xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải tỏa trắng toàn bộ hành lang Quốc lộ 1, 1A

Tô Hà

Bắt đầu từ quý I năm nay, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện chiến dịch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ dọc theo Quốc lộ 1. Đây là bước khởi đầu của một kế hoạch kéo dài từ nay đến năm 2020 nhằm lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt

Để bảo đảm công trình đường bộ được bền vững, khai thác có hiệu quả và an toàn, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải giữ vững hành lang an toàn đường bộ (ATĐB). Thế nhưng trong thực tế, hành lang ATĐB lại trở thành nguồn lợi sẵn có được nhiều tổ chức, cá nhân, thậm chí cả chính quyền địa phương dọc các tuyến quốc lộ (QL) đi qua khai thác triệt để. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tình hình lấn chiếm hành lang ATĐB ngày càng gia tăng khiến việc quản lý, bảo vệ công trình giao thông nói chung và công trình đường bộ nói riêng ngày càng có chiều hướng xấu đi.

Đô thị hóa quốc lộ

Theo Bộ GTVT, đặc điểm giao thông ở VN là ở đâu có đường, ở đó có nhà dân, thậm chí có cả nhà máy, khu công nghiệp. Do bị xâm hại nghiêm trọng hành lang ATĐB, các QL huyết mạch như QL 5 (Hà Nội- Hải Phòng), QL 1A hiện nay đã không còn là trục QL của vùng kinh tế Đông Bắc hoặc trục dọc quốc gia vì đã cơ bản bị đô thị hóa. Hệ quả là hai QL này đều bị giảm tốc độ xe chạy, tăng tai nạn giao thông nên hiệu quả khai thác công trình giảm đáng kể, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. QL 5 dài 106 km, quy mô 4-6 làn xe. Khi mới đưa vào khai thác, xe 4 chỗ chạy chỉ mất hơn 1 giờ nhưng hiện nay mất hơn 2 giờ. Trên QL 1A (tổng chiều dài 2.300 km) cả 30 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có QL 1A đi qua đã lấy QL này làm đường trục khi quy hoạch 130 TP, thị trấn, thị xã (chưa kể khu dân cư chưa xếp loại đô thị). Tổng chiều dài bị đô thị hóa trên tuyến QL 1A đã lên tới 550 km, chiếm 24% chiều dài toàn tuyến, khiến Nhà nước phải chi một lượng lớn ngân sách và mất thêm đất để làm đường tránh. Tuy nhiên, ngay cả các đoạn đường tránh này cũng tiếp tục bị đô thị hóa sau khi được xây dựng xong. Tính đến năm 2006, trên QL 1A đã có 5.666 khu công nghiệp, khu dân cư, cây xăng và công trình xây dựng trên hành lang ATĐB (theo quy định, hành lang ATĐB của QL 1A phải đạt 15 m). Trong đó có 194 khu công nghiệp, 2.001 khu dân cư, 1.008 cửa hàng xăng dầu và 2.363 công trình khác càng làm hạn chế tầm nhìn của lái xe. Tổng diện tích các công trình vi phạm lên đến 20.092.540 m2, trong đó không hợp pháp 6.346.761 m2.

“Giải tỏa trắng” hành lang 7m

Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN, ông Ngô Quang Đảo, cho biết chiến dịch giải tỏa vi phạm hành lang ATĐB chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn I từ tháng 3 đến hết tháng 6-2008, Bộ GTVT phối hợp với các địa phương có QL1A đi qua giải tỏa trên 4 đoạn tuyến, gồm Hà Nội – Ninh Bình; Vinh – Huế; Đà Nẵng – Nha Trang; Ninh Thuận – TPHCM. Tinh thần của cuộc ra quân này là “giải tỏa trắng” các công trình nằm trong trong phạm vi 7 m của hành lang ATĐB (kể cả vi phạm và không vi phạm), không châm chước, nể nang bất cứ trường hợp nào. Những công trình có giấy tờ hợp pháp trước năm 1999 sẽ được lập hồ sơ cụ thể để được đền bù theo quy định và bố trí tái định cư cho người dân đến nơi cư trú mới. Chủ công trình thuộc diện được đền bù phải có đủ bốn chữ ký của chính quyền địa phương, cảnh sát khu vực, thanh tra giao thông và công ty quản lý đường bộ trong biên bản. Những công trình vi phạm sau mốc năm 1999 sẽ không được đền bù. Cá nhân, tổ chức vi phạm phải tự tháo dỡ và được hỗ trợ máy móc cho việc san ủi, trả lại mặt bằng. Nếu không tự tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế.

