Nhóm “hiệp sĩ” đường phố Nguyễn Văn Minh Tiến và đồng nghiệp được giới kinh doanh, buôn bán ở TP HCM đặt cho biệt danh “người vận chuyển siêu tốc” vì những vụ áp tải tiền như trong phim.
Chọn mặt gửi... hàng
Vì từng gây khiếp sợ cho những tên cướp trên đường phố, nhóm “hiệp sĩ” của anh Tiến được người dân, doanh nghiệp tin tưởng nhờ hộ tống tiền. Theo anh Tiến, từ năm 2012 đến nay, nhóm của anh đã áp tải tiền cho khoảng 100 doanh nghiệp, cá nhân ở TP HCM và các tỉnh lân cận.
“Trong khi các công ty dịch vụ bảo vệ nhận áp tải tiền đều có thỏa thuận về tiền công thì chúng tôi làm việc này miễn phí. Tôi nghĩ hộ tống tiền cũng như bắt cướp trên đường phố, khách hàng thấy anh em vất vả bồi dưỡng tiền thì chúng tôi nhận, chứ không đòi hỏi” - anh Tiến thổ lộ. “Hiệp sĩ” Tiến thừa nhận công việc áp tải tiền luôn bị áp lực từ nhiều phía, ngoài các băng cướp ngày càng tinh vi, đáng ngại nhất là khách hàng có thể dàn cảnh bị cướp tài sản thì biết đường nào mà lần.

Theo “hiệp sĩ” Tiến, trong một đêm năm 2014, anh nhận được cuộc gọi của ông Q. (ngụ quận 6) nhờ áp tải số vàng khá lớn từ quận Tân Bình về quận 6. Lúc đó, ông Q. chở vợ sắp cưới đến một tiệm vàng trên đường Nguyễn Hồng Đào, phường 14, quận Tân Bình mua nữ trang. Khi vừa rời khỏi tiệm, 2 người phát hiện 4 đối tượng mang khẩu trang đi trên 2 xe máy bám theo. Biết gặp phải cướp, ông Q. và vợ tấp vào cổng một công ty gần đó rồi nhờ bảo vệ gọi điện cho “hiệp sĩ” Tiến đến hộ tống về nhà. Khi “hiệp sĩ” Tiến hộ tống vợ chồng ông Q. đi được khoảng 200 m, một đối tượng trong băng cướp nhận ra anh nên cùng đồng bọn rút êm. Vụ này anh Tiến được vợ chồng anh Q. cảm ơn và bồi dưỡng 400.000 đồng.
Một vụ khác, khoảng 21 giờ ngày 15-12-2014, một doanh nghiệp ở quận 5 liên hệ với “hiệp sĩ” Tiến nhờ áp tải 3 tỉ đồng từ TP HCM đi miền Tây. Do đường xa và để bảo đảm an toàn, anh Tiến phải gọi thêm 4 đồng nghiệp đi cùng. Suốt hành trình, nhóm “hiệp sĩ” phải chạy xe máy với tốc độ khá cao trong mưa gió để bám theo ô tô chở tiền. Sau nhiều giờ hộ tống trong thời tiết khắc nghiệt, cuối cùng nhóm của “hiệp sĩ” cũng thở phào nhẹ nhõm khi ô tô chở tiền đến đích an toàn.
Bỏ nghề vì không chịu nổi áp lực
Anh Nguyễn Đình (31 tuổi, quê tỉnh Bình Định) - người nhiều năm làm công việc áp tải tiền ở TP HCM - do không chịu nổi áp lực nên mới đây đã chuyển sang làm công nhân cho một công ty giày dép. Anh Đình cho biết đã cùng đồng nghiệp áp tải nhiều vụ chuyển tiền cho doanh nghiệp ở TP HCM và Bình Dương. Nghề vận chuyển tiền nghe có vẻ đơn giản nhưng khi xảy ra sự cố thì ngoài việc bị khách hàng phàn nàn, còn bị phạt vì không hoàn thành nhiệm vụ, làm mất uy tín của công ty. “Làm nghề này thu nhập khá lắm nhưng nếu gặp xui, làm mất tiền của khách hàng thì coi như cả đời phải cật lực làm thuê mới trả hết nợ. Gần đây, thấy bọn cướp có nhiều chiêu thức tinh vi nên tôi quyết định bỏ nghề” - anh Đình tỏ ra nuối tiếc.
Trước đó, khuya 25-10, anh Đình và 2 bảo vệ được công ty điều động áp tải tiền cho doanh nghiệp của ông K. (45 tuổi) từ quận Thủ Đức về quận 11 với tiền công hơn 7,5 triệu đồng. Trong hợp đồng, ông K. yêu cầu người áp tải tiền ngồi chung ô tô để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho người và tài sản. Tuy nhiên, khi nhóm anh Đình đến, ông K. đã niêm phong toàn bộ số tiền rồi yêu cầu nhóm đi xe máy theo. Thấy vi phạm hợp đồng, anh Đình gọi điện về công ty yêu cầu hủy hợp đồng nhưng không được chấp nhận. Vì vậy, anh Đình và đồng nghiệp phải đi xe máy bám theo ô tô vận chuyển tiền với đầy lo âu, nếu khách hàng dàn cảnh bị cướp thì lấy tiền đâu mà bồi thường.
Thiếu tính pháp lý
Ông Hùng, quản lý một công ty bảo vệ ở TP HCM, cho biết trên địa bàn TP có đến hàng chục công ty bảo vệ chuyên áp tải tiền cho ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân. Chỉ cần lên mạng internet gõ “áp tải tiền” thì lập tức xuất hiện hàng loạt công ty bảo vệ chuyên làm dịch vụ này. “Thông thường, khi nhận hợp đồng áp tải tiền, bên công ty bảo vệ tính tiền công theo giờ hay chặng đường di chuyển. Công việc áp tải tiền luôn bị áp lực và rủi ro không chỉ người vận chuyển mà cả khách hàng” - anh Hùng nói.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM), do an ninh trật tự còn nhiều phức tạp và thói quen sử dụng tiền mặt trong giao dịch nên rất dễ xảy ra cướp giật... Vì vậy, thực tiễn rất cần lực lượng bảo vệ tư nhân trong việc vận chuyển tiền, tài sản như dịch vụ “bảo tiêu” trong phim. Hiện nay, về pháp lý cho dịch vụ áp tải hay vận chuyển tiền, tài sản quý giá, ngoài tổ chức tín dụng thì chưa có quy định cho các tổ chức khác. Sự bất cập này có thể xảy ra rủi ro, dễ dẫn đến tranh chấp trong quá trình vận chuyển tài sản. Nếu xảy ra mất tài sản hay sức khỏe, tính mạng của người vận chuyển bị đe dọa, tranh chấp sẽ giải quyết như thế nào, đây là điều chưa có quy định cụ thể. Hiện nay, các công ty bảo vệ thực hiện dịch vụ của mình dưới dạng hợp đồng bảo vệ, còn các “hiệp sĩ” thì không có chức năng thực hiện dịch vụ này. Vì vậy, cơ quan chức năng cần bổ sung quy định cho dịch vụ vận chuyển tài sản.
Bình luận (0)