Chiều 12-5, ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã nhận được công văn đề nghị của Sở Xây dựng tỉnh này liên quan đến việc điều chỉnh dự án Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao (dự án Nha Trang Sao).
Chỉ là giải pháp thi công!
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi bị phạt 200 triệu đồng vì đổ đất lấn trái phép 2,3 ha ở vịnh Nha Trang, Công ty CP Nha Trang Sao đã hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh phương án thiết kế kiến trúc quy hoạch và hồ sơ thi công tuyến kè của dự án gửi Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa.
Theo phương án điều chỉnh, diện tích sử dụng của toàn dự án là 103.568 m2 không đổi. Tuy nhiên, phần mặt nước từ 59.416 m2 chỉ còn 50.240 m2; diện tích 9.176 m2 mặt nước còn lại chủ đầu tư xin bổ sung làm bãi cát, bãi tắm công cộng. Khu công viên, chủ đầu tư xin tăng từ 1 lên 4 cầu tàu.
Đặc biệt, về diện tích 2,3 ha mặt biển bị lấn trái phép trước đây, chủ đầu tư xin được dùng làm đê quai và kè tạm phục vụ công tác ngăn dòng để thi công tuyến kè chính. Sau đó phá bỏ phần đất đá trên diện tích lấn biển để hoàn trả mặt nước và cải tạo thành bãi tắm (9.176 m2 kể trên). Bên cạnh đó, phương án thi công tuyến kè của dự án cũng đề nghị phạm vi mái taluy của tuyến kè chính nằm ngoài ranh giới khoảng 4,4 m về phía biển.
“Chúng tôi không xin thêm diện tích của dự án mà chỉ cụ thể hóa một phần diện tích mặt biển trước đây được tỉnh Khánh Hòa giao làm bãi tắm nhưng không nói rõ đổ cát ra bao nhiêu mà thôi” - ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc điều hành Công ty CP Nha Trang Sao, giãi bày. Theo ông Dũng, việc xin dùng bờ kè lấn biển để làm giải pháp thi công sẽ được dọn dẹp sau khi hoàn thành việc xây dựng bờ kè chính.
Hợp thức hóa sai phạm?
Trong công văn của Sở Xây dựng gửi UBND tỉnh Khánh Hòa đã nêu rõ: Thống nhất việc bổ sung 1 bãi tắm 9.176 m2 cũng như một số điều chỉnh của dự án. “Thống nhất cho phép chủ đầu tư tận dụng phần đất đã đổ lấn ra phía biển ngoài ranh giao đất làm đê quai và kè tạm, phục vụ công tác ngăn dòng để thi công tuyến kè chính” - công văn của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa nêu.
Về việc chủ đầu tư đề xuất tuyến kè với phạm vi lấn ra khỏi ranh giới giao đất 4,4 m, công văn của Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND tỉnh “xem xét việc giao thêm một phần diện tích làm cơ sở pháp lý về đất đai để có giải pháp xây dựng kè khả thi”.
Trước vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, cho rằng rất bất an nếu cho phép tồn tại thêm hơn 9.000 m2 để làm bãi tắm. “Chủ đầu tư đổ đất đá lấn biển trái phép 2,3 ha, nay lại được đồng ý sử dụng diện tích lấn biển đó chẳng khác gì hợp thức hóa cho sai phạm” - ông Lộc nhận xét. Khu vực mà dự án làm bãi tắm và xây cầu tàu không có cơ sở vì nước rất cạn, khi triều xuống có thể lội qua Hòn Đỏ gần đó. Ông Lộc cũng phản bác việc cho phép công trình khách sạn gần 200 phòng cao khoảng 7,6 m so với đường Phạm Văn Đồng của dự án này vì như vậy sẽ phá vỡ cảnh quan, tầm nhìn nơi đây.
Nhận định về việc này, ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, cho rằng việc có giao thêm diện tích cho dự án Nha Trang Sao hay không thuộc thẩm quyền của sở này. “Hiện chúng tôi chưa nhận được công văn nào của Sở Xây dựng. Chúng tôi chỉ thực hiện theo lệnh của UBND tỉnh mà thôi” - ông Thái nói.
Trong ngày 12-5, phóng viên Báo Người Lao Động đã đăng ký làm việc với lãnh đạo Sở Xây dựng để giải đáp các thắc mắc về việc “hợp thức hóa” này nhưng văn phòng sở cho biết phải đăng ký, hỏi ý kiến trước mới được gặp. Chúng tôi cũng liên lạc nhiều lần với ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa - người ký công văn đề nghị gửi UBND tỉnh về việc điều chỉnh dự án - nhưng ông đã khóa máy.
Từng có tiền lệ
Đây không phải là lần đầu cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa “hợp thức hóa sai phạm”.
Đầu tháng 6-2015, tổ hợp khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa (TP Nha Trang) bị báo chí đề cập và phải tạm dừng thi công vì diện tích xây dựng, tổng mặt bằng và định vị hệ thống trụ thi công thực tế đã thay đổi so với hồ sơ bản vẽ thiết kế kèm theo giấy phép xây dựng đã cấp. Chủ đầu tư là DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên sau đó có đơn xin giao đất bổ sung tại công trình và được UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định cho thuê bổ sung 1.031 m2 đất tại khu dân cư Cồn Tân Lập (phường Xương Huân, TP Nha Trang) đến tháng 11-2062 để tiếp tục xây dựng công trình.
Chậm cưỡng chế nhà 8B Lê Trực và biệt phủ Hải Vân
Ngày 12-5, đại diện UBND phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội xác nhận thời gian gần đây, có một số người đến đề nghị dừng phá dỡ phần sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực (phường Điện Biên) vì cho rằng việc phá dỡ này ảnh hưởng đến những tầng bên dưới họ đã mua. Trước đó, từ ngày 6-3, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã cưỡng chế phần sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực. Đến thời điểm này, diện tích phá dỡ chỉ gần 400 m2/18.000 m2 sàn bê tông tầng 19. Lý giải việc này, ông Nguyễn Cương Quyết - Phó trưởng Phòng Tổ chức, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội - cho rằng chủ đầu tư có đơn xin các cơ quan chức năng thẩm định thêm vì việc cưỡng chế vừa qua ảnh hưởng tới kết cấu chung của tòa nhà.
Đối với biệt phủ trái phép trên đèo Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), ông Ngô Văn Quang, chủ biệt phủ, vừa có đơn xin cho thêm thời gian để hoàn tất việc tháo dỡ. Lý do được đưa ra là chưa bố trí được điểm tập kết tài sản sau khi tháo dỡ. Đến nay, biệt phủ này đã được ông Quang tháo dỡ khoảng 80%. N.Quyết - Tr.Thường
Bình luận (0)