Với những nhà cửa thuộc diện đất thổ canh, thổ cư được cấp từ trước năm 1999 đang sử dụng phải được thống kê, lập kế hoạch áp giá đền bù, di dời cụ thể. Đất sau 1999, nếu vẫn được cấp sổ đỏ thì địa phương phải chịu trách nhiệm vì đã vi phạm Nghị định 172/NĐ-CP, phải thu hồi sổ đỏ đã cấp sai.

Giai đoạn II, từ quý III/2008 đến năm 2010 sẽ triển khai giải tỏa trên toàn tuyến QL 1A. Giai đoạn III, từ năm 2009 đến 2020 đền bù, giải tỏa xong hành lang ATĐB trên tất cả các tuyến QL toàn quốc và hoàn thành cắm đầy đủ mốc lộ giới, bàn giao cho địa phương quản lý.

“Phân vai” chưa chuẩn

Theo Cục Đường bộ VN, các văn bản pháp luật về giao thông đường bộ nói chung và về quản lý, bảo vệ hành lang ATĐB đã được ban hành từ rất sớm và có hệ thống nhưng kết quả thực hiện chưa được duy trì do khâu tổ chức thực hiện và kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Cục trưởng Cục Đường bộ VN, ông Mai Văn Đức, cho biết đây là nhiệm vụ nặng nề với áp lực về nhiều mặt đối với các đơn vị quản lý đường bộ cũng như các chính quyền địa phương. Về mặt lý thuyết, ngành giao thông quản lý các công trình cầu đường và dải hành lang ATĐB dọc theo các tuyến đường nhưng trong thực tế quyền hành nằm trong tay chính quyền địa phương. Khi phát hiện sai phạm, Cục Đường bộ VN có văn bản đề nghị địa phương xử lý nhưng chủ yếu họ làm ngơ vì phần lớn công trình vi phạm đều có sổ đỏ hoặc giấy tờ hợp pháp khác do chính quyền địa phương cấp. Chính vì sự “phân vai chưa chuẩn” này mà việc lấn chiếm hành lang ATĐB phổ biến khắp nơi, chỉ riêng kinh phí cho việc giải tỏa trên QL 1 đã lên tới con số ước tính 14.365 tỉ đồng.

Bốn hình thức vi phạm chủ yếu

1. Chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép từ đất nông, lâm nghiệp thành đất thổ cư rồi làm nhà ở, xây nhà máy không theo quy hoạch, ảnh hưởng đến hệ thống cấp thoát nước.

2. Lấn chiếm đất công làm lều quán sát lề đường, làm bãi chứa vật liệu, họp chợ... Nếu chính quyền làm ngơ sẽ chuyển dần quy mô thành nhà xưởng, cửa hàng.

3. Khi làm đường chỉ đền bù giải tỏa phần đất làm đường bộ. Vì vậy diện tích đất còn lại bên mặt đường là đất hợp pháp, có sổ đỏ nhưng lại nằm trong hành lang ATĐB, không thể xử lý được nếu người dân xây dựng nhà cửa.

4. Chính quyền địa phương lấy QL làm trục để cấp đất xây dựng khu công nghiệp, dân cư không theo quy hoạch, tạo ra các đường đấu nối dày đặc, giao cắt bất hợp lý...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo