2 giờ 30 phút rạng sáng ngày cuối cùng của năm, chuyến xe khách Nam - Bắc dừng lại, thả tôi xuống ngã ba Gia Lách, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Trời tối đen như đêm 30 gợi tôi nhớ lại những ngày giáp Tết, những đêm giao thừa lạnh lẽo của tháng năm ở chiến trường Campuchia hơn 30 năm về trước...
Tôi tìm đến nhà thủ trưởng cũ Hoàng Văn Thịnh để thăm và cùng ăn Tết với anh. Năm 1984, tôi về đơn vị đóng quân tại Battambang - Campuchia khi anh là thượng úy - đại đội trưởng và lúc tôi phục viên tháng 12-1987 thì anh đã là đại úy - tiểu đoàn phó. Thông tin về gia đình thủ trưởng, tôi được con trai anh ở TP HCM cho biết. Tôi dặn cháu không được báo trước với cha mẹ vì chưa biết khi nào mình mới ra thăm được.
Dứt ra khỏi những suy nghĩ lan man, tôi quyết “hành quân” ngay về xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân. Khi còn cách nhà thủ trưởng chừng 200 m, muốn đợi trời sáng để gọi anh nhưng vì lạnh cóng và nóng lòng gặp lại, tôi đành gọi điện thoại.
“A lô, a lô..., Hoàng à, đang đâu đấy? Sao gọi sớm thế? Gọi chúc Tết anh à, sớm thế?” - giọng Hà Tĩnh khó nghe mà quen thuộc của anh Thịnh xổ một tràng đầy xúc cảm. “Dạ, em đang ở quê anh đây. Em ghé thăm nhà anh chị đây”. “Thăm anh chị nào? Hoàng đang ở đâu?”.
Anh Thịnh không tin được, hỏi đi hỏi lại vài lần. Làm sao anh có thể ngờ được có một thằng lính thời chiến trường Campuchia đã bỏ gia đình trong những ngày Tết rồi đi gần 1.500 cây số để tìm đến nhà thăm và ăn Tết với đồng đội của mình!
Tôi cố nén cảm xúc: “Em đang ở ngay ngõ vô nhà anh đây”. Không đầy 5 phút sau, anh và vợ tất tả chạy ra đón tôi...
Vào nhà, biết tôi lạnh, anh kéo ngồi xuống ngay bên bếp lò to đang đun củi. Một cái nồi lớn sôi ùng ục. Chắc nấu bánh chưng? Chị loay hoay xắt thịt, luộc lòng. Anh thì rót rượu trắng từ can nhựa ra cái ấm nhỏ.
Lần đầu trong đời tôi uống rượu lúc rạng sáng - những chén rượu cay xè, ấm nồng do chính tay anh nấu - mà sao thấy ngon lạ lùng! Anh hỏi đủ thứ chuyện về gia đình tôi, về thằng Minh nuôi quân quê Đồng Tháp, thằng Hải liên lạc ở Hóc Môn, thằng Hiệp y tá nhà Bình Chánh... Tôi cũng hỏi thủ trưởng đủ thứ chuyện về gia đình anh, về anh Triển đại đội phó quê Nam Đàn, anh Sơn thượng úy ở Hoàng Liên Sơn, anh Nhàn y sĩ tiểu đoàn gốc Đức Thọ...
Chuyện nọ xọ chuyện kia, về những người còn sống và cả những người đã nằm xuống tại chiến trường. Hỏi cũng chỉ để hỏi và nghe cũng chỉ để nghe vì đã hơn 30 năm qua, mấy ai trong chúng tôi được gặp nhau và có người lính nào có may mắn được gặp lại đồng đội, thủ trưởng cũ của mình khi kẻ Nam người Bắc.
Nói chuyện nay nhưng lại nghĩ đến chuyện xưa. Giọng anh chợt chùng xuống: “Hoàng còn nhớ thằng Của không?”. “Làm sao mà em quên được” - tôi bồi hồi. Trần Văn Của là trung đội trưởng, nhà ở quận 8, hy sinh ngay tháng giêng trong chiến dịch mùa khô 1984-1985, hiện đã an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP HCM.
