Các đại biểu QH đã đặt thẳng vấn đề và chỉ cụ thể tình trạng ồ ạt bổ nhiệm cán bộ, bố trí người nhà vào cơ quan mình làm việc nhưng không hề được mổ xẻ một cách thấu đáo. Càng bức xúc hơn khi tất cả trường hợp đều được lý giải theo cách như là biện hộ: “Đúng quy trình”.
Bổ nhiệm đúng quy trình mà có thể nảy sinh những cán bộ thiếu năng lực, gây thất thoát, thua lỗ cả ngàn tỉ đồng như vụ Trịnh Xuân Thanh? Đúng quy trình nhưng “đẻ” ra dự án chết yểu có nguy cơ mất 7.000 tỉ đồng như Vũ Đình Duy với Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ? Đúng quy trình mà bộ máy hành chính nhà nước thừa đến hàng chục ngàn người, Bộ Chính trị phải ra nghị quyết về giảm biên chế nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được?
Quy trình đúng nhưng tại sao hậu quả lại lớn và bức xúc như thế? Dù muốn dù không cũng cần phải xem lại quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ hiện nay bởi chính quy trình này đã thiếu sự giám sát, kiểm soát nên dẫn đến việc bị lạm dụng để hợp thức hóa vị trí của những cán bộ kém năng lực, kém đạo đức; của những cán bộ “người nhà” chen chân vào bộ máy nhà nước. Tất nhiên, nếu chỉ vì những đồng lương ít ỏi ở cơ quan nhà nước thì chẳng ai bất chấp để lao vào những cơ quan này làm việc.
Nhiều năm qua, Chính phủ cũng đã nhìn thấy thực trạng và đưa ra nhiều phương án xử lý. Cụ thể và được xem là hữu hiệu nhất chính là quy chế thi tuyển công chức, thi tuyển vào những vị trí làm việc cụ thể của từng cơ quan. Thế nhưng, chủ trương là một lẽ, còn thực hiện là chuyện hoàn toàn khác. Có quá nhiều toan tính đã làm những cuộc thi tuyển này vô hiệu. Lại toàn người nhà, người quen và người của những mối quan hệ phức tạp xuất hiện ở những vị trí thi tuyển. Ngay cả một số người trúng tuyển đàng hoàng thì lại không được bố trí công việc phù hợp và bị ngăn chặn cơ hội thăng tiến. Ngay trong kỳ họp QH đang diễn ra, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã hỏi thẳng Bộ trưởng Bộ Công Thương về thông tin một tài xế được cử làm tham tán thương mại. Thông tin này đã bị Bộ Công Thương bác bỏ nhưng phần nào cho chúng ta thấy được bức tranh bổ nhiệm cán bộ ở một số cơ quan, địa phương hiện nay.
Hậu quả của tình trạng trên không khó để hình dung. Nó đã cướp đi cơ hội của bao người có năng lực và nhiệt huyết, xứng đáng ở vị trí công việc đã bị những kẻ bất tài giành chỗ. Nó cũng phần nào giải thích cho câu chuyện du học sinh được đào tạo bài bản ở những nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Pháp, Canada... không muốn về nước sau khi ra trường. Cũng chính nó đã làm ảm đạm hơn bức tranh cả trăm ngàn tân cử nhân thất nghiệp mỗi năm. Và một khi những kẻ bất tài, kém đức có thể chen chân vào những vị trí làm việc quan trọng của nhà nước thì hậu quả thật khó lường đối với vận mệnh của cả một quốc gia.
Bình luận (0)