Được đưa vào khai thác hơn 10 năm nay nhưng đường Hồ Chí Minh vẫn còn khá vắng vẻ
Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, xe khách chạy cự ly từ 1.000 km trở lên xuất phát từ các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc đi các tỉnh phía Nam sẽ phải lưu thông trên đường Hồ Chí Minh đoạn từ Hà Nội đến Vinh (Nghệ An) và ngược lại theo hướng tránh từ ngã ba Xuân Mai lên đường Hồ Chí Minh, đi đến Vinh thì vòng xuống Quốc lộ 48 rồi tiếp tục đi theo hành trình trên Quốc lộ 1A.
Các tuyến xe khách có cự ly trên 300 km đến dưới 1.000 km thì 22 sở GTVT nằm dọc trên tuyến đường sẽ lựa chọn để chuyển khoảng 30% các hãng xe phù hợp sang đi đường Hồ Chí Minh.
Riêng các loại xe tải dưới 30 tấn, xe du lịch, xe con chỉ khuyến khích và tuyên truyền chứ chưa bắt buộc bằng các biện pháp hành chính.
Bắt buộc đi đường Hồ Chí Minh
Được khai thác hơn 10 năm nay và chạy song song với Quốc lộ 1A nhưng đường Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng “vắng khách”.
Theo tính toán của Bộ GTVT, lưu lượng phương tiện qua tuyến đường này chỉ đạt từ 15% đến 40% công suất thiết kế, tập trung trên đoạn từ nút giao đại lộ Thăng Long đến ngã ba Xuân Mai (Hà Nội), còn đoạn từ Hòa Bình đi Thanh Hóa rất vắng. Trong khi đó, trên quãng đường này, Quốc lộ 1A luôn trong tình trạng quá tải, ùn tắc thường xuyên.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), cho biết việc yêu cầu xe khách tuyến cố định chạy theo hành trình này sẽ được thực hiện từ tháng 2-2012.
“Sau khi thực hiện thí điểm, sẽ bắt buộc xe khách Bắc - Nam phải đi đường Hồ Chí Minh nhằm khai thác hiệu quả kinh tế từ tuyến đường này và giảm tải cho Quốc lộ 1A” - ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, mặc dù đi theo đường Hồ Chí Minh đoạn từ Hà Nội - Vinh sẽ dài hơn 60 km so với đi Quốc lộ 1A nhưng các phương tiện sẽ tăng được tốc độ lưu thông và rút ngắn thời gian chạy xe, bớt được chi phí khi qua các trạm thu phí.
Các sở GTVT sẽ phối hợp với lực lượng thanh tra, CSGT để lên phương án phân luồng, điều tiết, nhắc nhở rồi tiến tới xử phạt các phương tiện không thực hiện đúng quy định.
Đồng thuận nhưng vẫn lo
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, chủ trương giảm tải cho Quốc lộ 1A là rất cần thiết và đến nay đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều doanh nghiệp vận tải.
Theo ông Liên: “Đây là biện pháp tốt giúp các hãng xe khai thác theo đúng lịch trình đã đăng ký, giảm bớt chuyện tranh giành khách hoặc đón, trả khách dọc đường không đúng quy định”.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng đồng tình với biện pháp mạnh này của Bộ GTVT nhưng cho rằng đi liền với đó là rất nhiều biện pháp cần sớm thực hiện đồng bộ.
“Tuyến đường còn khá hoang vu, chưa có nhiều cơ sở dịch vụ phục vụ tốt cho việc vận tải hành khách. Tương lai tuyến đường này sẽ góp phần không nhỏ vào việc giảm tải cho cả tuyến Quốc lộ 1A nên Bộ GTVT phải sớm tính toán xây dựng một loạt hệ thống dịch vụ hỗ trợ dọc tuyến (cây xăng, trạm dừng nghỉ, hệ thống biển báo, trung tâm cứu hộ…) bên cạnh hệ thống các đường ngang nối với các quốc lộ, tỉnh lộ, cửa khẩu, cảng biển... dọc chiều dài đất nước” - ông Hùng bày tỏ.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận tuyến đường Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế và đang trong quá trình sửa chữa, hoàn thiện. Về lâu dài, bên cạnh việc kiên cố hóa khắc phục các sự cố sụt trượt mái ta-luy trong mùa mưa, các tuyến đường kết nối với Quốc lộ 1A như quốc lộ 48, 21, 46, 12… sẽ được nâng cấp, sửa chữa.
Tiết kiệm được nhiều chi phí
Theo tính toán của Bộ GTVT, chi phí các loại cho 290 km lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Vinh đối với xe du lịch, xe tải, xe khách dao động từ 35.000 đồng đến 1,2 triệu đồng; xe tải nặng 3 trục và trên 4 trục là 2 loại phương tiện tốn nhiều chi phí nhất.
Mặc dù đi đường Hồ Chí Minh dài hơn khá nhiều so với Quốc lộ 1A nhưng thời gian lưu hành của xe khách nhỏ, xe con, xe tải 2 trục lại giảm được 1 giờ, xe khách lớn giảm gần 2 giờ và xe tải nhẹ, xe tải hạng trung tiết kiệm từ 37 đến 57 phút. Đó là chưa kể các loại xe sẽ không phải mất các khoản phí từ 3 trạm thu phí trên Quốc lộ 1A. |
Bình luận (0)