“Đến giờ tau vẫn tiếc thằng Của, nó không đáng phải chết như vậy. Sáng hôm đó, nó xin tau dẫn lính đi lùng sục quanh nơi đơn vị vừa đóng quân. Tau hiểu ý nó, muốn vừa thực hiện nhiệm vụ vừa săn bắn thú rừng cải thiện cho bếp ăn đại đội. Thật không may, nó đã giẫm phải mìn KP2” - anh xót xa.
Rạng sáng, anh Thịnh “bắt” tôi gọi điện thoại cho những người mà anh chợt nhớ qua những mẩu chuyện không đầu không đuôi: Xuân Vời y tá tiểu đoàn quê Hải Hưng, Việt Anh B trưởng ở Sài Gòn, Lý Cần vệ binh nhà Bến Tre, Chiến cối quê Long An... Còn biết bao người mà anh và tôi muốn gặp nhưng không biết làm sao liên lạc.
Tôi gọi điện thoại thăm hỏi anh Phạm Xuân Trạo, bạn đi lính năm 1976 cùng anh Thịnh. Anh Trạo giờ là Thiếu tướng, Hiệu phó Trường Sĩ quan lục quân 2 ở Đồng Nai. Biết tôi đang ở nhà anh Thịnh, anh Trạo báo rằng anh vừa bay từ TP HCM ra Vinh và mới về đến nhà ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. “Mùng hai, Hoàng cố gắng đèo thủ trưởng mày lên anh nhé, chưa đến bốn chục cây số đâu. Anh em mình uống rượu ôn lại kỷ niệm ngày xưa dịp đầu năm mới nhé” - giọng anh háo hức...
Là “trưởng họ” nên ngày 30 và mùng 1 Tết, anh Thịnh rất bận rộn việc gia tộc. Đêm giao thừa, anh cảm động: “Năm nay, nhà có hai đứa con đi xa không về nhưng anh lại được Hoàng ra ăn Tết cùng”. Khi anh “khoe” cùng họ hàng, có người đã nói: “Ông Thịnh lúc đi bộ đội chắc ăn ở tốt hay sao mà sau hơn 30 năm vẫn còn lính của ông ấy tìm đến thăm và đón Tết”.
Họ đâu biết rằng tôi là một người thích lang thang, đi tìm những đồng đội cùng đơn vị năm xưa. Mỗi câu chuyện của từng người sau cuộc chiến, mỗi cuộc điện thoại kết nối được bạn bè lại với nhau... là niềm vui, niềm hạnh phúc vô cùng với tôi và đồng đội.
Năm 1989, đơn vị tôi rút quân toàn bộ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại đất nước Chùa Tháp. Đất nước yên bình, anh Thịnh cũng như bao người lính khác xin phục viên về quê với cha mẹ, vợ con, họ hàng. Thời chiến đối đầu quân địch, họ đã cùng đồng đội sinh tử, sống mái với kẻ thù. Thế nhưng, đối mặt đời thường sau bao năm trận mạc, để hòa nhập cuộc sống quả là một điều rất khó khăn...
Bùi ngùi phút chia tay chiều mùng 2 Tết, anh Thịnh và tôi cũng chưa biết khi nào sẽ gặp lại nhau. Biết bao đồng đội còn sống mà tôi vẫn khát khao muốn được tái ngộ một lần trong quãng đời còn lại. Rồi những đồng đội không may bỏ mình trong chiến trận, làm sao để đến thăm nhà được khi thông tin thời đi lính chỉ là những địa chỉ làng, xã nào đó, chưa kể theo thời gian đã thay đổi quá nhiều.
Chúng tôi, những người lính chiến trường K năm xưa, có người về quê cày ruộng như anh Thịnh, có người ở Sài Gòn vất vả mưu sinh với đủ thứ nghề... Quá khứ tưởng đã lùi xa vào dĩ vãng và nhiều khi chúng tôi cũng cố quên đi nhưng chỉ cần gặp được nhau, được ngồi cùng đồng đội năm nào thì “một thời hoa đỏ” ấy lại như ngọn lửa âm ỉ bỗng bùng cháy lên với vô vàn kỷ niệm thương nhớ, hào hùng...
Bình luận (0)