Hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam đã qua 20 năm khai thác an toàn tuyệt đối. Song, chỉ với sự cố chuyển khách nhầm sân bay của hãng hàng không VietJet Air (VJA) hôm 19-6 đã dấy lên mối lo ngại về an ninh, an toàn bay khiến nhà chức trách phải ban bố lệnh giám sát đặc biệt trong vòng 1 tháng.
Ông Hồ Minh Tấn - Trưởng Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay Cục Hàng không Việt Nam, Trưởng Nhóm Điều tra sự cố hạ cánh nhầm của VJA - cho biết cơ quan này đang giám sát toàn bộ công tác bảo đảm an toàn khai thác của VJA và các đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý hoạt động bay, kỹ thuật, bảo dưỡng máy bay, khai thác mặt đất, kể cả các tổ chức huấn luyện đào tạo liên quan. Đội ngũ giám sát gồm 10 cán bộ của Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay và Phòng Quản lý hoạt động bay cùng 18 cán bộ thuộc các cảng vụ hàng không nơi có sân bay mà VJA đang khai thác.
Các sân bay cũng được yêu cầu cử đại diện trưởng cảng vụ cùng giám sát. Tất cả chuyến bay của VJA sẽ có giám sát viên bay cùng để giám sát việc thực hiện quy trình của tổ lái và tiếp viên. Với sự giám sát đặc biệt này, chỉ khi bảo đảm an toàn tuyệt đối thì chuyến bay mới được cất cánh nên không loại trừ khả năng dẫn đến chậm chuyến.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết 6 tháng đầu năm 2014, cơ quan này đã tổ chức các đợt giám sát an toàn vào dịp Tết, lễ 30-4 và 1-5 đối với Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VJA và một số hãng hàng không nước ngoài tại các sân bay Nội Bài, Cát Bi, Vinh, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc và Tân Sơn Nhất. Tính đến ngày 15-6, có 123 sự cố liên quan đến an toàn hàng không được báo cáo. Sự cố trong hoạt động khai thác bay tăng 31 vụ so với cùng kỳ năm 2013 nhưng số lượng sự cố liên quan yếu tố con người giảm nhẹ, sự cố liên quan đến thành viên tổ bay và nhân viên phục vụ mặt đất giảm sâu.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, 2 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao (đều của Vietnam Airlines) được điều tra làm rõ nguyên nhân, tổ chức giảng bình an toàn và thực hiện ngay các biện pháp phòng ngừa tái diễn. Đó là sự cố xảy ra ngày 26-3 với chuyến bay VN-A397 - rơi ốp bảo vệ quạt làm mát phanh và sự cố với máy bay VN-A371 ngày 6-5 - trong khi chạy đà cất cánh, tổ bay nghe tiếng nổ phía động cơ số 2 nên buộc phải đình chỉ cất cánh.
Năm 2010, Jetstar Pacific Airlines từng bị giám sát đặc biệt do xảy ra vụ bê bối trong công tác bảo dưỡng máy bay nhưng chỉ được thực hiện bởi Cục Hàng không Việt Nam và các cảng vụ trước mỗi chuyến bay, tại các sân bay đến. Với VJA lần này là giám sát toàn diện do vụ việc liên quan đến cả hệ thống tổ chức khai thác, vận hành của hãng.
Bình luận (0)