xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Phạm Dương – Thế Dũng

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được thông qua cũng chưa chắc đã tạo ra chuyển biến căn bản những tồn tại, bất cập trong giáo dục lâu nay

Tiếp tục kỳ họp thứ 6 Quốc hội (QH) khóa XII, sáng 24-10, các đại biểu (ĐB) thảo luận tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.


Loại bỏ cơ chế xin - cho khi lập trường ĐH


“Tôi ủng hộ việc chuyển giao quyền quyết định thành lập trường ĐH từ Thủ tướng về cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT”. Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH (ĐB Quảng Nam), bày tỏ quan điểm. Theo ông, việc gì cũng đẩy lên Thủ tướng thì Thủ tướng không làm xuể.

Giao quyền quyết định thành lập trường ĐH cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ tăng trách nhiệm của bộ trưởng, nếu sai hay đúng có địa chỉ trách nhiệm rõ ràng.


Ngược lại, ĐB Nguyễn Phụ Đông (Bắc Ninh) không tán thành: “Thẩm quyền thành lập trường ĐH dứt khoát phải thuộc Thủ tướng. Bộ GD-ĐT có các trường ĐH nhưng các bộ khác cũng có trường ĐH, vậy liệu Bộ GD-ĐT có bao quát được không? Thủ tướng trên cơ sở nắm quy hoạch chung về mạng lưới giáo dục mới bao quát hết được”.
Theo ông Đông, chỉ tính bằng cơ học cũng thấy với 376 trường ĐH, CĐ hiện nay có đủ giảng viên hay không và việc để xảy ra những trường không đủ điều kiện là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. “Vì sao lại có chuyện trăm hoa đua nở lập trường ĐH? Trong đó có cả mục đích kinh doanh đấy. Thực tế địa phương tôi là có” - ĐB Đông cho biết.

img
Đại biểu Trần Du Lịch: “Nền giáo dục hiện có quá nhiều bất cập
nhưng dự thảo luật lại chưa nêu được giải pháp cải thiện”. Ảnh: T.DŨNG


Trong khi đó, ĐB Đặng Ngọc Tùng (TPHCM) nhận xét: “Không quan trọng ai cấp phép thành lập mà vấn đề là phải làm rõ trách nhiệm của người ra quyết định. Sau khi xảy ra vụ ĐH Phan Thiết, tôi có hỏi một vị thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

Ông này nói thẩm định thành lập trường ĐH không phải chỉ mình Bộ GD-ĐT, các bộ khác đều có trách nhiệm như nhau. Bộ GD-ĐT chỉ trình lên Thủ tướng. Nói như vậy là hòa cả làng, vì chẳng ai chịu trách nhiệm”.


Ông Tùng kiến nghị để ngăn chặn tình trạng trường ĐH đang mọc lên như nấm, trong đó có nhiều trường kém chất lượng, luật cần cụ thể hóa việc giao cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập trường ĐH và các bộ khác không tham gia.

“Để Bộ GD-ĐT tự làm tự chịu trách nhiệm, nếu làm sai thì phải cách chức bộ trưởng, kể cả Phó Thủ tướng. Nếu để Thủ tướng có thẩm quyền cấp phép thì Thủ tướng có đi xuống tận nơi kiểm tra đâu mà chỉ ký trên đề nghị của các bộ. Phải triệt để loại bỏ cơ chế xin - cho trong thành lập ĐH, nếu không sẽ có hàng loạt “ĐH Phan Thiết” - ông Tùng bức xúc.


Học sinh cấp 4


“Giảng viên thiếu vậy mà trường ĐH mở nhiều thế thì lấy đâu ra giảng viên?”- ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) băn khoăn. ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) bức xúc trước tình trạng phổ biến là sinh viên như học sinh cấp 4, đó là “đọc, chép”, rất hiếm người có suy nghĩ, tư duy độc lập. “Không đâu như VN, ĐH mọc ra tràn lan. Cơ sở của các trường ĐH phải đi thuê, đi mướn, quá chật hẹp. ĐH mà thư viện cũng không có thì thảm lắm!”- ông Trừng phát biểu.


Bà Trịnh Thị Giới (ĐB Thanh Hóa) đặt vấn đề: Trường ĐH được thành lập ồ ạt thời gian qua nhưng liệu bao nhiêu phần trăm sinh viên ra trường tìm được việc làm và làm đúng ngành nghề được đào tạo? Bà Giới dẫn chứng một hội chợ việc làm tổ chức mới đây đặt mục tiêu tuyển dụng 2.000 người nhưng không đạt vì trình độ và kỹ năng của sinh viên không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.


ĐB Ngô Văn Hùng cho rằng đầu vào nhiều ĐH trên thế giới không khó nhưng đầu ra thì quản rất chặt, có người học mãi mới ra trường được. Ở VN thì ngược lại, đầu vào ĐH rất khó song đầu ra lại dễ dàng. Vị ĐB Lào Cai này băn khoăn: “Cứ vào được ĐH là thế nào 4-5 năm sau cũng sẽ có tấm bằng. Tuy nhiên, ra trường tìm được việc làm hay không mới là vấn đề”.


Nghịch lý tiến sĩ và sách giáo khoa


“Tôi muốn nêu ra một nghịch lý đào tạo tiến sĩ (TS) ở nước ta”- ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) thẳng thắn. Theo ông Cuông, ở ta, TS giảng dạy và chuyên ngành rất ít nhưng TS quản lý lại quá nhiều. “Rất nhiều chủ tịch tỉnh, giám đốc sở đi học lấy bằng TS, vậy lấy đâu ra thời gian để chỉ đạo và điều hành công việc?

Gắn mác TS để làm gì khi mà kết quả công việc của cán bộ đó cũng đủ để công nhận trình độ, năng lực của anh rồi?”- ĐB Cuông ngao ngán.


ĐB Nguyễn Phụ Đông cũng quan ngại về chất lượng đào tạo TS. Có trường hợp lấy bằng thạc sĩ về nông nghiệp nhưng lại làm TS về tâm lý giáo dục! “Vấn đề cấp bách là phải chuẩn hóa kiến thức”- ông Đông kiến nghị. Góc độ khác, ĐB Trịnh Thị Giới cho rằng không phải thạc sĩ, TS nào cũng làm đúng ngành nghề được đào tạo.


ĐB Trịnh Thị Giới cũng chỉ ra nghịch lý về sách giáo khoa (SGK): “Cứ sắp đến năm học mới là lại lo ngay ngáy mua sách gì, loại nào, bao nhiêu để cho con học”. ĐB Nguyễn Phụ Đông đồng tình: “Con cái chúng ta như vật thí nghiệm, 12 năm lại thay đổi SGK.

Mỗi đời bộ trưởng Bộ GD-ĐT lại hầu như có chuyện thay đổi với SGK”. Theo ông Đông, đây là vấn đề tranh luận nhiều nhất, làm “xói mòn niềm tin nhiều nhất của người dân về giáo dục”, do đó cần phải luật hóa vấn đề SGK.


Nhiều ĐBQH cho rằng đặt ra vấn đề sửa Luật Giáo dục lần này đúng nhưng chưa đủ, bởi chưa đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Nếu biểu quyết thông qua dự án luật này cũng chưa chắc đã tạo ra chuyển biến căn bản những tồn tại, bất cập trong giáo dục lâu nay.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch băn khoăn về việc tại sao phải vội vã sửa Luật Giáo dục, vì dự thảo luật không thể cụ thể hóa những vấn đề bức xúc của nền giáo dục hiện nay, như: chất lượng đào tạo, tuyển sinh, giáo trình, SGK, cơ sở vật chất... Có quá nhiều bất cập nhưng dự thảo luật lại chưa nêu được giải pháp cải thiện.

Phải rà soát lại các trường ĐH

Phát biểu trong thảo luận tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhìn nhận: “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu nhưng tôi thật sự quan tâm và lo lắng về chương trình và chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ, THCN. Trường ĐH chưa phải nhiều nhưng cũng không phải ít.

Một số đồng chí về hưu cũng muốn mở trường. Giảng viên ĐH thỉnh giảng khắp nơi, đến giảng giống ca sĩ đi chạy sô mà không dành thời gian bồi dưỡng, bổ sung kiến thức. Một người thỉnh giảng tới 4-5 trường. Mâu thuẫn lớn nhất thời gian qua là quy mô phát triển trường quá nhanh nhưng chất lượng có vấn đề”.


Về đào tạo TS, Tổng Bí thư đánh giá: “Ở VN vẫn có nhiều người bảo vệ luận án TS trong nước loại giỏi. Tuy nhiên, không biết thống kê được bao nhiêu đề tài khoa học đưa vào thực tiễn cuộc sống? Tôi mong muốn TS phải là TS thật vì có nhiều người chỉ mang luận án về chép rồi bỏ tủ chứ không có phát minh để áp dụng vào cuộc sống”.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh: Sửa đổi hay bổ sung cái gì thì cũng phải bảo đảm ba mục tiêu là nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo nhân tài.

Theo Tổng Bí thư, nền giáo dục nước nhà phải nhìn thẳng vào thực tế hiện nay và trước mắt phải rà soát lại hệ thống các trường ĐH. Việc rà soát không phải là để đóng cửa các trường chưa đạt yêu cầu mà là để xác định rõ chất lượng và để có biện pháp bổ sung.

Sẽ có báo cáo chất lượng ĐH

Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa qua có yêu cầu phải kiểm tra các trường ĐH sau khi đi vào hoạt động nhưng chưa có văn bản nào quy định tất cả các trường phải được kiểm tra.

Đây chính là hạn chế. Bộ GD-ĐT thống kê trong những năm gần đây, trong 30 trường thành lập có 19 trường được kiểm tra. “Nếu bộ đi kiểm tra trực tiếp hết thì không thể đủ sức làm. Cả nước có khoảng 370 - 400 trường, nếu mỗi tuần kiểm tra 2 trường, giáp một vòng hết 3,5 năm” – ông Nhân giãi bày.


Theo Phó Thủ tướng, trước đây, việc kiểm tra các trường là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, hướng tới đây sẽ giao cho địa phương. Chế tài xử lý sai phạm đã có nhưng nhiều năm chưa thực hiện.

Hai năm vừa qua, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đã xử phạt hành chính bằng tiền những trường làm sai quy định trong tuyển sinh. Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị báo cáo tình hình hoạt động giáo dục ĐH nói chung, đặc biệt là vấn đề chất lượng, cố gắng cuối tuần tới xong và cung cấp cho các ĐB.


Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, hiện chưa có quy định nào về kiểm định chất lượng các trường ĐH, lần này Luật Sửa đổi sẽ bổ sung.


Phó Thủ tướng cho biết trong  12 năm gần đây, cả nước có 87 trường ĐH mới. Trong đó, mới thành lập 33, nâng cấp 54. Như vậy, bình quân một năm có 7,2 trường ĐH mới ra đời.

Trong số 87 trường, có 23 tỉnh, thành lập thêm một trường ĐH, 10 tỉnh lập 2-3 trường ĐH. Hai địa phương lập nhiều trường ĐH nhất là Hà Nội và TPHCM, chiếm gần 1/2 số trường ĐH mới.

T.Dũng

Cần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ viễn thông

Chiều cùng ngày, QH nghe và thảo luận báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH về dự thảo Luật Viễn thông.

Ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH, cho biết tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐB, một số nội dung của dự thảo đã được điều chỉnh cho phù hợp, như: sự chồng lấn về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý được quy định trong dự thảo Luật Viễn thông và dự thảo Luật Tần số - Vô tuyến điện; các quy định về quản lý kho số và tài nguyên internet...


ĐB Hứa Chu Khem (Sóc Trăng) cho rằng trong thời gian qua, người tiêu dùng sử dụng dịch vụ viễn thông như điện thoại bàn, điện thoại di động bị thiệt thòi nhưng không ai giải quyết công bằng.

Theo ông Khem, luật cần đưa vào quy định về  quản lý giá cước, cơ quan kiểm định giá cước và tính toán đo lường để bảo đảm quyền lợi cho người  tiêu dùng. Bên cạnh đó cũng phải luật hóa các quy định an toàn sức khỏe khi sử dụng dịch vụ viễn thông.

Ngoài ra, nạn tin nhắn, trò chơi, xổ số, cờ bạc gian lận trên mạng di động... gây thiệt cho người tiêu dùng nhưng nhiều khi đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông lại không thành thật, thiếu trách nhiệm với khách hàng. Cơ quan soạn thảo luật cũng cần cụ thể hóa chế tài xử lý các vi phạm này.


Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến của ĐB để ban soạn thảo tiếp thu, điều chỉnh dự thảo Luật Viễn thông trước khi trình QH thông qua.

T.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo