icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giáo dục là loại hàng hóa đặc biệt?

H.L.Anh

Quốc hội (QH) đã dành cả ngày 26-11 và một phần buổi sáng nay để thảo luận Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Hệ thống giáo dục quốc dân, ngôn ngữ dùng trong nhà trường, quy trình tổ chức biên soạn thẩm định và sử dụng sách giáo khoa (SGK), vấn đề dạy ngoại ngữ trong nhà trường... là những nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm.

Cạnh tranh SGK?.- “Cùng một lúc, Bộ GD-ĐT vừa đảm nhận vai trò biên soạn, vừa thẩm định SGK nên việc biên soạn SGK còn nhiều bất cập”, ĐB Mai Hoa (Nghệ An) nhận xét. Theo bà, bộ chỉ đóng vai trò ban hành chương trình khung và duyệt SGK. SGK lâu nay được coi là pháp lệnh, giáo viên giảng dạy, bám nội dung theo kiểu cứng nhắc, rập khuôn, máy móc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Bà Huỳnh Thị Dã Thanh (Ninh Thuận) tỏ ra tâm đắc với quy định: Bộ trưởng GD-ĐT chỉ duyệt SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn dựa trên cơ sở thẩm định của Hội đồng Giáo dục thẩm định. “Từng bậc học, cấp học, lớp học có thể có nhiều bộ SGK sẽ khai thác được tiềm năng trí tuệ của lực lượng trí thức trong xã hội. Do được đầu tư và tập trung trí tuệ, dứt khoát SGK sẽ khắc phục được những nhược điểm hiện nay”, bà Thanh tin tưởng. Bà Mai Hoa cho rằng cách làm này sẽ phá vỡ tính độc quyền, Bộ GD-ĐT không bị mang tiếng Bộ GD-ĐT “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Thận trọng hơn, ĐB Lê Thị Tường Vân (Gia Lai) đề nghị thêm việc biên soạn, sử dụng giáo trình dạy nghề, CĐ, ĐH và sau ĐH cũng cần có quy định giáo trình chuẩn quốc gia.

Ngoại ngữ, tin học, học thế nào?.- ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông) đề nghị không nên quy định trong luật có một ngôn ngữ thứ hai nào đó. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng nên học ngoại ngữ từ lớp 3 trở lên. “Tôi thấy không được đâu, trừ một số trường hợp đặc biệt, còn nói chung như tỉnh Đắk Nông của tôi khó quá”, ông Dũng bày tỏ chính kiến. “Tôi ngầm hiểu các anh chị định đưa tiếng Anh vào coi như ngoại ngữ chính thống. Tôi có ý kiến ngược lại, không thể coi thường Trung văn vì tiếng Việt 60% bắt nguồn từ chữ Hán. Riêng các danh từ khoa học, chính trị, kinh tế - xã hội có đến 90% bắt nguồn từ chữ Hán”, ĐB Lân Dũng tranh luận - “Tôi không nhất trí với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về quy định ngoại ngữ thứ hai, bởi nó có rất nhiều vấn đề tế nhị”.

“Thương mại hóa giáo dục” đang bị hiểu nhầm.- “Luật hiện hành cấm mọi hành vi thương mại hóa giáo dục. Nhưng 6 năm qua, chúng ta đã chứng kiến một khoảng cách khá lớn giữa quan niệm và thực tế, mỗi khi có hiện tượng tiêu cực xảy ra, người ta lại nói giáo dục đã bị thương mại hóa” - ĐB Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên-Huế) lên tiếng bênh vực cho một xu thế mới. Bà Hồng đề nghị cần xem xét lại “giáo dục có phải một loại hàng hóa dịch vụ hay không?”. Nếu có, Nhà nước phải đưa ra sự cam kết thế nào? Hiện ở VN đã có những trung tâm giáo dục thu học phí rất cao, đã có Trường ĐH RMIT 100% vốn nước ngoài, mức học phí rất cao. Hơn nữa, Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực từ nhiều năm nay, Mỹ có quyền liên doanh đào tạo với VN và sau 7 năm có quyền đầu tư 100% vốn vào VN. Chính phủ cũng vừa có quy định cho phép mở các trường THPT 100% vốn nước ngoài.

“Theo tôi, nên hiểu giáo dục là loại hàng hóa đặc biệt theo hai nghĩa” - dù chỉ là ý kiến thiểu số nhưng những lập luận của bà Hồng tỏ ra xác đáng - “Loại hàng hóa có đặc trưng Nhà nước nhiều hơn về mặt thị trường, không tuân theo đầy đủ yêu cầu của cơ chế thị trường. Loại hàng hóa đặc biệt này, dưới góc độ kinh tế, giá bán trung bình phải thấp hơn giá thành trung bình, ở Mỹ tỉ lệ này là 1/3”. Vì vậy, theo bà, Nhà nước luôn có sự can thiệp, đặc biệt các chính sách từ ngân sách, cùng với sự kiểm soát tài chính ngặt nghèo, ngăn chặn xu hướng vụ lợi từ hoạt động giáo dục. Đồng tình, ĐB Néang Kim Cheng (An Giang) cho rằng “thương mại hóa” khác “thương mại”. Các trường dân lập, tư thục... đã hoạt động mang tính chất thương mại, tuy không vụ lợi nhưng có lợi nhuận. “Vì có lợi nhuận, họ mới bỏ tiền đầu tư, hoạt động đó mang tính thương mại. Đó là thực tiễn, không nên né tránh để khỏi bị ngộ nhận và phê phán như hiện nay”, bà Cheng kiến nghị.

4, 3 hay chỉ 2 loại hình trường ?

Tờ trình của Chính phủ có 3 loại ý kiến: Vẫn để các loại hình trường như hiện nay, gồm trường công lập, bán công, dân lập và tư thục; chỉ nên để trường công lập và tư thục; để 3 loại hình trường quốc lập, dân lập và tư thục. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Trần Thị Tâm Đan và ủy ban của bà, cơ quan thẩm tra dự luật, nghiêng về hướng chỉ còn 2 loại: trường công lập và tư thục. Lý do của sự lựa chọn này: Về mặt thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT thì các loại hình trường đều có trách nhiệm và quyền hạn như nhau, chịu sự quản lý nhà nước thống nhất của Chính phủ. Có chăng, chỉ khác nhau về nguồn vốn đầu tư xây dựng trường và nguồn tài chính bảo đảm chi thường xuyên.

Trường công lập có nguồn vốn xây dựng và tài chính chi thường xuyên do Nhà nước bảo đảm. Về bản chất, trường bán công, dân lập, tư thục có phương thức quản lý tài chánh gần giống nhau, tự thu chi; giống nhau cả về trách nhiệm pháp lý. Do vậy chỉ nên tồn tại 2 loại trường: công lập và tư thục.

Y. Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo