Sáng 15-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi “chốt” lại 2 ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIII, đã trả lời hàng chục câu hỏi của các đại biểu (ĐB) QH về các vấn đề tăng trưởng kinh tế; tái cơ cấu kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội; chống tham nhũng; quản lý, giám sát các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước...
Đã vượt qua thời khó khăn nhất
Là một trong những ĐB đầu tiên chất vấn, ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đặt câu hỏi: “Nền kinh tế liệu có rơi vào suy giảm? Mức độ như thế nào? Đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất hay chưa?”. Cùng mối lo lắng này, ĐB Lê Quang Hiệp (Thanh Hóa) đặt vấn đề kinh tế có dấu hiệu suy giảm, đời sống nhân dân khó khăn, sức mua giảm... Vậy Chính phủ có giải pháp gì?
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ngay rằng hiện kinh tế đất nước đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và có xu hướng phát triển tốt. Ông dẫn chứng quý I, kinh tế tăng trưởng 4%, quý II tăng trưởng cao hơn, đồng thời số doanh nghiệp (DN) phá sản trong tháng 5 ít hơn, hàng tồn kho ít hơn. “Chính phủ sẽ phấn đấu điều hành để đạt mức tăng GDP khoảng 6% năm nay, trong khi lạm phát ở mức 7%-8%” - Phó Thủ tướng quyết tâm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Kinh tế đất nước đã vượt qua
giai đoạn khó khăn nhất và có xu hướng phát triển tốt. Ảnh: THẾ DŨNG
Minh bạch các tập đoàn
Không hài lòng với trả lời trước đó tại QH của nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc là “bộ vô can” trong thất thoát tại Vinashin, nay người kế nhiệm là Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nói “bộ không nắm được thất thoát của Vinalines”, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) chất vấn: “Các bộ tổng hợp và quản lý ngành có trách nhiệm gì?”.
Khác với các bộ trưởng nói “vô can” hoặc “không có trách nhiệm”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Có bất cứ tổn thất tài sản nào của Nhà nước, của nhân dân là trách nhiệm của Chính phủ, trong đó có trách nhiệm của các bộ”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng hiện không phải tất cả các quy định của pháp luật về vấn đề này đã rõ ràng nên ngay ngày mai (16-6) Thủ tướng Chính phủ sẽ nghe về nghị định thay thế Nghị định 132 về trách nhiệm quản lý vốn Nhà nước.
Phó Thủ tướng cũng trấn an các vị ĐBQH khi cho biết hiện nợ xấu của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là có nhưng chiếm tỉ lệ không cao trong tổng số nợ xấu trong nền kinh tế.
Hiến kế chống tham nhũng
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) sau khi dẫn ra các vụ PMU18, Vinashin và Vinalines đã chất vấn về trách nhiệm của Chính phủ trong việc phòng chống tham nhũng. Phó Thủ tướng thẳng thắn: “Mỗi thất thoát, mỗi hiện tượng xã hội nào không tốt trong xã hội, một con tàu đang đi ngoài khơi bị chìm đến những máy bay bị nổ đều liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành”. Chính vì vậy, theo ông, Chính phủ sẽ có một chương trình quản lý tốt hơn, có hiệu quả hơn các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước để phát huy nguồn lực quan trọng này trong xây dựng đất nước, chống thất thoát, lãng phí trong thời gian tới.
ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) chất vấn đồng thời “hiến kế” về 3 vấn đề mà theo ông là đột phá chống tham nhũng: Sửa luật về kinh tế để tham nhũng không thể xâm nhập tài sản của Nhà nước và nhân dân; sửa luật lệ về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục bổ nhiệm cán bộ để tham quan ô lại không thể lọt vào bộ máy Nhà nước và ban hành luật trọng dụng nhân tài để thu hút lực lượng cán bộ tinh hoa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy Nhà nước. Phó Thủ tướng nhất trí ngay: “Chính phủ nhất trí và sẽ coi như một sự tiếp thu cần thiết để hoàn chỉnh công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới”.
Không để xảy ra căng thẳng khi thu hồi đất Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) về chính sách thu hồi đất cũng như bảo đảm cho người dân bị thu hồi đất đến nơi ở mới có mức sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại quan điểm di dân, nhất là di dân ở vùng miền núi, dân tộc, những vùng làm đô thị, khu công nghiệp phải có cuộc sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ. “Nhà nước thực hiện phương châm này, không để tình trạng căng thẳng, mâu thuẫn, khiếu kiện đông người xảy ra” - ông cam kết. Phó Thủ tướng cũng cho rằng không vì một số hộ không thực hiện kỷ cương, phép nước mà không thực hiện những định hướng quy hoạch đã được các cấp phê duyệt. “Chúng tôi muốn nói dân chủ, công khai, tạo thuận lợi tối đa cho người dân nhưng những người dân nào cố tình vi phạm, không chấp hành luật pháp quy định trên thái độ cầu thị của chính quyền thì chúng ta có biện pháp cương quyết để giữ kỷ cương phép nước” - ông nêu rõ. |
Tái cơ cấu: Không lo về an sinh xã hội Đối với đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng đề án này còn nhiều nội dung không rõ ràng, thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một mặt tiếp thu ý kiến chỉ những mặt tồn tại của đề án song cũng khẳng định Chính phủ đã rất cố gắng xây dựng đề án và được QH đánh giá là công phu. Ông nêu rõ Chính phủ sẽ bổ sung và có biện pháp để sớm tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, DN và hệ thống ngân hàng thương mại. Giải tỏa băn khoăn của ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) về tác động của tái cơ cấu kinh tế lên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội... Phó Thủ tướng khẳng định: “Tái cơ cấu nền kinh tế sẽ triển khai mạnh mẽ và đồng bộ, có lộ trình tối đa và hạn chế tối đa các vấn đề xã hội phát sinh”. Song ông cũng nhìn nhận rằng sẽ có một bộ phận người lao động mất việc làm sẽ tạo ra các vấn đề xã hội phát sinh.
“Đây là vấn đề rất quan trọng cho nên phải có nguồn ngân sách để xử lý vấn đề này, đó là về giải quyết các vấn đề xã hội trong quá trình tái cơ cấu” - Phó Thủ tướng cam kết.
Nguồn đó, theo ông, là ngân sách của các DN thực hiện tái cơ cấu; quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN; đặc biệt là ngân sách Nhà nước chi cho bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm, đào tạo nghề... “Như Bộ trưởng Bộ Tài chính đã báo cáo trước QH là có chương trình ODA để hỗ trợ công tác tái cơ cấu” - Phó Thủ tướng bổ sung. |
Bình luận (0)