, xét xử được 8.404 vụ, vượt gần 5% so với chỉ tiêu của TAND Tối cao đề ra” - ông Danh nói.
Tính lại trợ giá xe buýt
Tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu đề cập chất lượng xe buýt, thái độ của nhân viên, tài xế khiến hành khách không hài lòng. Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy (quận Thủ Đức) cho biết xe buýt không phải là vấn đề mới nhưng nhiều người rất quan tâm đến chất lượng dịch vụ và tính hiệu quả của chương trình trợ giá. Những năm gần đây, tỉ lệ người đi xe buýt liên tục giảm, trong khi ngân sách TP phải chi hơn 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Bà Thúy cho rằng đầu tư như vậy là không hiệu quả và đặt vấn đề: “Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã khảo sát và tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng trên hay chưa?”.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, cho biết trong thời gian qua, đơn vị đã tổ chức hội nghị đánh giá về thực trạng và tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư trợ giá và tỉ lệ người dân đi xe buýt. “Hiện học sinh, sinh viên, công nhân là nhóm chính đi xe buýt. Trong năm 2016, sở cũng đầu tư đổi mới xe buýt, tăng cường giám sát chất lượng dịch vụ. Đến nay, TP đã có hơn 1.200 xe buýt được lắp đặt camera để phục vụ công tác giám sát, quản lý. Trong thời gian tới, tập trung triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xe buýt” - ông Cường nói.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu Sở GTVT phải chuẩn bị nội dung để giải trình với đại biểu trong phiên họp ngày 7-12. Theo Chủ tịch HĐND TP, hằng năm, TP đầu tư hơn ngàn tỉ đồng cho trợ giá xe buýt nhưng không mang lại hiệu quả. “Mấy năm trở lại đây, tỉ lệ người dân đi xe buýt giảm, trong khi kinh tế eo hẹp mà đầu tư thế này thì rất khó” - bà Tâm nhấn mạnh.
Cử tri quan tâm nạn tham nhũng
Trong khoảng 100 kiến nghị gửi đến kỳ họp, rất nhiều cử tri phản ánh về tình trạng tham nhũng, lãng phí và “xe dù, bến cóc”. Cùng với đó, cử tri cũng đề nghị TP HCM có giải pháp khả thi để giải quyết ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm môi trường…
Theo cử tri, người dân hiện rất quan tâm đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đảng và nhà nước cũng nhìn nhận nạn tham nhũng ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được hiệu quả cao, việc kê khai tài sản của cán bộ - công chức không được công bố để người dân giám sát. Ngoài ra, cử tri còn kiến nghị chọn 1 ngày trong năm làm ngày “Toàn dân tham gia phòng chống tham nhũng” nhằm nâng cao vai trò giám sát của các đoàn thể và nhân dân.
Khai mạc HĐND nhiều địa phương
Hà Nội thông qua các nghị quyết, tờ trình
Sáng cùng ngày, HĐND các TP Đà Nẵng, Cần Thơ và tỉnh Quảng Nam đã khai mạc.
- Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh thẳng thắn nêu ra những mặt chưa đạt như công tác quy hoạch; tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng, xây dựng trái phép chưa có giải pháp căn bản để xử lý dứt điểm; công tác cải cách hành chính vẫn còn chậm, sự vào cuộc của các cấp chính quyền chưa quyết liệt…
Các cử tri kiến nghị với HĐND TP Đà Nẵng các vấn đề lớn, gồm: Thu hồi các khu đất trống để tránh tình trạng mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường; sớm xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Hòa Nhơn; cần có chính sách hỗ trợ về phát triển nông nghiệp bền vững.
Ban Pháp chế HĐND TP cho rằng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản được giữ vững. Tuy nhiên, tội phạm giết người gia tăng làm ảnh hưởng đến chủ trương “5 không”, “3 có”, “4 an” của TP.
- Theo báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam, năm 2016, địa phương thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay với 19.450 tỉ đồng, đạt 145,2% so với dự toán trung ương giao, 140,5% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Đáng chú ý, sau một thời gian dài “chây ì” trả nợ thuế, từ khi đi vào hoạt động trở lại từ tháng 8 đến nay, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn đã trả nợ thuế đúng với cam kết. Hiện tại, công ty vẫn đang nợ thuế hơn 270 tỉ đồng và phải trả trong vòng 9 tháng tới.
- Nhiều cử tri tại các quận Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền của TP Cần Thơ rất bức xúc khi vừa qua, hàng loạt tuyến đường huyết mạch ở địa phương xuống cấp nghiêm trọng, điển hình là Quốc lộ 61C đoạn từ cầu Ba Láng đến dốc cầu Trầu Hôi. Cử tri đề nghị những tuyến đường này cần được sửa chữa, nâng cấp kịp thời vì lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông, tiềm ẩn tai nạn.
- Trong sáng 6-12, tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội khóa XV, Nghị quyết về dự án, công trình trọng điểm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của TP và danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương đã được thông qua. Theo đó, TP đã rà soát và đề xuất danh mục dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 với tổng số công trình trọng điểm là 52 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 503.374 tỉ đồng, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 khoảng 217.468 tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị có 38 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 452.239 tỉ đồng.
HĐND TP cũng thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2017; Tờ trình về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP năm 2017.
H.Dũng - Tr.Thường - C.Linh - T.Dương
Bình luận (0)