Lúc 14 giờ 45 phút ngày 1-3, chuyến bay mang số hiệu QR614 từ Doha (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE) chở 50 lao động Việt Nam đã đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).
Số lao động này do Công ty Isalco và Công ty JV Net đưa đi (Isalco: 8 người; JV Net: 42 người). Người lao động (NLĐ) được tập trung tại sảnh sân bay để làm thủ tục và nhanh chóng đưa ra xe chở về nhà. Đại diện Isalco cho biết công ty hỗ trợ 1 triệu đồng/NLĐ.
Một số lao động Việt Nam tại Libya về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào chiều 1-3. Ảnh: DUY QUỐC
Còn sống là vui rồi!
Tại sân bay, anh Nguyễn Văn Tuyển (quê huyện Kiến An - TP Hải Phòng) cho biết tình hình ở Libya rất căng thẳng. Thủ tục đưa NLĐ về nước cũng vướng do còn nhiều đơn vị thiếu giấy tờ tùy thân của NLĐ.
Anh Tuyển làm cho một nhà máy nhiệt điện lớn của Libya. Rất may, công ty bên Libya đã tổ chức xe đưa đón NLĐ rất chu đáo, từ Libya sang Ai Cập và Malta rồi về Việt Nam. Tính ra, từ Libya về đến Hà Nội mất tới 5 ngày.
Anh Nguyễn Văn Hoan (quê huyện Phú Xuyên - Hà Nội) kể lúc anh đang cùng đồng nghiệp làm việc ở Libya thì chủ đến, bảo nghỉ.
“May mà sau đó công ty bên Libya mua vé máy bay cho về nhà. Thành thật mà nói, chỉ cần sống được là vui rồi. Bên ấy hiện còn hàng ngàn người chưa có hộ chiếu, giấy tờ để về!” - anh Hoan cho biết.
Còn anh Thái Văn Thanh (quê huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) kể lại: Đường về khá vất vả, cứ khoảng 200 m có 1 trạm công an kiểm tra giấy tờ nên rất mất thời gian. Đến bữa ăn, mỗi người chỉ được phát một cái bánh mì và 4 người phải dùng chung chai nước nhỏ.
“Tại sân bay Ai Cập, khi phát bánh mì đã có hiện tượng dân sơ tán nhảy vào tranh cướp miếng ăn vì đói quá, nhưng người Việt Nam thì san sẻ cho nhau. Anh em nào có phần thì chia sẻ với người bị giật mất phần. Trong hoạn nạn mới biết tình người quý giá biết chừng nào!” - anh Thanh tâm sự.
Hành trình kinh hoàng
18 giờ 10 phút ngày 1-3: 34 lao động Việt Nam làm việc tại Libya từ Thái Lan đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất. 34 lao động này nằm trong số 227 lao động do Công ty Letco đưa sang làm việc cho Công ty Won Construction tại thành phố Derna được đưa về nước đầu tiên sau 11 ngày đêm sơ tán khỏi Libya.
Các anh Đặng Đình Quang (quê Hà Tĩnh), Vũ Hồng Lam (quê Thái Bình), Nguyễn Văn Mạnh (quê Ninh Bình) và Phạm Quốc Hòa (quê Hà Tĩnh) thay mặt mọi người đã thuật lại cho phóng viên Báo Người Lao Động hành trình di tản đầy kinh hoàng...
Lúc 21 giờ 30 phút ngày 18-2: Trong lúc mọt người chuẩn bị đi ngủ thì gần cả trăm người thuộc phe nổi loạn tay cầm vũ khí phá cửa xông vào. Đến phòng nào thì cứ hai người khống chế một NLĐ trấn lột tiền, điện thoại. Tất cả các vật dụng sinh hoạt cần thiết bị bọn chúng vét sạch.
23 giờ: Bạo động, cướp phá vẫn tiếp diễn ngay tại nơi trú ngụ và cũng là nơi làm việc của hơn 1.000 người. Ngoài 227 lao động Việt Nam, Won Construction sử dụng 550 lao động Bangladesh, 155 lao động Thái Lan, 155 lao động Ai Cập, 450 lao động Nepal và 150 lao động, viên chức quản lý người Hàn Quốc.
