Trong thời đại mà tính biểu trưng được đặt cao hơn thực tại, hiện tượng bề ngoài có sức ảnh hưởng mạnh vượt qua bản thể, Giáng sinh là dịp phô diễn những hình ảnh trau chuốt về cuộc sống, một dịp quảng diễn các giá trị vật chất, thúc đẩy nguồn năng lượng tiêu dùng.
Người viết bài này không có ý chống lại xu hướng thị trường. Thị trường vẫn có cách len lỏi rất tự nhiên của nó, bằng nhiều cách. Thế giới nghi thức tôn giáo bén rễ, quyện chặt với những hình thức thị trường từ sâu xa, cổ sơ cho đến hôm nay, để suy cho cùng, “có thực mới vực được đạo”.
Rồi cũng tới lúc các biểu tượng mạnh không còn bám chặt vào bản chất tôn giáo mà được pha loãng trong đời sống, phổ biến hóa ở mức độ bề mặt để mỗi người đều có thể được dự phần, không phân biệt ranh giới thì sự tiếp biến diễn ra. Người ta cũng tìm cách biến tấu các biểu tượng gốc trong những nghi lễ trong các không gian tôn giáo trở thành thứ sống động ngoài đường phố để muôn người không phân biệt niềm tin có thể chung chia trải nghiệm. Khi dạo chơi dưới những con đường được trang trí bằng các vòng nguyệt quế, cây thông Giáng sinh, đèn sao nhấp nháy, rõ ràng, người không theo Công giáo vẫn cảm thấy có những xúc cảm rung động riêng (ấm cúng, dễ chịu, thiêng liêng…). Giáng sinh không còn thuộc về trải nghiệm của người theo đạo Công giáo mà lan tỏa trong đời sống cộng đồng một khi nó mang trong mình những biểu tượng, huyền thoại đủ mạnh, đủ vượt qua tính địa phương để quốc tế hóa tình huống, vượt những khu biệt đóng kín của hệ thống tín điều mà giao hòa với đời sống nhân quần nói chung.
Những phát sinh của tính chất hội hè văn hóa cộng đồng luôn kéo theo yếu tố rộn ràng của thị trường. Giáng sinh vì thế đã trở thành mùa mua sắm hay đánh dấu sự bắt đầu của mùa mua sắm cuối năm, bắt đầu từ phương Tây - nơi tư bản phát triển sớm hơn - rồi đến với phương Đông trong thời thị trường toàn cầu hóa.
Trong thế giới muôn màu của lễ hội Giáng sinh, nếu tinh ý, ta vẫn nhận ra rằng mỗi năm sẽ có một khuynh hướng nào đó, thể hiện từ trong hình thức trang hoàng, phong cách giới thiệu hình ảnh hàng hóa, xu thế mua bán, luôn sáng tạo, muôn hình vạn trạng… Có năm, các hang đá vẫn được dựng lên trước các cửa hiệu nhưng bên trong đó là những món hàng hiệu. Cũng có năm, những món hàng hiệu đó lại thòi ra khỏi túi quà của ông già Noel, gợi biết bao hiếu kỳ…
Đừng vội phê phán đó là sự trần tục hóa các biểu tượng thiêng liêng, hãy bình tĩnh để nhận thấy rằng đó là một xu thế tất yếu xảy ra giữa lòng xã hội tiêu dùng, một khi hàng hóa đang thể hiện tính chuyên chính của nó với không gian xã hội thị trường mà nó được tạo ra.
Nhìn chung, ở phương diện tâm thức, các sự kiện tôn giáo như Giáng sinh hay Phật đản lại không đánh mất hoàn toàn yếu tố tích cực: tạo nên một không gian hài hòa, hướng cộng đồng về một giá trị thiêng liêng căn bản, đặc biệt trong bối cảnh các hệ giá trị sống tốt đẹp đang bị lung lay. Những gì còn lại sau khi được pha loãng cũng đủ tạo ra phần nào tâm thức bình an, khi bình an là một ước nguyện chính đáng trong thế giới bất định hôm nay.
Bình luận (0)