Những giải pháp để giải quyết tình trạng mất kiểm soát về giao thông ở TP Hà Nội do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng gặp phải sự hoài nghi của không ít người.
Đổi ca, lệch giờ: Không dễ
Trong khi nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ về giải pháp cấp bách “trị” ùn tắc giao thông là điều chỉnh giờ làm, giờ học tại Hà Nội của Bộ GTVT thì Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh lại có ý kiến ngược lại làm “nóng” nghị trường Quốc hội vào ngày 27-10: “Đây là giải pháp chắp vá mà cũng không mấy khả thi”. Cùng quan điểm trên, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội, khẳng định mỗi giải pháp đề ra phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc, chi tiết và không lấy đời sống của người dân làm “thí nghiệm”.
Về lối ra cho giao thông Hà Nội, là người trong cuộc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng mỗi giải pháp đều có tác dụng nhất định nên cần phải có cái nhìn tổng thể đối với từng giải pháp, nếu không chỉ đạt được một mục tiêu nhưng lại gây ra ảnh hưởng khác.
Phải tạo điều kiện tốt cho nhà đầu tư
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch kiến giải rằng vấn đề giải phóng mặt bằng hiện nay cần điều chỉnh thể chế chính sách theo hướng làm rõ quyền trưng mua và tiên mại của Nhà nước đối với đất đai mà Luật Đất đai 2003 chưa làm rõ. Nếu làm rõ được khái niệm này thì có tác dụng ngăn chặn được sự biến tướng đất được thu hồi để làm hạ tầng giao thông, mục đích khác rồi biến thành đất ở, đất thương mại gây bức xúc trong dân.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ, chuyên gia trong lĩnh vực đất đai, lý giải vấn đề giải phóng mặt bằng không khi nào đơn giản nhưng để thuận lợi hơn, Nhà nước phải tạo được cho người dân tâm lý đất ở, đất sản xuất của họ được thu hồi để đem lại lợi ích chung cho cộng đồng chứ không phải có lợi cho một vài cá nhân hay “ông trùm” nào.
Nạn ùn tắc giao thông nghiêm trọng như thế này thường xuyên diễn ra ở nội đô Hà Nội Ảnh: THẾ DŨNG
Cơ chế đặc thù cho Hà Nội và TPHCM
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga, khẳng định tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn đã trở nên quá nghiêm trọng, về hậu quả thì đã tương đương với tiêu chí cần thiết phải ban hành tình trạng khẩn cấp. Trong thời gian diễn ra 3 khóa Quốc hội gần đây, có khoảng trên 150.000 người chết vì tai nạn giao thông nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào từ Trung ương đến cơ sở bị kỷ luật và Quốc hội cũng chưa miễn nhiệm bộ trưởng nào vì lý do này. “Nếu trách nhiệm cá nhân không nghiêm và quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng không được thực hiện thì khó có thể giải quyết tình trạng này” - bà Nga thẳng thắn bày tỏ.
Bà Lê Thị Nga dẫn lại việc từ năm 2002, theo Nghị quyết 13, Chính phủ đã đưa ra một giải pháp rất đúng là tăng cường phát triển phương tiện công cộng, kiềm chế sự gia tăng của mô tô, xe máy, hạn chế thấp nhất phương tiện cá nhân ở Hà Nội, TPHCM. Thực tế, Chính phủ vẫn cho phép sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy, phát triển rầm rộ taxi thì tai nạn và ùn tắc giao thông là hệ quả tất yếu, Chính phủ cần phải giải trình rõ. Tính đến cuối năm 2010, toàn quốc đăng ký mới 183.648 ô tô, 2.959.300 mô tô, nâng tổng số phương tiện đã đăng ký đến năm 2011 gần 1,8 triệu ô tô và khoảng 34 triệu mô tô.
Theo ông Lê Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho rằng thực trạng mất kiểm soát giao thông ở nhiều đô thị lớn hiện nay cho thấy cần phải có những giải pháp đặc biệt; đã đến lúc cho Hà Nội và TPHCM có cơ chế đặc thù để giảm phương tiện cá nhân, đồng thời dừng việc ra đời những nhà máy sản xuất xe máy, nhập khẩu các loại ô tô và linh kiện cá nhân. “Bộ trưởng Bộ GTVT dù có ba đầu sáu tay cũng không giải quyết nổi tình trạng này nếu các bộ khác vẫn cho ra đời thêm các trường đại học, cho xây thêm tòa nhà chứa hàng vạn người ở trung tâm TP” - ông Nam nói.
40.000 tỉ đồng cho giao thông Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa đề xuất Quốc hội bố trí khoản ngân sách 40.000 tỉ đồng thu vượt từ dầu thô cho các công trình trọng yếu của ngành giao thông (chênh lệch giá dầu thô hiện nay cao hơn giá được Quốc hội sử dụng để tính toán ngân sách năm 2011 và 2012).
Theo ông Thăng, số tiền này sẽ được đầu tư cho các công trình trọng điểm, trong đó có hệ thống đường cao tốc Bắc Nam; xử lý công trình giao thông dang dở đang gây bức xúc cho người dân; giải quyết gần 570 cây cầu yếu; tách cầu đường sắt và cầu đường bộ... Cụ thể, đến năm 2015, ngành giao thông sẽ hoàn thành 600 km đường cao tốc Bắc Nam.
“Và nếu được ưu tiên vốn thì đến năm 2020 có thể hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc Nam dài hơn 2.000 km” - Bộ trưởng Thăng cam kết. |
Bình luận (0)