23 giờ 30 phút: Tình hình căng thẳng buộc chủ thầu người Hàn Quốc lệnh cho lao động tìm đường trốn chạy. Chỉ mang vội hai bộ đồ, 227 lao động Việt Nam cùng lao động các nước bắt đầu chạy thục mạng theo hướng ra biển.
2 giờ ngày 19-2: Sau hơn hai giờ sơ tán, 227 lao động quy tụ thành một nhóm ở bãi biển cách công ty 15 km. Khoảng một giờ sau, một số người dân địa phương tốt bụng đã giúp họ vào trú ẩn ở nhà thờ ở gần đó.
Trong suốt nhiều ngày đêm ở nhà thờ, 227 lao động sống trong cảnh màn trời chiếu đất. 9 giờ: Một tổ chức nhân đạo của Libya đến chu cấp lương thực.
Cứ một nhóm 10 người thì được chia nhau một cái bánh mì (giống bánh tráng Việt Nam) sử dụng cho cả ngày.
Ngày 20-2: Vẫn cái bánh mì cho 10 người ăn.
Ngày 22 và 23: Việc chu cấp có tốt hơn.
Sáng sớm 24-2: Chủ thầu nhận được yêu cầu của Letco khẩn cấp đưa lao động Việt Nam rời khỏi Libya. Ngay trong sáng, Đại sứ quán Việt Nam cũng đã tiếp cận được lao động. 17 giờ: 227 lao động được hỗ trợ di chuyển ra biên giới để sang Ai Cập.
Đúng 10 giờ 40 phút ngày 27-2: 34 lao động chia thành hai tốp 18 và 16 người được đưa lên máy bay sang Thái Lan và về đến sân bay Tân Sơn Nhất. 193 người còn lại sẽ được đưa về nước những ngày tới.
Lúc 15 giờ 30 phút ngày 1-3, 49 lao động Việt Nam khác, trong đó có 39 lao động của Công ty Việt Thắng và 10 lao động của Công ty Vinaconex, cũng đã về sân bay Tân Sơn Nhất sau khi quá cảnh tại Thái Lan.
Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), tổng số NLĐ về nước tính đến ngày 1-3 là 1.493 người; đã có 9.189 NLĐ Việt Nam được sơ tán khỏi Libya, trong đó 6.196 người đã sang các nước thứ ba.
Các phương án di dời đang được Bộ LĐ-TB-XH triển khai để đưa nốt số NLĐ hiện còn mắc kẹt (ước tính hơn 1.000 người) sang các nước lân cận Libya và về nước.
Khẩn trương cứu trợ
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, sáng 1-3 (giờ địa phương), chuyến chuyên cơ đầu tiên của Vietnam Airlines sang đón NLĐ Việt Nam đã tới thủ đô Cairo, mang theo 8 tấn lương thực, thực phẩm và thuốc men để cứu trợ.
Ngay sau khi tới Cairo, đoàn công tác liên ngành, do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng làm trưởng đoàn đi cùng chuyên cơ, đã kịp thời chỉ đạo các tổ công tác tại Ai Cập và Malta phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam khẩn trương triển khai công tác hỗ trợ NLĐ Việt Nam đang quá cảnh tại những nước này.
Tổ công tác liên ngành tại Istanbul đã tiếp nhận hơn 1.000 NLĐ Việt Nam và đang phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, các cơ quan chức năng sở tại làm các giấy tờ, thủ tục cần thiết để đưa NLĐ về nước trong thời gian sớm nhất. Dự kiến, sáng sớm hôm nay (2-3, giờ Hà Nội), hơn 300 NLĐ sẽ về đến Việt Nam bằng chuyên cơ của Vietnam Airlines.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Nam, phụ trách quan hệ với các cơ quan đối tác của Tổ chức di dân quốc tế (IOM) tại Hà Nội, cho biết đến chiều 1-3, IOM đã lập trại để tiếp đón 1.000 lao động Việt Nam đến biên giới Tunisia. Những NLĐ này đã được bố trí nơi ở, được cung cấp lương thực, thực phẩm. |
Bình luận (0)