Giám đốc Peace Corps (Chương trình Hoà bình của Mỹ), bà Carrie Hessler-Radelet đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam để chuẩn bị cho sự hiện diện của Peace Corps tại Việt Nam.
Cùng đi với bà Carrie Hessler-Radelet là một số tình nguyện viên của Peace Corps, trong đó phần lớn là giáo viên dạy tiếng Anh, đã từng tham gia hoạt động tình nguyện ở nhiều nơi trên thế giới. Chiều nay 1-11, bà Carrie Hessler-Radelet và những người cùng đi đã có buổi nói chuyện về lịch sử và các chương trình toàn cầu của Peace Corps với hàng trăm học sinh, sinh viên Việt Nam.
Việc Peace Corps vào Việt Nam được chính thức quyết định trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 5-2016. Ngày 24-5-2016, Hiệp định khung về việc Việt Nam cho phép một số tình nguyện viên Mỹ dạy tiếng Anh tại Hà Nội và TP HCM trong khuôn khổ Peace Corps được ký với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Tổng thống Mỹ Barack cho biết ông rất vui mừng là lần đầu tiên Peace Corps sẽ đến Việt Nam. “Những tình nguyện viên Peace Corps của chúng tôi sẽ tập trung vào việc giảng dạy tiếng Anh và tình hữu nghị mà nhân dân chúng ta đã tạo dựng sẽ đưa chúng ta lại gần nhau hơn trong những thập kỷ tới” - Tổng thống Mỹ nói.
Theo bà Hessler-Radelet, một trong những hoạt động trong khuôn khổ chuyến công du của Tổng thống Barack Obama là hai nước đã ký kết Hiệp định khung về việc Việt Nam cho phép một số tình nguyện viên Mỹ dạy tiếng Anh tại Hà Nội và TP HCM trong khuôn khổ “Chương trình Hòa bình” (Peace Corps).
Bà Hessler-Radelet cho biết Việt Nam sẽ là nước thứ 7 ở khu vực ASEAN và là điểm đến thứ 142 trên thế giới có sự hiện diện của các tình nguyện viên Peace Corps.
Đến nay, Peace Corps đã đưa khoảng 220.000 tình nguyện viên Mỹ tới 141 quốc gia (chưa kể Việt Nam) nhằm phát huy hòa bình-hữu nghị trên thế giới thông qua các mục tiêu: đáp ứng nhu cầu của người dân các nước cần sự hỗ trợ của các tình nguyện viên và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người Mỹ và người dân các nước. Tất cả các tình nguyện viên đều phải là người Mỹ, với độ tuổi tối thiểu là 18. Ở ASEAN, đông đảo tình nguyện viên của chương trình này đã có mặt ở Phillippines, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Thái Lan, Campuchia…
Nói về lịch sử của Peace Corps, bà Hessler-Radelet cho hay Peace Corps được thành lập theo một sắc lệnh của cố Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1961. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống 1 năm trước đó, ông Kennedy đã kêu gọi sinh viên các trường đại học ở Mỹ dành 2 năm trong đời để giúp đỡ người dân tại các quốc gia đang phát triển.
Các tình nguyện viên của Peace Corps có nhiệm vụ trợ giúp người dân các nước trên thế giới giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất của họ - từ giáo dục, y tế đến tăng trưởng kinh tế.
Các tình nguyện viên phải tuân thủ luật pháp Việt Nam
Trả lời báo chí về chương trình Peace Corps tại Việt Nam trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết trong chuyến thăm chính thức Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải năm 2005, phía Mỹ đã đề nghị Chính phủ ta cho phép tình nguyện viên vào Việt Nam. Trải qua một thời gian dài trao đổi, thương lượng, đến nay hai nước ký Hiệp định khung cho phép các tình nguyện viên của Chương trình Hòa Bình vào dạy tiếng Anh ở Hà Nội và TP HCM.
Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Hiệp định khung quy định rõ các tình nguyện viên phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, không có bất cứ hoạt động nào xâm hại an ninh Việt Nam và chịu sự quản lý của cơ quan hữu quan Việt Nam. Để triển khai, hai bên cần tiếp tục đàm phán để đạt thỏa thuận thực thi với các nội dung cụ thể, ví dụ số lượng tình nguyện viên, chương trình giảng dạy, ở cơ sở nào…
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cũng cho biết Chương trình Hòa bình của Mỹ là một Chương trình lớn của Chính phủ Mỹ, được Quốc hội cấp ngân sách để thực hiện việc cử tình nguyện viên tới các nước trên thế giới với một chương trình phong phú, trong đó có dạy tiếng Anh. Hiện có 141 quốc gia trên thế giới tiếp nhận chương trình này, trong đó ở khu vực có Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Myanmar…
Bình luận (0)