Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép TKV được bán than cho các nhà máy nhiệt điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bằng với mức giá bán cho các nhà máy thuộc EVN.
Không có cớ gì phân biệt giá
Lý do, theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng Giám đốc TKV, là trước đây, giá bán than cho nhà máy điện trong và ngoài EVN đều cùng một mức. Tuy nhiên, sau khi hiệp thương giá than cho điện vào đầu năm 2017 thì chỉ riêng EVN được áp dụng mức giá thấp hơn.
Hoạt động khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam Ảnh: THẾ DŨNG
Trước khi hiệp thương, EVN đã đề nghị các nhà máy điện của các đơn vị ngoài EVN ủy quyền cho tập đoàn tham gia hiệp thương. Nhưng sau đó, trong hồ sơ hiệp thương lại chỉ quyết định đưa EVN vào và văn bản thông báo giá hiệp thương cũng chỉ đề cập đến EVN nên chỉ riêng tập đàon này được áp dụng giá hiệp thương thấp hơn giá kê khai chung.
Theo ông Trung, không phải TKV "đòi" giảm giá cho các nhà máy điện (trong đó có các nhà máy điện của TKV) mà đề xuất chung cho tất cả nhà máy điện thuộc TKV, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hoặc các nhà đầu tư bên ngoài khác.
"Trước thời điểm hiệp thương, than bán cho các nhà máy điện mặc nhiên một giá. Không có cớ gì thì bây giờ lại phân biệt cả" - ông Nguyễn Hoàng Trung nói.
Thực tế, trước ngày 24-12-2016, giá than cho sản xuất điện chỉ bằng 95,1%-97,4% giá bán than cho các hộ khác trong nước. Sau thời điểm này, thực hiện theo cơ chế thị trường, giá than cho điện tăng từ 2,6%-12% tùy loại, còn tỉ lệ tăng giá bán than cho các hộ khác là từ 3%-9,8%. Tỉ lệ tăng giá bán cho điện cao hơn tỉ lệ tăng của các hộ khác do trước thời điểm này, giá bán cho điện thấp hơn giá bán cho hộ khác. Tuy nhiên, từ ngày 1-3 vừa qua, giá than bán cho sản xuất điện đối với EVN sau khi hiệp thương thấp hơn các hộ khác trong nước từ 1,51%-5,15%.
TKV cho rằng việc này sẽ dẫn đến không đồng nhất khi tính toán giá mua điện của các nhà máy điện do tất cả các nhà máy sản xuất điện đều bán điện cho EVN.
Giá than giảm, giá điện có giảm?
Trước đề xuất này, một đại diện của EVN cho rằng đa số các nhà máy điện than ngoài EVN đang phải mua than với giá cao hơn nhà máy thuộc EVN chính là các nhà máy thuộc TKV. Một số dự án nhiệt điện than khác lại chủ yếu dùng than nhập. Do đó, đề xuất này chủ yếu hướng đến các nhà máy của TKV.
Điều đáng nói, hiện nay, EVN đang sử dụng một số loại than có giá thành cao hơn loại than được sử dụng cho các nhà máy của TKV. Đại diện TKV cũng thừa nhận khi xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, TKV đã tính đến chuyện sử dụng công nghệ phù hợp với loại than có phẩm chất thấp hơn - loại vốn không được EVN sử dụng cho công nghệ họ chọn. Như vậy, việc này đã tránh được tình trạng các nhà máy của EVN và TKV cùng sử dụng một loại than dẫn đến thiếu nguồn cung, trong khi các loại than khác thì tồn kho, không tiêu thụ được. Cũng tức là, việc TKV đề xuất giá bán của cùng một loại than cho các nhà máy phải bằng nhau sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với các nhà máy thuộc 2 chủ đầu tư lớn nhất nước là TKV và EVN vì 2 tập đoàn không "đụng" nhau về chủng loại than sử dụng.
"Nếu TKV có giá bán thấp hơn cho các nhà máy điện ngoài EVN thì đương nhiên giá bán điện của các nhà máy đó cho EVN phải hạ xuống. Nếu chỉ hạ chi phí đầu vào mà giá điện không hạ thì buộc chúng tôi phải xem xét lại và đề nghị đàm phán lại giá điện" - đại diện EVN cho hay.
Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Hoàng Trung cho rằng bản thân TKV không có lợi ích hay thiệt hại gì về việc này. Bởi theo quy định về mua bán điện thì giá các nhà máy điện bán cho tổng công ty mua bán điện phụ thuộc giá than đầu vào. Khi đó, nếu mua than thấp thì giá điện sẽ được tính thấp còn mua than cao thì giá điện tính cao.
Các chuyên gia cho rằng kết quả hiệp thương giá than với ngành điện đã giúp chi phí đầu vào tính vào giá thành điện giảm đáng kể. Do đó, nếu có thể giảm tiếp giá than cho các nhà máy ngoài EVN thì sẽ là cơ hội để giá thành điện than giảm. Như vậy, áp lực lên giá điện bán lẻ sẽ giảm đi phần nào. Tuy nhiên, việc này cần phải tính toán và kiểm soát chặt chẽ để tránh lợi ích rơi vào tay các tập đoàn kinh tế, còn người dân không được hưởng lợi.
Bình luận (0)