Chiều 13-10, tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45, Công an TP Hà Nội) đã thông tin các nội dung liên quan đến các bài báo về đường dây chạy công chức trên địa bàn huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) được báo chí phản ánh.
Đại tá Dương Văn Giáp khẳng định các đối tượng cò công chức đã lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đảo chứ hoàn toàn không có đường dây chạy công chức. Các đối tượng này đã lợi dụng nhu cầu thi tuyển công chức của các cá nhân, tự nhận mình có quan hệ với lãnh đạo các phòng ban của huyện Sóc Sơn và UBND TP để thực hiện hành vị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, Đại tá Dương Văn Giáp cho hay giữa tháng 8-2015, anh Đỗ Văn Triệu (35 tuổi), công an viên xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, đã nhờ Nguyễn Văn Hải (33 tuổi) xin cho vợ là chị Nguyễn Thu Hà (34 tuổi) vào công chức ngành giáo dục của huyện Sóc Sơn.
Anh Đỗ Văn Triệu đã gọi điện cho Hải và được biết giá cho việc “chạy công chức” từ 150-170 triệu đồng. Do chị Hà không đủ tiền để chạy công chức nên đã từ chối và nói sẽ giới thiệu cho Hải nếu gặp người có nhu cầu chạy.
Tiếp đó, chị Hà giới thiệu cho Hải một người có nhu cầu khác là bà Giang. Bà Giang có nhu cầu xin cho con nuôi vào công chức. Hải đã thông báo việc thỏa thuận với bà Giang cho ông Đàm Hữu Dũng (43 tuổi, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự) .
Sau khi hẹn gặp tại quán cà phê trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), ông Đàm Hữu Dũng cho bà Giang biết mình có khả năng chạy công chức tại huyện Sóc Sơn với mức giá khoảng 200 triệu. Bà Giang đã đồng ý và đi rút tiền nhưng không quay lại gặp ông Dũng.
Trước thông tin này, Công an TP Hà Nội đã làm việc với Nguyễn Văn Hải. Hải cho biết ông Dũng làm trong ngành quân đội và là giảng viên nên nghĩ ông này có quan hệ để xin vào công chức huyện Sóc Sơn.
Tại cơ quan điều tra, ông Đàm Hữu Dũng cho biết mình không có quan hệ và khả năng xin chạy vào công chức nhưng do khó khăn về kinh tế nên khi thấy Hải nhờ chạy công chức, ông Dũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản.
Theo Đại tá Dương Văn Giáp, Công an TP Hà Nội đã tổ chức xác minh, căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc liên quan đến Đàm Hữu Dũng đến Cơ quan điều tra khu vực I - Bộ Quốc phòng để điều tra theo thẩm quyền.
Ngoài ra, về thông tin bài báo “Làm giàu bằng nghề cò” với nội dung bà Ngô Thị Toàn (55 tuổi), giáo viên trường Tiểu học Bắc Sơn A, huyện Sóc Sơn và Trần Văn Ánh đã làm cò công chức, Công an TP Hà Nội đã xác minh bà Toàn đã nhận 120 triệu đồng để lo chạy công chức cho 2 trường hợp (chị Ngân và chị Lư). Sau đó bà Toàn đã chuyển cho Ánh dể lo chạy công chức. Sau kỳ thi tuyển công chức, 2 trường hợp này đã thi đỗ vào công chức.
Tiếp đó, tháng 7-2015, bà Toàn nhận 270 triệu đồng để lo chạy công chức cho 5 trường hợp. Sau đó bà Toàn chuyển cho Ánh 220 triệu để lo chạy công chức.
Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, Trần Văn Ánh khai nhận bản thân không có khả năng chạy xin vào công chức. Mục đích của Ánh là tạo niềm tin đối với những người có nhu cầu xin chạy vào công chức nhà nước để chiếm đoạt tiền.
Còn bà Toàn khai nhận, do năm 2014, bà Toàn nhờ Ánh chạy vào công chức cho Ngân và Lư đều đỗ nên năm 2015 tiếp tục nhờ Ánh chạy cho 5 trường hợp. Số tiền mà bà Ánh và Toàn nhận là 380 triệu đồng.
Công an TP Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Văn Ánh (nhân viên chợ Nỉ, huyện Sóc Sơn) và Ngô Thị Toàn (nguyên giáo viên trường tiểu học Bắc Sơn An, Sóc Sơn) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bình luận (0)